Năm nhà báo Liên Xô nổi tiếng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại

Nghề báo thường đòi hỏi con người phải có sự dũng cảm nhất định, thậm chí là tính phiêu lưu, đặc biệt là các nhà báo quân đội. Nhiều người trong họ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì những bản tin, bức ảnh, thước phim quý giá trực tiếp thực hiện tại mặt trận. Bài viết sau đây giới thiệu 5 nhà báo, nhà văn, nhà thơ Liên Xô nổi tiếng đã từng hoạt động trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Yury Levitan

Phát thanh viên huyền thoại Liên Xô Iury Levitan là người có công rất lớn trong cuộc chiến tranh chống phát xít của nhân dân Liên Xô. Người ta gọi giọng đọc của Iury Levitan là "Tiếng nói của đất nước", "Tiếng nói của Liên Xô vĩ đại" hay "Niềm hy vọng của Liên Xô".

Thời bấy giờ, các chương trình phát thanh quan trọng nhất của đất nước Xôviết đều do Yury Levitan thực hiện: tin quân Đức tấn công Liên Xô, các mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao Stalin, tin về đánh chiếm Berlin, ngày chiến thắng, ngày Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên của loài người, ngày Yury Gagarin bay vào vũ trụ...

Lần đầu tiên đến Moskva từ thành phố Vladimir, Iury Levitan chỉ mới học hết lớp 9. Ông ước mơ trở thành diễn viên nhạc kịch. Tuy nhiên, do không được Học viện Sân khấu Moskva chấp nhận, ông phải tham gia một nhóm phát thanh viên, và thật bất ngờ, số phận ông bắt đầu thay đổi từ đây.

Iury Levitan hoạt động trong nhóm một thời gian trước khi được lãnh tụ Stalin nhận ra giọng đọc tuyệt vời của ông. Tháng 1/1934, Iury Levitan, khi đó mới 20 tuổi, đã trở thành phát thanh viên chính của Đài phát thanh Moskva.

Phát thanh viên huyền thoại Liên Xô Yury Levitan.

Phát thanh viên huyền thoại Liên Xô Yury Levitan.

Tiếng nói của Iury Levitan như mở đầu cho những năm tháng đấu tranh chống phát xít của nhân dân Liên Xô. Thậm chí, năm 1941, khi quân đội phát xít đánh sập tháp truyền thanh Moskva, Iury Levitan vẫn bền bỉ truyền đi những thông tin chiến trận qua một đài phát thanh nhỏ hơn ở thành phố Sverdlovsk.

Trùm phát xít Hitler có lẽ là người "đánh giá cao" phát thanh viên Levitan nhất. Hitler đã gọi ông là “kẻ thù số 1” (sau Stalin). Mật vụ Đức thậm chí treo thưởng 250.000 mác để "lấy đầu" Levitan.

Ngày 9/5/1945, Iury Levitan vinh dự được mời đến điện Kremlin để đọc thông báo chiến thắng của quân đội Liên Xô cho hàng triệu người dân Liên Xô. Ông chỉ có 35 phút chuẩn bị và vượt qua Quảng trường Đỏ rợp bóng cờ hoa để đến phòng thu âm.

Yury Levitan mất năm 1983 vì bệnh tim, tên ông được đặt cho các đường phố ở Vladimir, Alma Ata, Ufa, Tver...

Konstantin Simonov

Tuổi thơ của nhà văn, nhà thơ, nhà báo quân đội Konstantin Simonov, tác giả bài thơ nổi tiếng “Đợi anh về” gắn liền với chiến tranh. Bố ông tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất và mất tích ở mặt trận. Sau khi học xong lớp bảy, Konstantin Simonov làm thợ tiện ở Saratov, sau đó ở Moskva. Tuy nhiên, tài năng văn chương của ông sớm bộc lộ: Konstantin Simonov sáng tác những bài thơ đầu tiên của mình vào khoảng năm 1935, và năm 1936, lần đầu tiên các tác phẩm của ông đã được xuất bản. Mong muốn có được một học vấn văn học bài bản, Konstantin Simonov vào học Trường Viết văn Gorky, sau đó ông được nhận vào học sau đại học tại Trường Đại học triết học, văn học và lịch sử Moskva mang tên N. G. Chernyshevsky.

