Năm Mão nguyệt đàm chuyện điển miêu

Bên thềm xuân Quý Mão, đêm trăng thanh, luận đàm vài chuyện phiếm về điển tích loài mèo hầu bạn đọc.

Không phải linh miêu của hiện tượng quỷ nhập tràng lưu truyền trong dân gian Việt; không phải mèo tinh trong phim “Yêu miêu” truyện của Trần Khải Ca chuyển thể từ tiểu thuyết liêu trai "Sa môn Không Hải" của nhà văn Nhật Bản Yumemakura Baku viết về tình sử Hoàng đế Đại Đường với đại mỹ nhân Dương Quý Phi; không phải hắc miêu, hóa thân của nữ thần Bast được thờ phụng hơn 4.000 năm trong kim tự tháp Ai Cập cổ đại; không phải Bạch miêu quyền hay bài võ Miêu tẩy diện với những cú cào cấu chớp nhoáng; không phải chú mèo được rước đi trong tiếng hát để cầu mưa của người Campuchia; cũng không phải chú mèo Muezza, thú cưng của thánh Muhammad trong đạo Hồi được yêu chiều đến mức “thà không mặc áo khoác còn hơn làm phiền giấc ngủ trên áo của mèo”; chẳng phải truyền thuyết tiên ly của Trung Hoa về loài mèo núi sống lâu thành tinh có thần thông biến hóa thành mỹ nam, mỹ nữ hút tinh khí người; không phải lễ hội mèo Kattenstoet ở Ypres, Bỉ hay danh từ chỉ dân tộc Mông, rượu táo mèo, đá mắt mèo, cũng không phải địa danh Mèo Vạc ở Hà Giang hay làng Miêu Nha (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), Gia Miêu (Hà Trung, Thanh Hóa); không phải cây lưỡi mèo hay du tử miêu (vừng đen); không phải chú mèo máy Doraemon, mèo thần tài Maneki Neko vẫy tay trong văn hóa Nhật; không phải thú nhồi bông Kitty hay Tom trong phim hoạt hình Walt Disney; không phải mèo Luna trong “Thủy thủ mặt trăng”, không phải con mèo của Schrodinger trong thí nghiệm vật lý lượng tử giả tưởng hay nhân vật trong truyện cổ tích “Chú mèo đi hia”; truyện ngắn "Cái tết của Mèo con" của nhà văn Nguyễn Đình Thi... mà tôi sẽ nói về điển tích mèo trong mối tương quan với các con giáp còn lại của văn hóa Á Đông.

Tượng điêu khắc mèo.

Tượng điêu khắc mèo.

Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà (Tương quan chuột và mèo)

“Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã”, câu thơ trong bài "Bên kia sông Đuống" của Hoàng Cầm nói về bức tranh nổi danh làng Đông Hồ có hình ảnh quan mèo, là sự ẩn dụ tinh tế của nghệ nhân dân gian xưa châm biếm đả kích sâu sắc chế độ phong kiến bất công, cổ hủ, chèn ép người nông dân hiền lành một nắng hai sương.

Và khi nói về sự thực dụng, ta vẫn thường trích dẫn câu của Đặng Tiểu Bình: “Mèo đen, mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột”.

Thành ngữ về hai loài có: “Mèo con bắt chuột cống, mèo nhỏ bắt chuột con, mèo già khóc chuột, chuột cắn dây buộc mèo, chuột gặm chân mèo, chuột khôn có mèo hay; Con mèo, con méo, con meo/ Muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà; Mèo rình bồ lúa vênh râu/ Thấy con chuột chạy, ngóc đầu… kêu ngoao”.

Anh em bất nghĩa chi khèo/ Anh dữ như mèo tôi lại như trâu

Ý câu thơ châm biếm chuyện anh em hay cãi cọ, không nhường nhịn nhau. Trong kho tàng điển tích, tục ngữ, ca dao Việt chỉ có câu thơ này thể hiện mối tương quan giữa trâu và mèo, đối sánh với tình anh em bất hòa nhưng trâu - mèo lại tương đồng trong chiến sử.

Xưa, có nhiều động vật được dùng vào chiến trận: khuyển quân, voi, ngựa chiến, ong, rắn, bồ câu… Tùy vào đặc tính của mỗi loài mà có cách thức huấn luyện, sử dụng riêng. Duy chỉ có trâu và mèo là có cùng cách đánh: hỏa công.

