Nam Mỹ đối mặt khủng hoảng COVID-19 nghiêm trọng

Ngày 30/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng các nước thuộc khu vực Nam Mỹ đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng COVID-19 phức tạp và nghiêm trọng.

Theo các quan chức y tế, nếu không ngăn chặn được số lượng ca nhiễm COVID-19 mới ngày càng tăng nhanh tại khu vực này có thể gây đe dọa tới toàn cầu.

Những bệnh nhân COVID-19 ở Combodia nằm trong lều dựng tạm ngoài bệnh viện

Những bệnh nhân COVID-19 ở Combodia nằm trong lều dựng tạm ngoài bệnh viện

Tiến sĩ Ciro Ugarte - Giám đốc về Tình trạng y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Liên Mỹ nhấn mạnh: "Các quốc gia như Brazil, Peru, Ecuador, Bolivia, Argentina, Uruguay… đang ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số ca nhiễm COVID-19 mới. Trong khi đó, các dịch vụ và trang thiết bị y tế ở các nước này ngày càng trở nên quá tải, số giường phục vụ bệnh nhân cũng trở nên cạn kiệt hơn...". Bất chấp cơ chế COVAX đã cung cấp cho khu vực Mỹ Latin và Caribe tới 7,3 triệu liều vắc xin, nhưng triển vọng về việc tăng nguồn cung vắc xin sớm cho khu vực này là không mấy lạc quan, khi nhu cầu thực tế về vắc xin lớn hơn rất nhiều".

Tại thủ đô Bogotá của Colombia, thị trưởng cảnh báo người dân nơi đây phải chuẩn bị tinh thần cho "hai tuần tồi tệ nhất trong cuộc đời chúng ta". Còn Uruguay, từng được ca ngợi là hình mẫu trong công tác phòng chống dịch COVID-19, hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới. Ở Argentina, Brazil, Colombia và Peru trong những ngày gần đây, số người chết liên tục đạt mức kỷ lục. Ở Venezuela, số ca tử vong do COVID-19 tăng 86% kể từ tháng 1/2021. Cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở khu vực Mỹ Latin, đặc biệt là ở Nam Mỹ, đang bị đánh giá là diễn biến ngày càng tệ hơn, thậm chí có khả năng vượt ra khỏi biên giới.

Người chờ nạp bình oxy ở ngoại ô phía nam Lima, Peru

Theo thống kê của báo New York Times (Mỹ), tuần trước, số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ Latinh chiếm 35% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới, mặc dù khu vực này chỉ chiếm 8% dân số toàn cầu.

Mỹ Latin đã là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới bởi COVID-19 vào năm 2020. Giờ đây, sau một năm chịu nhiều mất mát, khu vực này vẫn tiếp tục là một trong những "điểm nóng" COVID-19 đáng lo ngại nhất trên toàn cầu. Nam Mỹ thậm chí còn đang chứng kiến số ca tử vong nhiều hơn trước đó.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng tại Mỹ Latinh bao gồm nguồn cung vắc xin hạn chế và triển khai vắc xin chậm, hệ thống y tế yếu kém, nền kinh tế dễ vỡ khiến các lệnh giãn cách xã hội khó áp đặt và duy trì. Tình trạng dịch bệnh kéo dài ở Mỹ Latinh khiến công tác phòng chống dịch càng trở nên khó khăn hơn. Khu vực này đã phải trải qua thời gian phong tỏa xã hội nghiêm ngặt nhất, các trường học đóng cửa lâu nhất và sự suy giảm kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Bất bình đẳng, một vấn nạn lâu đời vốn đã dịu đi trước đại dịch, lại một lần nữa bùng nổ, hàng triệu người phải quay trở lại vị trí bấp bênh mà họ nghĩ rằng họ đã phần nào thoát khỏi nó. Nhiều người xuống đường biểu tình để trút giận, bất chấp những yêu cầu ở trong nhà của chính quyền. "COVID-19 đã cướp đi của chúng tôi quá nhiều, đến nỗi giờ đây chúng tôi đã không còn sợ hãi nữa" - nội dung ghi trên tấm biển mà một người tham gia giơ lên trong cuộc biểu tình quy tụ hàng nghìn người tại Bogotá vào ngày 28/4.

Biểu tình hàng nghìn người tại Bogotá, Colombia hôm 28/4

Các chuyên gia y tế lo ngại rằng Mỹ Latinh đang trên con đường trở thành một trong những nơi có dịch bệnh COVID-19 kéo dài nhất trên toàn cầu, để lại những vết sẹo về sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội và chính trị có thể sâu hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Tiến sĩ Jarbas Barbosa thuộc Tổ chức Y tế Liên Mỹ nhận định: "Nếu Mỹ Latinh không ngăn chặn được virus, hoặc nếu thế giới không vào cuộc để giúp đỡ khu vực, các biến thể mới, nguy hiểm hơn có thể xuất hiện. Điều này có thể khiến mọi cố gắng của thế giới trong việc chống dịch trở thành công dã tràng". Tiến sĩ Barbosa kêu gọi các nhà lãnh đạo cần tức tốc bình đẳng hóa việc tiếp cận vắc xin cho tất cả quốc gia. "Tình huống xấu nhất là sự phát triển của một biến chủng mới có khả năng chống lại các vắc xin hiện tại. Điều đó không chỉ là sự cấp bách về đạo đức và luân lý, mà còn là sự cấp bách về sức khỏe của thế giới" - tiến sĩ Barbosa khẳng định.

Hà Anh

(Theo New York Times, Reuters)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nam-my-doi-mat-khung-hoang-covid-19-nghiem-trong-n191167.html