Năm mới nhiều lo âu

Thế giới đã trải qua một năm thách thức chưa từng có do tác động từ đại dịch Covid-19. Trước ngưỡng cửa năm mới 2021, dù triển vọng khống chế dịch bệnh và tương lai kinh tế đã thấy le lói 'ánh sáng cuối đường hầm', nhưng hàng loạt khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Thế giới đã trải qua một năm thách thức chưa từng có do tác động từ đại dịch Covid-19. Trước ngưỡng cửa năm mới 2021, dù triển vọng khống chế dịch bệnh và tương lai kinh tế đã thấy le lói "ánh sáng cuối đường hầm", nhưng hàng loạt khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Khó khăn lớn nhất với tất cả các quốc gia trong năm 2021 là dịch Covid-19 vẫn diễn biến nghiêm trọng và dù một số quốc gia bắt đầu "phủ sóng" vắc-xin phòng dịch, hiện vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi: Khi nào đại dịch chấm dứt? Bởi số ca nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục tăng mạnh trong những ngày cuối cùng của năm 2020. Theo trang Worldometers.info, tính đến ngày 26-12, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 80 triệu ca nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19, trong đó có gần 1,8 triệu ca tử vong. Số người nhiễm bệnh tại Mỹ đã lên đến hơn 19 triệu, trong khi ở Ấn Ðộ là hơn 10 triệu người. Ðáng lo ngại là biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 đã xuất hiện và khiến cuộc chiến phòng, chống dịch của các quốc gia trở nên cam go hơn. Cuối tuần qua, Pháp và Thụy Sĩ đã phát hiện các ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 có nguy cơ lây lan cao hơn vừa được phát hiện ở Anh. Người đứng đầu Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu vừa thông báo biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 đã được tìm thấy ở tám quốc gia châu Âu, đồng thời khuyến cáo người dân cần tăng cường các biện pháp phòng vệ. WHO cảnh báo, khác với những biến thể trước đây, biến thể này có khả năng lây lan ở các nhóm trẻ tuổi hơn.

Tình hình nêu trên buộc các quốc gia, nhất là các nước châu Âu phải tăng cường phòng dịch, hạn chế đi lại và siết chặt quy định nhập cảnh. Mùa Giáng sinh năm nay, người dân ở hầu hết các nước trên thế giới đã phải đón một kỳ Giáng sinh trầm lắng nhất trong nhiều thập kỷ trong bối cảnh các nền kinh tế đang quay cuồng và khốn đốn vì đại dịch. Thậm chí ở nhiều nơi, hầu hết các nghi lễ nhà thờ đã chuyển sang hình thức trực tuyến hay các nhà thờ phải thông báo hủy bỏ thánh lễ dịp Giáng sinh. Ở châu Phi, tờ Daily Nation của Kê-ni-a đã chơi chữ khi gọi lễ Giáng sinh năm nay là "Christmask", ám chỉ đến quy định rằng mọi người dân cần phải đeo khẩu trang để phòng dịch.

Cùng với đại dịch Covid-19, trước thềm năm mới 2021, nỗi lo khủng bố, bất ổn lại dấy lên ở nhiều nước trên thế giới.

Tại Ðức, một vụ xả súng đã xảy ra ở thủ đô Béc-lin sáng sớm 26-12, khiến ít nhất bốn người bị thương. Trong khi đó, tại Mỹ, vào sáng 25-12, ngay sau lễ Giáng sinh, một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển thành phố Na-sơ-vin, bang Ten-ne-xi. Ðại diện Văn phòng Quản lý tình trạng khẩn cấp Na-sơ-vin cho biết, vụ nổ xảy ra khi một chiếc ô-tô chuyên dùng đi dã ngoại bất ngờ phát nổ làm cháy nhiều ô-tô gần đó, thổi tung nhiều cửa sổ nhà dân và quật ngã nhiều cây cối. Nước Mỹ đã trải qua một năm nhiều sóng gió, bất ổn và tình trạng này có thể còn tiếp diễn trong những ngày tới. Báo chí Mỹ cho biết, làn sóng giận dữ chống phân biệt chủng tộc lại có nguy cơ bùng phát tại "xứ cờ hoa" sau vụ một người Mỹ gốc Phi không có vũ khí bị cảnh sát thành phố Cô-lăm-bớt, bang Ô-hai-ô (Mỹ), bắn chết mới đây. Các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tổ chức để tưởng nhớ hai người Mỹ gốc Phi bị cảnh sát Cô-lăm-bớt bắn chết trong vòng ba tuần qua.

Cùng với các nguy cơ dịch bệnh, bất ổn vẫn nghiêm trọng, các điểm nóng về an ninh, chính trị thế giới được dự báo chưa thể hạ nhiệt trong năm 2021. Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc và chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này được nhận định còn kéo dài. Các điểm nóng an ninh tại Trung Ðông, Bắc Phi… còn diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh nêu trên, triển vọng kinh tế thế giới khó có thể tươi sáng. Trong một báo cáo vừa công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, do các lệnh phong tỏa chống dịch kéo dài nhiều tháng tác động đến kinh tế, GDP toàn thế giới giảm 4,2% trong năm 2020. Tổ chức này dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 nhờ triển vọng "phủ sóng" vắc-xin ngừa Covid-19 và hành động "chưa từng có tiền lệ" từ chính sách hỗ trợ của các chính phủ và ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh và an ninh, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, tín hiệu phục hồi kinh tế thế giới vẫn chỉ là chút "ánh sáng le lói cuối đường hầm". Và thế giới sẽ bước vào năm 2021 với nhiều mối quan ngại và lo âu.

HÀ VIỆT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/nam-moi-nhieu-lo-au-629655/