Trận đánh trâu lửa lớn nhất sử Việt là trận quận He Nguyễn Hữu Cầu phá vòng vây quân chúa Trịnh. Bấy giờ, quân Trịnh bao vây ráo riết, bắc loa dụ hàng. Nguyễn Hữu Cầu đã huy động toàn bộ số trâu của nông dân trong vùng, cho buộc những mũi lao nhọn vào sừng, đuôi trâu được buộc giẻ tẩm nhựa thông và châm lửa đốt đồng loạt. Bị nóng, đàn trâu lửa điên cuồng lao thẳng vào hàng quân Trịnh, húc, dẫm đạp dữ dội làm rối loạn đối phương. Sau đó, quận He mới tung quân chủ lực ra đánh khiến quân Trịnh tan vỡ.

Hỏa ngưu trận còn xuất hiện trong tiểu thuyết "Thần điêu hiệp lữ" của Kim Dung qua hình ảnh chàng Dương Quá phá vòng vây quân Mông Cổ xâm lược hay cuộc khởi nghĩa nông dân thành Tương Dương (Trung Hoa). Nhưng hỏa miêu trận thì hiếm có trên thế giới. Trận đánh kỳ lạ nhất sử Việt là trận mèo lửa lập công, trận sống mái giữa quân chúa Trịnh Doanh với Lê Duy Mật sau nhiều năm giao tranh quyết liệt. Phạm Sinh, một tiểu tướng của quân Trịnh hiến kế dùng mèo lửa để vượt qua hệ thống phòng thủ hiểm yếu của Lê Duy Mật. Quân Trịnh đi thu bắt ở các làng bản quanh vùng được hàng trăm con mèo, dùng dầu thông, dầu trấu tẩm đốt lửa. Quân sĩ vừa hò reo vừa đánh trống làm mèo sợ hãi chạy về phía đồn lũy của đối phương khiến cho cây cối bốc cháy, rào chắn đồn lũy bằng tre bị thiêu rụi. Bị tấn công bất ngờ, quân Lê Duy Mật hoàn toàn tan rã.

Nam thực như hổ, nữ thực như miêu

Hổ dù có kích thước to lớn nhưng vẫn là hậu duệ của mèo. Trong truyện cổ tích Việt Nam, mèo chính là thầy dạy võ của hổ. “Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt”, câu nói trong kho tàng văn hóa dân gian của người Việt xưa thể hiện tâm trạng càng mất quyền lợi ở địa vị cao thì càng đau khổ hơn người ở địa vị thấp. Còn câu ca dao: “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Hùm tha con lợn thì nào thấy chi” lại nói đến kẻ có quyền hành làm việc sai trái mà không sao, trong khi kẻ thấp cổ bé họng, người yếu thế lại bị trừng phạt nặng. Tương quan hổ - mèo trong câu ca trên thể hiện rõ một sự bất công trong đời sống xã hội.

Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa

Chế giễu những người chỉ nói, ăn khỏe nhưng khi làm việc thì bây beng, không đâu vào đâu.

Mèo và rắn

Mèo - rắn tương khắc nhau. Chỉ cần đánh hơi thấy mùi hương của mèo, rắn sẽ tránh xa. Vì thế nuôi một chú mèo là một mẹo đuổi rắn thật đơn giản mà hữu hiệu.

Theo chuyện kể dân gian miệt vườn Đồng Tháp Mười, linh miêu là một loại mèo ma, được sinh ra từ cuộc hôn phối rừng rú ngẫu nhiên và hiếm có giữa con mèo cái đen tuyền với một con rắn hổ, chỉ ăn loại thịt duy nhất là thịt cóc. Trong văn hóa dân gian Do Thái và nền văn minh Babylon, mèo đen là biểu tượng của một con rắn cuộn vào lò sưởi. Trong thế giới đạo Phật, mèo cùng với rắn bị chê trách là hai con vật không mảy may xúc động trước sự từ trần của Đức Phật. Và trong truyền thuyết Do Thái giáo, mèo được liên kết với rắn chỉ sự tội lỗi, sự lạm dụng những phúc lợi ở thế gian này.

