Nậm Nhùn - Những ấn tượng khó quên

Chuyến thăm Nậm Nhùn, huyện biên giới mới thành lập và còn nghèo của Lai Châu, để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên.

Nậm Nhùn ra đời 6 năm trước, trên phần diện tích tách ra từ hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè. Vậy mà chiều dài từ đầu đến cuối huyện cũng hơn 100 km. Nậm Nhùn là huyện nghèo, 6/10 xã trong huyện vào diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Vượt lên khó khăn, huyện Nậm Nhùn đã có những bước tiến đáng mừng.

Vượt lên khó khăn, huyện Nậm Nhùn đã có những bước tiến đáng mừng.

Khi qua thị trấn còn khá sơ sài của Nậm Nhùn, chúng tôi ấn tượng với cụm trường học dành cho con em đồng bào các dân tộc khang trang, xây dựng ngay bên đường trục chính. Điều đáng nói là liền bên đó, trụ sở của UBND huyện khá khiêm tốn, khác với những khu công sở bề thế ở nhiều nơi.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện cởi mở với Trưởng ban dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Lò Văn Qui, người dân tộc Thái đen, cùng các chi Lường Thị Cương, Phó Văn phòng và Trần Thị Hải, cán bộ UBND huyện.

Lò Văn Qui công tác ở cơ sở nhiều năm, từng là bí thư đảng ủy xã Nậm Hàng, trước khi lên huyện. Vì thế, anh có cái nhìn sâu sát, cụ thể của một người từng phụ trách một xã lớn mà một phần diện tích trở thành hồ thủy điện, nhiều gia đình phải chuyển đến khu định cư mới với những xáo trộn, khó khăn mà chỉ người trong cuộc mới thấm thía.

Trường THCS Nậm Nhùn được xây dựng khang trang.

Chẳng hạn, theo Lò Văn Qui, bên cạnh chuyện làm nhà, dựng bản mới khang trang, vấn đề sống còn là đảm bảo diện tích canh tác, nguồn sống cho người dân. Với hơn 800 hộ dân tái định cư trong toàn huyện, quy hoạch đủ đất canh tác là một câu chuyện lớn. Hay vấn đề làm cao su, người dân góp đất trồng vào công ty hưởng phần lợi tức theo chủ trương chung. Nhưng khi doanh nghiệp kinh doanh không có hiệu quả, người dân vô cùng khó khăn và chẳng biết trông vào đâu. Nậm Nhùn nghèo, nguồn thu eo hẹp. Trong khi ấy, trên địa bàn có đến 8 nhà máy thủy điện nhưng theo phân cấp thì huyện chỉ có nguồn thu từ một nhà máy có công suất nhỏ nhất. Nhưng nhà máy này mới vận hành nên nguồn thu chưa được là bao. Lò Văn Qui giúp chúng tôi hiểu nhiều vấn đề đang đặt ra trong sự phát triển của huyện vùng cao biên giới nhiều khó khăn này.

Thu nhập bình quân đầu người trong huyện Nậm Nhùn 5 năm qua đã tăng hơn hai lần, đạt 28,5 triệu đồng.

Dù vậy, qua câu chuyện, chúng tôi được biết, vượt lên khó khăn, Nậm Nhùn đã có những bước tiến đáng mừng: Diện tích trồng cây lương thực có hạt trong toàn huyện cao hơn, tổng sản lượng đạt 12.000 tấn, tăng gần 1500 tấn so với năm 2015. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng phù hợp. Sản xuất nông nghiệp đa dạng hơn, phát triển các loại cây công nghiệp, cây dược liệu, chăn nuôi gia sức lớn và nghề nuôi cá lồng trong lòng hồ. Diện tích che phủ rừng tăng hơn... Thu nhập bình quân đầu người trong huyện 5 năm qua đã tăng hơn hai lần, đạt 28,5 triệu đồng. Huyện đã huy động có hiệu quả các nguồn lực, các chương trình, dự án, gắn với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng tái nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo ở Nậm Nhùn còn hơn 19%, giảm trên 26% so với 2015. Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục ở một huyện vùng cao biên giới với 27 ngàn dân và 11 dân tộc sinh sống cũng đã có những bước tiến đáng kể.

Nhà máy thủy điện Lai Châu.

Chúng tôi cùng Lò Văn Qui lên thăm nhà máy thủy điện Lai Châu, một công trình làm thay thay đổi diện mạo của vùng đất này. Thủy điện Lai Châu được đưa vào sử dụng năm 2016 sau năm năm thi công, với 3 tổ máy có công suất tổng cộng 1.200 MW, là bậc thang trên cùng của các nhà máy thủy điện trên sông Đà. Với đập chính có cao trình 295 mét, thủy điện Lai Châu là một mình chứng nữa cho khả năng kỹ thuật và lao động sáng tạo của những người làm thủy điện Việt Nam.Chúng tôi đã có dịp gặp và trò chuyện với anh Trần Hinh, 30 tuổi, quê ở Thái Bình, cán bộ kỹ thuật vận hành ở đây. Anh là một trong hàng ngàn con người từ những miền quê khác nhau của đất nước đã lên Nậm Nhùn để góp phần xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất này.

Đền thờ vua Lê Thái Tổ.

Nậm Nhùn có một dấu ấn lịch sử - văn hóa giàu ý nghĩa. Đó là đến thờ vua Lê Thái Tổ, nơi lưu giữ bài thơ khắc trên vách núi của nhà vua về mảnh đất biên thùy này. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Lê Lợi thân chinh đưa quân lên biên giới phía tây, dẹp loạn cát cứ của tù trưởng Đèo Cát Hãn, người có ý đồ liên kết với ngoại bang để cát cứ một vùng; đập tan sự nhòm ngó của kẻ thù bên ngoài, xác lập chủ quyền ở phía tây của nước Việt .

Phiến đá khắc bài thơ của vua Lê Thái Tổ.

Bài thơ được viết vào năm 1431, khắc trên vách núi bên sông Đà. Bia được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1981, công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2016. Năm 2005, khi nhà máy thủy điện Lai Châu khởi công, để tránh bị ngập, phiến đá có bài thơ đã được tách ra khỏi vách đá. Phiến đá này dài 2,62 m, cao 1,85 m, trọng lượng trên 15 tấn, đặt trong khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ, cách vị trí vách đã cũ khoảng 500 mét.

Chúng tôi đã đến viếng đền thờ trong thời gian thăm Nậm Nhùn, tưởng nhớ công đức của tiền nhân và chiêm ngưỡng những lời thơ khắc trên đá gần 6 thế kỷ mà vẫn âm vang, lay động lòng người:

Bọn giặc cuồng sao dám tránh đi sự trừng phạt

Dân biên thùy từ lâu mong ta tới cứu sống

Kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có

Đất đai hiểm nguy từ nay không còn

Tiếng gió thổi hạc kêu làm quân giặc run sợ

Sông núi từ nay nhập vào bản đồ

Đề thơ khắc vào vách núi đá

Trấn giữ phía Tây nước Việt ta.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ban-doc/nam-nhun-nhung-an-tuong-kho-quen-20200720151105515.htm