Năm nay, Thủ tướng sẽ chỉ đạo đánh giá lại điều hành kinh tế xã hội

Năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chỉ đạo đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh trong điều hành kinh tế xã hội, từ trung ương đến địa phương.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 khép lại thành công và được sự ghi nhận tích cực của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia kinh tế và giới phân tích cũng như đại diện các hiệp hội ngành nghề và đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thông điệp đọng lại là sự cam kết của người đứng đầu Chính phủ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhấn mạnh Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Đây là hai mệnh đề song song cần phải được thực hiện bằng các giải pháp mà trước nhất bằng cách “soi” lại nội các và những kế hoạch, đường lối, chính sách phát triển đã, đang và sẽ được triển khai.

Cụ thể, năm nay, Thủ tướng sẽ chỉ đạo đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh trong điều hành kinh tế xã hội, từ trung ương đến địa phương; tập trung vào vấn đề tư duy, tiến trình hoạch định chính sách kinh tế trong 10 năm gần đây để chỉ ra những giá trị kế thừa và bài học kinh nghiệm lớn nhằm tiếp tục nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc.

Bên cạnh đó, mục tiêu thực hiện Chính phủ số cùng các giá trị kiến tạo phát triển và sự liêm chính cũng sẽ được đẩy mạnh. Ngoài ra, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm tạo sức bật mới cho phát triển; trong đó xác định kinh tế số có vai trò động lực...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Cùng chung quan điểm, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ nên quyết tâm xây dựng nền kinh tế số, kết hợp hoàn thiện Chính phủ điện tử... Bởi nhiều khả năng, kinh tế Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng mức 6,8% trong năm nay.

Tuy nhiên, có thể hoạt động điều hành, quản lý kinh tế vĩ mô sẽ khó khăn hơn năm trước, do tình hình thị trường thế giới phức tạp, khó đoán định và đặt ra yêu cầu linh hoạt về chính sách tài khóa, bảo đảm sức chống chịu của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ nhiều hơn.

Trong năm 2019, Việt Nam bắt đầu thực hiện một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong thu hút vốn đầu tư quốc tế cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì ý định đầu tư vào Việt Nam. Khả năng, xuất hiện thêm việc một số nước thành viên của những FTA này sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam do được thụ hưởng những ưu đãi, thuận lợi mới.

Chính vì thế, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách mở cửa, nâng cao hiệu quả cải cách và chất lượng môi trường kinh doanh để tăng cường hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình kêu gọi đầu tư cũng gắn liền với việc chủ động sàng lọc, để tiếp nhận những dự án có tiềm năng và đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững của nền kinh tế... ông Thắng lưu ý.

Để có thể tạo chuyển biến trong chính sách phát triển nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, cần đánh giá tác động từ các hiệp định thương mại tự do; trong đó có CPTPP tới hoạt động thu hút đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường mới của Việt Nam.

Cũng với đó, xem xét và đánh giá lại thực trạng kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nền công nghiệp hỗ trợ còn rất hạn chế như hiện nay.

Vấn đề kinh tế số và cơ hội cho Việt Nam cũng cần được tập trung nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; qua đó, giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh, hun đúc tinh thần khởi nghiệp và huy động tốt các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Trước những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp được thảo luận tại diễn đàn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cam kết, các ngân hàng sẽ tập trung cung cấp vốn, tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn và xu hướng này đang gia tăng qua các năm.

Về nguyên tắc, vốn vay sẽ được ưu tiên phục vụ các dự án sản xuất, hỗ trợ các đơn vị tiếp cận công nghệ mới, tham gia xuất khẩu và nhất là hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Song, mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động vươn lên, sáng tạo và thích ứng để phát triển...

Năm 2019 sẽ là năm khởi động cho một giai đoạn quan trọng và nước rút để hoàn thành Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, thêm một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các nhiệm vụ, mục tiêu cần tập trung cho năm nay.

Theo đó, sẽ giữ ổn định chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và vi mô; tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; tạo lợi thế so sánh của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới bất ổn.

Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng thế chế, năng lực quản trị để hướng tới tăng trưởng từ 7% trở lên; cải cách, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực đầu tư nước ngoài gắn kết hơn với khu vực kinh tế trong nước; củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng; khởi thông các điểm nghẽn cho phát triển bền vững.

Giải pháp tiếp theo là tạo ra các bứt phá trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hướng tới chuẩn mực cạnh tranh minh bạch và công bằng trong tiếp cận nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 139 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng đó, thúc đẩy, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thực thi quyền bảo vệ tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Chính phủ cũng ưu tiên hơn nữa cho đầu tư khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; đầu tư cho hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ phát triển kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội từ cách mạng 4.0...

Ngoài ra, Chính phủ tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển đều giữa các vùng miền; đào tạo con người Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Mấu chốt, trong năm 2019, Chính phủ sẽ ưu tiên cho đầu tư vào nguồn nhân lực, hạ tầng chất lượng cao; nhất là hạ tầng thông minh và phục vụ việc tận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp cải cách giáo dục./.

Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nam-nay-thu-tuong-se-chi-dao-danh-gia-lai-dieu-hanh-kinh-te-xa-hoi/110966.html