Nấm lý tưởng Việt Nam lại bị nghi ngờ 'có vấn đề'

Nghi ngờ các sản phẩm có đề nhãn nấm hương tươi của Cty TNHH Vườn nấm Minakami (địa chỉ tại Khu làng nghề Sơn Vi, Lâm Thao, Phú Thọ) và nấm mỡ của Cty TNHH Long Hải (địa chỉ tại Khu CN Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) không phải là do các cơ sở này sản xuất...

Cách đây hơn 1 năm NNVN từng đăng tải loạt bài “Loại nấm gì đang trá hình nấm hương tươi Việt bày bán ở các siêu thị lớn Hà Nội?” phản ánh sản phẩm của Cty TNHH hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam (59 Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Nay đơn vị này lại bị một công dân tố cáo với các cơ quan chức năng với nội dung tương tự…

Nấm của đơn vị nào?

Sản xuất nông nghiệp nói chung mà nhất là sản xuất nấm nói riêng luôn bị chi phối bởi các yếu tố thời vụ, thiên tai, dịch bệnh khiến cho sản lượng rất bấp bênh. Bởi thế mà sự có mặt đều đặn các sản phẩm nấm của Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam ở những lúc trái vụ hay lúc cơ sở sản xuất không có hàng khiến cho công dân này nghi ngờ, đâm đơn tố cáo.

Chuyên gia trồng nấm đang xác minh mẫu hàng

Nội dung, nghi ngờ các sản phẩm có đề nhãn nấm hương tươi của Cty TNHH Vườn nấm Minakami (địa chỉ tại Khu làng nghề Sơn Vi, Lâm Thao, Phú Thọ) và nấm mỡ của Cty TNHH Long Hải (địa chỉ tại Khu CN Kim Sơn, Đông Triều, Quảng Ninh) không phải là do các cơ sở này sản xuất. Chúng được bán ở các siêu thị, cửa hàng lớn tại Hà Nội như Sài Gòn Coop, Intimex, Nhất Nam, VHSC Việt Nam, AEON Việt Nam, Lotte Việt Nam… trong thời gian từ ngày 1/8/2017 đến ngày 10/9/2017.

Từ những thông tin đó, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã xác minh và ngày 28/3/2018 ra công văn số 415 kết luận nội dung tố cáo với Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam. Cụ thể, đối với sản phẩm nấm hương tươi, theo công văn trả lời của Cty TNHH Vườn nấm Minakami gửi cho Chi cục rằng sau khi có thông tin của người tiêu dùng phản ánh một số hệ thống siêu thị tại Hà Nội bán nấm hương tươi bề ngoài mang nhãn mác của công ty nhưng bên trong không phải.

Đơn vị có đi xác minh thấy Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam lấy nấm của một công ty khác và dán tem của Cty TNHH Vườn nấm Minakami vào. Liên hệ với Giám đốc của Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam thì được giải thích rằng do chưa in được tem nên dám tạm vì đang chờ tem. Do vậy, từ ngày 29/8/2017 Minakami đã không còn cung cấp nấm hương tươi cho Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam.

Theo hồ sơ ban đầu của Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam cung cấp cho đoàn xác minh, từ ngày 1/8-10/9/2017 có nhập 5.162 khay loại 200 gram (1.032 kg) nấm hương tươi của Minakami (376kg) và Cty CP Nấm và dược liệu Thiên Sinh (656 kg). Trong khi đó theo hóa đơn nhập hàng của 8 đơn vị kinh doanh nấm hương tươi từ Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam tại Hà Nội cung cấp, tổng lượng là 1.198 kg. Sau khi đoàn xác minh thông báo về số lượng nhập, xuất có sự chênh lệch, Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam đã xuất trình bổ sung 2 hóa đơn nhưng nguồn mua lại từ Cty CP Vietrap với số lượng 150 kg.

Đối với sản phẩm nấm mỡ, theo công văn trả lời của Cty TNHH Long Hải gửi, trong tháng 8/2017 công ty có 2 lần xuất bán cho Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam với số lượng 45 kg. Trong tháng 9/2017 không hề xuất bán cho đơn vị này. Theo hồ sơ của Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam cung cấp cho đoàn xác minh từ ngày 3-9/9/2017 được một nhà cung cấp mới là anh Bùi Hoàng Minh ở thị trấn Me (Gia Viễn, Ninh Bình) gửi chào hàng 6,8 kg nấm mỡ do cơ sở mới thử nghiệm sản xuất trái vụ. Do sơ suất của nhân viên, đơn vị đã xuất bán cho siêu thị dưới tem mác của Cty Long Hải.

Còn theo hóa đơn nhập hàng của 5 đơn vị kinh doanh nấm mỡ của Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam thì họ đã nhập 80 kg. Đoàn xác minh đã phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Ninh Bình tiến hành tiếp xúc với anh Bùi Hoàng Minh và được khẳng định cơ sở có sản xuất thử nghiệm trái vụ nấm mỡ với nguồn giống được mua từ cơ sở của anh Lê Quang Thái (Nấm Lợi Linh ở Đông La, Hoài Đức, Hà Nội). Tuy nhiên khi tiếp xúc anh Thái lại khẳng định không cung cấp giống nấm mỡ cho anh Minh.

Các mẫu hàng bị nghi ngờ nguồn gốc xuất xứ

Sau khi nhận được thông báo về số lượng nhập, xuất sản phẩm nấm mỡ có sự chênh lệch lớn, Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam đã cung cấp cho đoàn thêm phiếu chi thanh toán tiền mua nấm với anh Nguyễn Viết Tuế (Khu Ba Đa, Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội) thể hiện đã mua 41 kg nấm mỡ.

Kết luận của đoàn xác minh

Từ những dữ liệu đó, đoàn đã kết luận Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam đã nhập nấm hương tươi, nấm mỡ các loại của các cơ sở khác để cung cấp cho các đơn vị kinh doanh tại Hà Nội nhưng nhãn sản phẩm lại ghi là của Cty là Minakami và Long Hải. Không có đủ căn cứ xác thực về việc anh Bùi Hoàng Minh sản xuất nấm mỡ trái vụ để xuất chào hàng cho Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam. Chỉ xác minh được hồ sơ đối với 8 cơ sở kinh doanh nấm hương, nấm mỡ của Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam nên chưa đủ căn cứ để xác định chính xác số lượng sản phẩm đơn vị này đã xuất bán ra thị trường.

Chưa xác định được số lượng cụ thể số nấm hương tươi, nấm mỡ của Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam dán nhãn sản phẩm ghi không đúng cơ sở sản xuất bán ra thị trường. Chưa xác minh được tính pháp lý về việc Cty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam mua 41 kg nấm mỡ của anh Nguyễn Viết Tuế.

Căn cứ kết quả xác minh nội dung tố cáo và các thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đề nghị chuyển hồ sơ sang Ban chỉ đạo Thành phố chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để điều tra, làm rõ thêm.

DƯƠNG BÌNH NGUYÊN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nam-ly-tuong-viet-nam-lai-bi-nghi-ngo-co-van-de-post216540.html