Dùng ngựa tốt bắt chuột không bằng dùng mèo, kẻ đói nhận được vàng bạc châu báu không bằng có được một bát cháo

Cũng với tinh thần ấy, đồng dao Việt có Thằng Bờm với cái quạt mo, phú ông xin đổi động sản và bất động sản mãi cũng không được, chỉ một nắm xôi mà Bờm cười.

Mèo mả gà đồng

Chỉ hạng người lăng nhăng, ăn chơi đàng điếm và đáng khinh.

Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang

Là sự trải nghiệm của ông cha để lại, có cơ sở thực tế nhưng khoa học thì chưa giải thích được, thể hiện quan niệm người Việt coi chó mang đến điều may mắn, mèo mang đến điều xui xẻo. Một cách lý giải được cho là do ảnh hưởng của trường sinh học. Chó có khả năng linh cảm điều xấu xảy ra với chủ nên khi chủ ra ngoài đã cắn gấu quần giữ lại hoặc đi theo cứu chủ thoát khỏi hiểm nguy. Chó còn linh cảm thấy nguồn sóng lạ, xấu để xua đuổi mà kinh nghiệm ông cha đã đúc rút vào câu “khắc khoải như chó cắn ma”… Ngược lại, khả năng linh cảm của mèo là báo tin xấu như: thấy người chết mèo tìm đến, vực dậy người chết… Chính những điều này khiến người ta quan niệm khác nhau về điềm lành, dữ ở chó, mèo. Các chuyên gia cũng cho biết, khoa học hiện đại đã có những xác nhận về trường trái đất, nút bức xạ. Qua quan sát người ta nhận thấy, mèo rất khoái các khu vực có bức xạ, trường khí xấu. Ngược lại, chó khoái các vị trí có bức xạ, trường khí tốt. Do đó, chó hay mèo đến nhà là do sự quyến rũ của trường khí, bức xạ nào đó mới phát sinh nơi mình ở. Trường khí tốt, thì bỗng nhiên có con chó lang thang đi qua thấy hấp dẫn quá liền bước vào. Còn trường khí xấu thì một con mèo lạc đi ngang thích quá cũng ghé tới trú chân. Đến một ngày nào đó, trường khí - bức xạ mới phát huy tác dụng hoặc tác hại.

Đều là động vật hoang dã được con người bắt và thuần dưỡng, chó - mèo là những loài thú cưng và tạo thành cặp biểu tượng đối ngẫu. Cặp đối ngẫu song hành trong chuyện kể dân gian hay các câu nói cửa miệng. Dân gian đã dựa vào đặc tính của hai loài vật này mà sáng tạo cả một kho tàng tục ngữ. Văn hóa dân gian Việt sử dụng cặp đối ngẫu này để thể hiện cái đối lập trong sự gắn kết của hai cá thể, hai cá tính cạnh nhau nhưng luôn xung đột: chó treo, mèo đậy; chó khô mèo rạc; chó chê mèo lắm lông; chó giữ nhà, mèo bắt chuột; chó gio, mèo mù; yêu nhau như chó với mèo; còn nhỏ mà mèo chó lộn xộn; không có chó bắt mèo ăn cứt; mèo đàng chó điếm; buộc cổ mèo treo cổ chó; đá mèo quèo chó; chó ghét đứa gặm xương, mèo thương người hay nhử; Anh em cột chèo như mèo với chó; Con mèo xáng vỡ nồi rang/ Con chó chạy lại nó mang lấy đòn; Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai...

Trong 36 kế của Tôn Tử binh pháp, kế thứ 26 chính là Chỉ chó mắng mèo.

Mổ lợn đòi bèo, mổ mèo đòi mỡ

Câu thành ngữ này đa nghĩa tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể. Nghĩa thứ nhất hàm ý làm một việc vô ích vì sự đã rồi, không níu kéo lại được nữa. Nghĩa thứ hai chỉ người keo kiệt. Nghĩa thứ ba, làm điều ác với người khác nhưng lại khống chế, bao biện, coi là người ta có tội.

Tương quan lợn - mèo còn có câu: “Mèo tha miếng thịt thì đòi/ Kễnh tha con lợn mắt coi trừng trừng”.

Bên thềm xuân Quý Mão, đêm trăng thanh, luận đàm vài chuyện phiếm về điển tích loài mèo hầu bạn đọc.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nam-mao-nguyet-dam-chuyen-dien-mieu-i681267/