Năm 1939, Konstantin Simonov được phân công đến thành phố Khalkhin Gol và không trở lại làm nghiên cứu sinh nữa. Đối với ông, chiến tranh bắt đầu từ đây, trên sông Khalkhin-Gol. Konstantin Simonov tham gia các khóa đào tạo phóng viên chiến trường, ngay từ đầu chiến tranh ông chủ yếu đăng bài trên tờ “Tin tức”, đồng thời cộng tác với các tờ báo chiến trường như “Cờ trận”, “Sao đỏ”...

Konstantin Simonov là nhà báo xông xáo, ông đã từng đứng trong hàng ngũ những người bảo vệ hai thành phố Odessa và Stalingrad, tham gia trận đánh Kursk, đã nhìn thấy những lò thiêu man rợ của trại tập trung Auschwitz và ngọn cờ đỏ bay phấp phới trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức.

Kết thúc chiến tranh, Konstantin Simonov được phong quân hàm đại tá. Ông được trao tặng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng 1, các huy chương "Phòng thủ Moskva" và "Phòng thủ Kavkaz”. Sau chiến tranh, ông tiếp tục hoạt động báo chí, là Tổng biên tập Báo Văn học của Hội Nhà văn Liên Xô.

Musa Dzhalil

Musa Dzhalil là nhà thơ và nhà báo Liên Xô nổi tiếng người dân tộc Tatar. Ông sinh năm 1906 tại tỉnh Orenburg. Năm 1919, ông vào học Trường Đại học giáo dục quốc dân Tatar. Năm 1931, ông tốt nghiệp khoa văn của Đại học Quốc gia Moskva. Năm 1931-1932, ông làm biên tập viên cho các tạp chí thiếu nhi. Tập thơ đầu tay của ông “Chúng tôi đi” được xuất bản năm 1925.

Năm 1941, Musa Dzhalil ra mặt trận, làm phóng viên quân đội và tham gia các trận đánh. Ông đã chiến đấu tại mặt trận Leningrad và Volkhov, viết bài cho báo “Dũng khí”. Một năm sau khi chiến tranh xảy ra, trong chiến dịch tấn công Lyuban của Hồng quân Liên Xô, Musa Dzhalil bị thương nặng ở ngực và bị bắt làm tù binh. Ngày 25 tháng 8 năm 1944, nhà thơ bị xử bắn tại một trong những nhà tù ở Berlin.

Trên Tổ quốc mình, một thời gian dài Musa Dzhalil bị coi là tay sai của giặc và là kẻ phản bội. Mọi thứ chỉ thay đổi vào năm 1953, khi xuất hiện bài báo của Konstantin Simonov: nhà văn đã công bố những bài thơ cuối cùng của Dzhalil và chứng minh rằng ông đã chiến đấu vì tổ quốc đến giây phút cuối cùng, và là người yêu nước chân chính. Kết quả là Musa Dzhalil đã được phục hồi danh dự hoàn toàn và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Năm 1957, ông được trao Giải thưởng Lênin.

Mikhail Sholokhov

Nhà văn Liên Xô nổi tiếng Mikhail Sholokhov sinh năm 1905 tại tỉnh Rostov trong một gia đình nông dân bình thường. Năm 1912, ông vào học ngay lớp 2 trường tiểu học, sau đó học ở nhiều trường khác nhau ở Moskva, Voronezh, Rostov. Mikhail Sholokhov bắt đầu sáng tác những truyện ngắn đầu tiên của mình khi ông lên mười tuổi.

Sau đó, trở lại Moskva, Mikhail Sholokhov bắt đầu viết văn, đồng thời ông tích cực tự học và tham gia hoạt động trong nhóm văn học "Cận vệ trẻ". Bài báo đầu tiên của Mikhail Sholokhov được đăng năm 1923 trên tờ “Tuổi trẻ”. Và một năm sau, các truyện ngắn “Những câu chuyện sông Đông” bắt đầu xuất hiện trên tờ "Người Lêninít trẻ". Năm 1925, Mikhail Sholokhov bắt đầu sáng tác một trong những tác phẩm chính của mình - tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm".

Cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại bắt đầu, Mikhail Sholokhov trở thành phóng viên quân đội. Ông viết cho các tờ “Sự thật” và “Sao Đỏ”, ông thường ra tiền tuyến, nói chuyện với các chiến sĩ. Trong chiến tranh, ông đã xuất bản nhiều bút ký, truyện ngắn và một số chương của tiểu thuyết “Họ chiến đấu vì Tổ quốc”. Sau khi chiến tranh kết thúc, Mikhail Sholokhov vẫn tiếp tục sáng tác văn học và dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội.

Năm 1928, Mikhail Sholokhov hoàn thành tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm". Ông là một trong số ít nhà văn Xô viết được trao Giải Nobel Văn học (1965). Nhà văn đã hiến toàn bộ số tiền thưởng để xây dựng ngôi trường ở làng Veshenskaya, nơi ông học hồi nhỏ.

Lev Ozerov

Lev Ozerov là nhà thơ, dịch giả và nhà báo Liên Xô nổi tiếng. Ông sinh năm 1914 tại Kiev, năm 1939, ông tốt nghiệp Trường Đại học lịch sử triết học và văn học. Những bài thơ đầu tiên của Lev Ozerov được đăng báo năm 1932, năm 1940 - cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản.

Lev Ozerov vừa bảo vệ xong luận án phó tiến sĩ của mình, thì chiến tranh nổ ra. Ông là một trong những người đầu tiên viết đơn tình nguyện ra mặt trận với tư cách là phóng viên quân đội – ông viết cho tờ “Chiến thắng thuộc về chúng ta”, trong những năm 1945-1948, ông làm việc tại tạp chí “Tháng Mười”. Cho đến những ngày cuối đời, Ozerov giảng dạy tại Trường Viết văn Gorky, năm 1979 ông được phong danh hiệu giáo sư khoa dịch văn học.

Trong suốt cuộc đời mình, Lev Ozerov đã xuất bản hơn 20 đầu sách và dịch rất nhiều thơ. Ông dịch từ tiếng Ukraina, Litva và các ngôn ngữ khác của các dân tộc Liên Xô. Ông cũng nổi tiếng nhờ các công trình nghiên cứu về tiểu sử và tác phẩm của các nhà văn như Akhmatova, Tyutchev, Fyet, Pasternak, Zabolotsky và nhiều người khác.

Aleksandr Prokofyev

Aleksandr Prokofyev là nhà thơ Liên Xô nổi tiếng, Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa và là phóng viên quân đội. Ông sinh năm 1900 tại tỉnh Leningrad. Hồi nhỏ ông học tiểu học tại trường làng, từ năm 1913 đến năm 1917, ông học Trường Sư phạm Saint-Petersburg. Ông tham gia cuộc Nội chiến, năm 1919 gia nhập Đảng Cộng sản Nga (b). Bị bắt làm tù binh, nhưng đã trốn thoát.

Aleksandr Prokofiev trở thành phóng viên chiến trường trong cuộc chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (1939-1940). Sau đó, ông là thành viên của nhóm nhà văn tại phòng chính trị thuộc mặt trận Leningrad.

Lần đầu tiên, các tác phẩm Aleksandr Prokofyev xuất hiện trên báo chí vào năm 1927, và 4 năm sau, tập thơ đầu tay của ông được xuất bản. Hầu hết các tác phẩm của nhà thơ và nhà báo Aleksandr Prokofyev được các nhà phê bình đánh giá là “đặc sắc”, “độc đáo”. Nhiều bài thơ của Aleksandr Prokofyev đã được phổ nhạc, nổi tiếng nhất trong số đó là bài “Đồng chí” (nhạc của Oleg Ivanov).

Ca khúc này, được phát hành vào năm 1970, đã trở thành bài hát không chính thức của giới thanh niên Liên Xô. Nhiều người còn nhớ và yêu thích bài hát "Taiga rừng vàng” (nhạc của Venedikt Pushkov), được trình diễn trong bộ phim cùng tên. Ngoài ra, nhà soạn nhạc Georgy Sviridov đã sáng tác bản hợp xướng “Ladoga”, phổ thơ của Aleksandr Prokofyev.

Trần Hậu (tổng hợp)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nam-nha-bao-lien-xo-noi-tieng-trong-cuoc-chien-tranh-ve-quoc-vi-dai-599414/