Nam Ngạn – địa danh văn hóa lịch sử

Nam Ngạn là mảnh đất hiếm hoi trên địa bàn TP Thanh Hóa không chỉ lưu giữ nhiều nét đặc trưng tiêu biểu của một miền quê Bắc bộ mà còn vang danh bởi những giá trị lịch sử oanh liệt trong kháng chiến.

Chùa Mật Đa cổ kính và yên bình tại Nam Ngạn.

Cách trung tâm TP Thanh Hóa chỉ khoảng 2km nhưng bất cứ ai khi đến với phường Nam Ngạn đều lấy làm thú vị bởi nơi đây là sự tổng hòa giữa những khung cảnh làng quê êm đềm với không gian sống hiện đại, sầm uất. Còn đó một ngôi làng cổ kính rêu phong với những di tích hàng trăm năm tuổi, có cảnh đẹp non nước hữu tình với dòng sông Mã hiền hòa thơ mộng ngang qua, cảnh lao động trên bến dưới thuyền từ ngàn đời nay gắn bó với những người con miền sông nước vẫn luôn tiếp diễn từng ngày. Và ở đó, những người dân địa phương ngày ngày sinh sống, trân trọng và giữ gìn tất cả những dấu tích của lịch sử cũng như truyền thống anh hùng đã đúc kết từ bao đời của cha ông.

Nét nổi bật của Nam Ngạn cổ xưa là hệ thống các đình, chùa, miếu mạo nằm xen lẫn bên trong khu dân cư đông đúc với các con đường ngõ xóm quanh co. Đình làng Nam Ngạn thờ quan đốc học liệt hầu đồng bình Chương sự Chu Văn Lương, người có công khai phá đất đai lập ra làng, tổ chức dạy chữ, bốc thuốc chữa bệnh và lãnh đạo Nhân dân nơi đây đánh giặc, giành được nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Đình được xây dựng từ thời Trần, tuy nhiên, do thăng trầm của lịch sử, nét kiến trúc của thời Trần còn lại không nhiều, thay vào đó là dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Hàng năm, nơi đây vẫn diễn ra nhiều lễ hội, là dịp để người dân địa phương được hòa mình vào các điệu hát, trò diễn dân gian như: hát chèo, múa đèn...

Chùa Mật Đa là một ngôi chùa đẹp và linh thiêng, mang đậm dấu ấn của Tam giáo đồng nguyên. Trước đây, chùa nằm ngay sát đê sông Mã nhưng do có nguy cơ bị sụt lún bởi lũ lụt nên đã được người dân di dời vào khu vực bên trong làng. Theo nội dung bia “Nam Ngạn tự bia ký”, chùa được xây dựng trên khu đất rộng, có cảnh đẹp mây ứng núi cao. Đây là vùng đất linh, sinh ra các bậc anh hùng hào kiệt. Chùa Mật Đa không chỉ là nơi để người dân đến chiêm bái, gửi gắm ước vọng cho sức khỏe và cuộc sống bình yên của bản thân và gia đình mà vẻ cổ kính xen lẫn với nét dân dã của không gian ngôi chùa góp phần làm cho vẻ đẹp của mảnh đất Nam Ngạn trở nên êm ả, thơ mộng hơn.

Tượng đài “Nam Ngạn chiến thắng” nơi ghi nhớ sự anh dũng, kiên cường của người dân Nam Ngạn trong chiến đấu.

Có lẽ, với những người con đã sinh ra và lớn lên ở quê hương Nam Ngạn sẽ không khỏi tự hào về mảnh đất và con người anh hùng nơi đây. Từ những người cao tuổi từng chứng kiến những năm tháng bom đạn trong chiến tranh cho đến lớp người trẻ tuổi, ai đã từng gắn bó với Nam Ngạn sẽ đều cảm nhận được tinh thần đoàn kết, sự kiên cường và lòng yêu nước có trong mỗi con người và hiển hiện bên trong những dấu ấn lịch sử. Hẳn ai cũng thầm cảm phục trước ý chí bất khuất của những người con Nam Ngạn khi đứng trước tượng đài “Nam Ngạn chiến thắng”, một công trình tuy quy mô không lớn nhưng lại ghi dấu một mốc son lịch sử tô thắm truyền thống vẻ vang của người dân nơi đây.

Năm 1965, khi quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, đế quốc Mỹ đã điên cuồng tấn công cầu Hàm Rồng nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chỉ trong hai ngày 3 và 4-4-1965, Mỹ đã huy động tới 454 lượt máy bay, ném hàng nghìn tấn bom xuống mảnh đất chưa đầy 1km2 này. Và trong hai ngày bom lửa lịch sử ấy, người dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng. Chiến công này trở thành dấu son chói lọi như một huyền thoại của cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ và thử thách ác liệt.

Làm nên Hàm Rồng chiến thắng có rất nhiều công sức và sự hy sinh của người dân Nam Ngạn. Đó là những con người tiêu biểu cho ý chí chiến đấu anh dũng như nữ dân quân Ngô Thị Tuyển, người con gái ưu tú của quê hương Nam Ngạn đã đi vào lịch sử khi đã vác cùng lúc 2 hòm đạn nặng 98 kg vượt qua đê, chuyển ra bờ sông tiếp viện kịp thời cho anh em bộ đội. Đó là chị Nguyễn Thị Hằng, chị Nguyễn Thị Dung, anh Lê Thọ Sáu và biết bao tấm gương khác nữa.

Chiến tranh đã lùi xa, Nam Ngạn giờ đây đã “thay da đổi thịt” với các công trình dân sinh ngày càng hiện đại. Sự sung túc, sầm uất của phố phường đan xen những không gian trầm mặc phảng phất chất làng quê khiến Nam Ngạn vừa lạ vừa quen, vừa văn minh hiện đại nhưng cũng rất dung dị, trầm lắng. Đến đây, lắng lòng lại bên các di tích cổ, hồi ức về một thời kỳ oanh liệt của dân tộc bên các điểm di tích lịch sử kháng chiến, người ta còn cảm nhận rõ nét về một mảnh đất đậm đà chất làng quê với bề dày văn hóa lịch sử. Ở đó, những mái ngói san sát nhau đã đổ màu mưa nắng, những bức tường cũ chạy dài theo các con ngõ, ngách hun hút. Và rồi những lò bánh mỳ cũ xưa ấy vẫn ngày đêm tất bật với những mẻ bánh nóng sốt, ngào ngạt hương thơm, gợi nhớ về những ngày khó khăn trong quá khứ, ai đi đâu lên “thị xã Thanh Hóa” đều cố ghé qua làng bánh mỳ Nam Ngạn để mua cho được vài ba chiếc bánh đem về quê làm quà “thị xã”.

Nam Ngạn đang từng ngày vận động để đổi mới và phát triển nhưng không vì thế mà các giá trị xưa cũ bị lãng quên. Tất cả như ăn sâu vào tiềm thức, vào tâm trí và tấm lòng của mỗi người con nơi đây. Chính bởi vậy, địa danh này vẫn mãi là điểm đến văn hóa lịch sử nổi bật của vùng đất xứ Thanh anh hùng.

Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nam-ngan--dia-danh-van-hoa-lich-su/129868.htm