Năm mới 'xông đất' khu du lịch giếng cổ Gio An

Bên cạnh làng mạc mang dáng dấp cổ xưa, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị còn có một hệ thống giếng cổ hàng nghìn năm tuổi, hiện vẫn được sử dụng hằng ngày vào việc ăn uống, sinh hoạt và tưới mát ruộng đồng. Những năm gần đây, Gio An đã biết khai thác lợi thế, tiềm năng này vào phát triển du lịch. Nhờ đó, cuộc sống của người dân đã có những thay đổi đáng mừng…

Mùng 5 Tết, từ quốc lộ 1 qua trung tâm thị trấn Gio Linh, chúng tôi rẽ trái lên Tỉnh lộ 75 (hướng Nam - Bắc) để đi Gio An cách đó chừng 8km. Dọc hai bên con đường này đều có biển chỉ dẫn các điểm tham quan du lịch trên địa bàn rất cụ thể. Chúng tôi đến giếng Pheo nằm ở triền một quả đồi đất đỏ bazan, sát với mép ruộng nước.

Đường kính giếng chỉ chừng một mét, độ dài tương tự với phần lớn nằm nổi trên mặt đất. Nhưng điều kì diệu, nước giếng không bao giờ cạn, nó chảy suốt ngày đêm, hết ngày này qua ngày khác, phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của dân làng và tưới tắm cho cây cối đồng ruộng rộng lớn xung quanh.

Ông Trần Văn Quảng, Bí thư Huyện ủy Gio Linh cho hay, giếng Pheo nằm trong hệ thống 14 giếng cổ ở xã này, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia, theo Quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT.

Du khách tham quan du lịch ở giếng Ông, xã Gio An.

Du khách tham quan du lịch ở giếng Ông, xã Gio An.

Theo tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ học, hiện được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng Quảng Trị, hệ thống 14 giếng cổ trên bao gồm các giếng: Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, 2, Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, Ông, Bà, Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn) đến nay đã trên 5.000 năm tuổi. Vị trí của chúng đều nằm ở chân các quả đồi đất đỏ bazan, nguồn nước là mạch nước ngầm chảy ra từ trong những quả đồi này. Kiến trúc xây dựng các giếng đều mang giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo.

Từ xa xưa, bên cạnh sử dụng nguồn nước mát ngọt, trong xanh đến mức gần như tinh khiết vào ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, người dân đã biết cách khai thác nguồn đá xanh với nhiều loại kích cỡ, có số nằm trồi trên mặt, số nằm sâu trong lòng đất vào việc xây dựng, be đắp thành kênh mương thủy lợi để dẫn nguồn nước luôn dư thừa từ những giếng nước này ra ruộng đồng, phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp.

Các cao niên trong những ngôi làng này kể lại rằng, ở các thửa ruộng quanh năm ăm ắp nguồn nước chảy đó, có loài rau liệt ở phố hay gọi rau xà lách xoong, sinh trưởng rất trù phú. Rau ăn giòn, có vị béo, thơm ngon, điều đặc biệt rễ của chúng bám sống trên các hòn cuội, nguồn nước lại thường xuyên chảy nên rạch không một chút gợn bùn.

Theo bà con, hiện tại toàn xã trồng được khoảng 5ha loại rau này, cho nguồn thu nhập rất đáng kể với ước tính không dưới 10 tỷ đồng mỗi năm. Những năm gần đây, huyện đã kêu gọi đầu tư đồng thời ưu tiên một phần kinh phí đầu tư công vào việc trùng tu sửa chữa, tôn tạo một số giếng cổ ở đây để vừa phục vụ người dân, vừa thu hút du khách đến tham quan nhằm mở rộng phát triển du lịch địa phương, trong đó lấy hệ thống giếng cổ này làm chủ lực.

Cụ thể, đến nay huyện đã đầu tư được 1,5 tỷ đồng tu sửa 4 giếng, gồm các giếng Đào, Trạng, Máng, Gai. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định đầu tư 2,9 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng xã Gio An. Dự án hiện đang được triển khai thực hiện.

Thanh Bình

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nam-moi-xong-dat-khu-du-lich-gieng-co-gio-an-631157/