Nam Mỹ đương đầu với các đường dây ma túy xuyên quốc gia

Khu vực Nam Mỹ được coi là nơi cung cấp cocaine và cần sa của thế giới, với các nước sản xuất cocaine và cần sa hàng đầu như Colombia, Peru, Bolivia và Paraguay.

Những năm gần đây, dù chính phủ các nước này đã tập trung vào triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán ma túy, tuy nhiên cuộc chiến này vẫn chưa có ngày kết thúc.

Ngày 4-8, Cảnh sát Brazil tịch thu 5,2 tấn cần sa được cất giấu trong một chiếc xe tải tại bang Tây Nam Rio de Janeiro, số cần sa nói trên được giấu dưới các túi đựng thức ăn cho ngựa. Người lái xe khai báo được thuê để vận chuyển số ma túy trên tới bang Đông Nam Espiritu Santo.

Đầu tháng 8, Cảnh sát biển Colombia và Panama cũng đã thu giữ hơn 4,5 tấn cocaine với tổng trị giá 152 triệu USD trong một chiến dịch hợp tác truy quét tội phạm ma túy tại vùng biển Caribe.

Trước đó, ngày 9-6-2019, Hải quân Colombia đã phát hiện và tịch thu gần 1,7 tấn cần sa được vận chuyển trên một con tàu tại bến cảng Leguizamo, thuộc bang Putumayo, giáp biên giới giữa nước này với Ecuador. Số hàng cấm theo phán đoán sẽ được vận chuyển tới Brazil.

Số ma túy này được giấu trong một ống hình trụ dài 14m và được gắn vào hông bên phải của con tàu. Cuối năm 2018, Cảnh sát Colombia từng thu giữ 700kg ma túy được vận chuyển theo hình thức này. Ngoài đường biển, tháng 6-2018, trong chiến dịch truy quét tội phạm mang tên Hercules tại Tumaco, bang miền Nam Nario, Cảnh sát Colombia đã thu giữ hơn 5 tấn cocaine khi đang chuẩn bị được vận chuyển bằng xuồng cao tốc ra khỏi biên giới.

Tháng 11-2018, Cảnh sát Colombia phối hợp với Cảnh sát Ecuador và Costa Rica thu giữ được hơn 2,2 tấn cocaine tại vùng biển Thái Bình Dương của một nhóm ly khai, tách ra từ FARC.

Để bắt giữ được số ma túy này, lực lượng an ninh của 3 nước đã trao đổi thông tin, phối hợp triển khai hai chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán ma túy.

Trong chiến dịch đầu tiên, cảnh sát Ecuador và Colombia đã tịch thu 1,6 tấn cocaine được giấu trong 2 chiếc thuyền và được vận chuyển từ thành phố Tumaco thuộc tỉnh giáp biên giới Nario tới khu vực Trung Mỹ và Mỹ, đồng thời bắt giữ 31 người mang quốc tịch Ecuador liên quan đến vụ việc.

Cùng thời điểm đó, nhận được tin báo từ Colombia, Cảnh sát Costa Rica đã theo dõi và phát hiện 690kg cocaine giấu trên một chiếc thuyền do một công dân Ecuador và 3 công dân Colombia điều khiển trên vùng biển Thái Bình Dương.

Theo thống kê, trong 8 năm qua, các lực lượng phòng chống ma túy của Colombia đã tịch thu tới 2.000 tấn cocain tinh khiết, 342 tấn nhựa cần sa, 5.500 tấn lá coca, hơn 2.300 tấn cần sa và hơn 3.500kg heroin.

Cảnh sát Colombia bắt giữ một vụ buôn lậu Cocaine.

Cảnh sát Colombia bắt giữ một vụ buôn lậu Cocaine.

Còn tại Peru, một trong ba quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới, các băng sản xuất ma túy thỏa thuận với nông dân mua lá coca với giá rất cao. Chúng thiết lập những cơ sở tinh chế cocaine quy mô lớn trong rừng sâu. Các cơ sở này có đủ hạ tầng như nhà máy chế biến, phòng thí nghiệm, đường băng cho máy bay nhỏ để vận chuyển...

Đầu năm 2019, quân đội và cảnh sát Peru đã phá hủy 3 phòng thí nghiệm, 4 kho chứa hóa chất dùng để sản xuất ma túy nằm trong rừng nhiệt đới Amazon, gần biên giới với Colombia, thu giữ khoảng 200 lít cocaine và nhiều loại hóa chất khác dùng để sản xuất ma túy. Tiếp đó tháng 3-2019, Cảnh sát Peru bắt giữ hơn 2 tấn cocaine trong một chiếc xe tại tỉnh Piura, cách thủ đô Lima 972km về phía Bắc.

Tại Paraguay, ngày 28-6-2019, Hải quan Paraguay (SENAD) cũng thu giữ gần 6 tấn cần sa được ép và đóng thành các gói nhỏ cất bên trong thùng một chiếc xe tải tại thành phố Ciudad del Este chờ đưa sang Brazil.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, Colombia là quốc gia trồng coca nhiều nhất và nguồn cung cấp cocaine lớn nhất với khoảng 900 tấn cocaine/năm. Các loại cocaine tiêu thụ trên toàn cầu đều đến từ Colombia, Peru, Paraguay và ít hơn là đến từ Bolivia. Cocaine được sản xuất từ lá của cây coca.

Theo ước tính của Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC), nông dân trồng coca ở Colombia sử dụng khoảng 169.000 héc-ta để sản xuất cocaine. Khi coca được chế biến thành cocaine sẽ được các băng buôn ma túy vận chuyển qua biên giới để đưa đến các thị trường Mỹ và châu Âu và các khu vực khác.

Theo báo cáo của Tổ chức Hòa bình và Hòa giải, tại Columbia có 11 nhóm tội phạm tranh giành quyền kiểm soát cảng Tumaco, cảng Thái Bình Dương lớn thứ hai của Colombia. Ít nhất ba trong số các nhóm này được thành lập từ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) từng từ chối giải ngũ theo thỏa thuận hòa bình tháng 11-2016 với Chính phủ Columbia.

Còn tại Paraguay, theo báo cáo về tình hình ma túy năm 2017, 95% sản lượng cần sa sản xuất tại Paraguay tập trung tại bang Amambay, Canindeýu và San Pedro, gần biên giới với Brazil. Brazil không phải là quốc gia sản xuất ma túy, nhưng có đường biên giới với các nước sản xuất cocaine và cần sa hàng đầu thế giới như Colombia, Peru, Bolivia và Paraguay. Các băng nhóm buôn ma túy thường sử dụng Brazil làm điểm trung chuyển.

Những năm gần đây, Chính phủ các quốc gia Nam Mỹ đã huy động nhiều lực lượng gồm Cảnh sát, quân đội, hải quan phối hợp tham gia đánh các đường dây buôn bán ma túy. Tuy nhiên, đây sẽ là cuộc chiến còn kéo dài nhiều năm.

Minh Khuê (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/the-gioi-ma-tuy/nam-my-duong-dau-voi-cac-duong-day-ma-tuy-xuyen-quoc-gia-556849/