'Năm nghỉ ngơi của tôi' - góc trần trụi về nước Mỹ đầu thiên niên kỷ

Một cô gái trẻ có cuộc sống như mơ nhưng lại vùi mình trong giấc ngủ triền miên để quên đi sự đời, cuốn sách viết về câu chuyện 20 năm trước nhưng vẫn đầy hơi thở của hiện tại.

My Year of Rest and Relaxation (Năm nghỉ ngơi của tôi) là tiểu thuyết thứ hai của nhà văn người Mỹ gốc Croatia, Iran - Ottessa Moshfegh, xuất bản năm 2018.

Là một trong những tên tuổi nhiều triển vọng của văn học nước Mỹ, Moshfegh gây chú ý với các tác phẩm kỳ lạ, cuốn hút, lối hành văn sắc bén, đầy cẩn trọng, New York Times bình luận.

Cuốn sách trước đó của Moshfegh có tên Homesick for Another World (Nhớ nhung một thế giới khác) (2017) đã khẳng định tên tuổi của cô như một tiểu thuyết gia mới xuất sắc. Cô cũng để lại nhiều dấu ấn với các truyện dài McGlue (2014) và Eileen (2015).

Thế giới văn học của Moshfegh đầy những "kẻ lạc lối" mà những suy nghĩ "độc hại" khiến cho cuộc sống của họ rơi vào trạng thái tê liệt. Trong Năm nghỉ ngơi của tôi, Moshfegh kể về quãng tuổi 24 của một nữ nhân vật hiện đại đơn độc, điển hình cho những người hay buồn chán trong cuộc sống đương thời.

Ngủ vùi để cứu vãn cuộc đời

Nhân vật chính không tên được mô tả là một người phụ nữ “cao, mảnh khảnh, tóc vàng, trẻ trung và xinh đẹp”, và không ưa hầu như tất cả mọi người, tất cả mọi thứ trên đời. Một cô gái có học thức, giàu có và thời thượng, nhưng chán ghét xã hội và quay cuồng trong trống rỗng. Cô giống với một phiên bản nữ của Patric Bateman, nhân vật phản anh hùng vô hồn trong tiểu thuyết American Psycho (Tâm thần kiểu Mỹ) của Bret Easton Ellis.

(Cô nghiện phim của Whoopi Goldberg cũng như Bateman không thể thiếu âm nhạc của Huey Lewis and the News).

 Bìa cuốn sách My Year of Rest and Relaxation (Năm nghỉ ngơi của tôi), tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Ottessa Moshfegh, xuất bản năm 2018. Ảnh: New York Times.

Bìa cuốn sách My Year of Rest and Relaxation (Năm nghỉ ngơi của tôi), tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Ottessa Moshfegh, xuất bản năm 2018. Ảnh: New York Times.

Nghiện thuốc chống trầm cảm, các loại thuốc an thần, cô tìm đến giấc ngủ như một sự giải thoát. Giống như Oblomov trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Nga Ivan Goncharov, cô không muốn để tâm trí mình tỉnh táo.

"Tại sao phải trèo ra khỏi giường?", cô bắt đầu tự hỏi, cũng như những nhà văn tự do hay những cử tri "bang xanh" (những người ủng hộ đảng Dân chủ) lúc bấy giờ.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh ở thành phố New York vào năm 2000, 2001. Đối với nhân vật của Moshfegh, thế giới lúc đó như địa ngục. Nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton với những bê bối chính trị ngày càng xuống dốc trong những tháng cuối khiến cô càng cảm thấy tồi tệ.

Qua danh bạ điện thoại, cô tìm thấy một bác sĩ tâm thần cẩu thả sẵn sàng kê thuốc "thả phanh" cho bệnh nhân, để rồi từ đó đắm chìm trong chuỗi ngày ăn - uống thuốc - ngủ. Vòng lặp đưa cô rơi vào thạng thái mơ hồ về thời gian - không gian, đôi khi mơ màng vô thức làm những việc như đến hộp đêm hay sắp xếp dọn dẹp nhà cửa. Cô lang thang vô định thậm chí có lần đến cả đường tàu Long Island, thực sự là một cơn ác mộng khi tỉnh dậy.

Nữ nhân vật của Moshfegh lựa chọn giấc ngủ như một giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống, tin rằng thuốc ngủ sẽ giúp mình quên đi sự đời. Cô uống loại thuốc an thần có tên là Infermiterol 3 lần một ngày, triền miên như vậy trong suốt 4 tháng.

Góc trần trụi về đời sống hiện đại Mỹ

Moshfegh không nói nhiều về câu chuyện sườn của nhân vật hay biến cố nào đã khiến nhân vật cảm thấy khổ sở và trống rỗng đến vậy. Chỉ biết rằng bố mẹ cô đã chết (vì ung thư và dùng thuốc quá liều) khi cô còn học đại học, nhưng cô cũng không thân thiết ai trong hai người.

Cô có một người bạn là Reva mà cô đã đối xử rất tệ, dù Reva hết sức lo lắng cho tình trạng của cô. Reva nói rằng cô đang tự hủy hoại cơ thể mình. Truyện cũng nhắc đến Trevor, bạn trai cũ mà cô vẫn giữ liên lạc.

Dù vậy, những tự sự của nhân vật chính cho độc giả biết rằng, động cơ của cô hoàn toàn không phải tự sát. "Tôi chìm vào giấc ngủ là để tự bảo vệ bản thân mình", cô nói. "Tôi đã nghĩ đó là cách để cứu vãn cuộc đời mình... Nếu tôi tiếp tục làm như thế, có thể tôi sẽ được biến mất hoàn toàn để rồi tái sinh trong một hình hài mới. Đó là hy vọng của tôi. Đó là giấc mơ của tôi".

Câu chuyện về nữ nhân vật vô danh đã được Moshfegh mô tả bằng ngòi bút sắc sảo, đầy ngẫu hứng và nổi loạn song vẫn mang một giọng văn thống nhất từ đầu chí cuối.

Tác giả Ottessa Moshfegh (sinh năm 1981) từng dành giải thưởng Hemingway Foundation/PEN cho tiểu thuyết đầu tay Eileen (2015) và được đề cử Giải thưởng văn học Man Booker vào năm 2016. Ảnh: New York Times.

Daily Telegraph đánh giá Năm nghỉ ngơi của tôi là "một sự mổ xẻ thông minh và sâu cay về văn hóa Mỹ". "Trần trụi đến nhói lòng và đánh động tâm can", cây bút Isabel Dexter của Elle bình luận về cuốn sách.

Cuốn tiểu thuyết lồng ghép một cách thú vị giữa hiện thực và hư cấu (mạch truyện được dẫn dắt khéo léo đến sự kiện khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ), tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với độc giả.

Năm nghỉ ngơi của tôi viết về câu chuyện của 20 năm trước nhưng vẫn đầy hơi thở của hiện tại. Cái ý nghĩ vùi mình vào giấc ngủ trong thời khắc đặc biệt đó của lịch sử thế giới, thật lôi cuốn, như cái cách mà tác giả đặt lời đề tựa: "Infermiterol: Dành cho ai không muốn tỉnh giấc, cho đến khi tất cả đã kết thúc".

Ngụy An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-nghi-ngoi-cua-toi-goc-tran-trui-ve-nuoc-my-dau-thien-nien-ky-post1078477.html