Năm lần mở tòa mất 19 năm vẫn chưa giải quyết xong một vụ án

Vụ án đang khiến dư luận băn khoăn vì vừa không đảm bảo quyền lợi cho đương sự vừa trái với quan điểm định hướng vụ án của Tòa án NDTC.

Vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng nhận khoán hồ nuôi cá, trải qua 5 phiên tòa kéo dài gần 20 năm, Tòa án Nhân dân Tối cao đã có định hướng xét xử vụ án, nhưng căn cứ xét xử mới đây của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai lại đang khiến dư luận băn khoăn vì vừa không đảm bảo quyền lợi cho đương sự vừa trái với quan điểm định hướng vụ án của Tòa án Nhân dân Tối cao.

Năm 1992, ông Trần Hữu Sỹ (năm nay 78 tuổi, địa chỉ tại Ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) ký hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ Du lịch thuộc Lâm trường Mã Đà về thuê khoán bảo vệ, đầu tư nuôi trồng và khai thác thủy sản Hồ vườn ươm với diện tích 27ha. 3 năm sau, Trung tâm này giải thể, ông lại ký tiếp “hợp đồng nhận khoán hồ vườn ươm” với Lâm trường Mã Đà để tiếp tục được cải tạo, đắp đập ngăn hồ, dọn chà, gốc cây và san phẳng lòng hồ.

Vợ chồng ông Sỹ và bà Điểm tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu.

Vợ chồng ông Sỹ và bà Điểm tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu.

Hợp đồng bắt đầu từ ngày 1/5/1995, thời hạn là 20 năm; mỗi năm ông Sỹ phải đóng tiền thuê là 5 triệu đồng; định kỳ 5 năm hai bên sẽ phải ngồi lại để xem xét sự thay đổi, điều chỉnh vì lợi ích chung.

Trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 1997, ngoài đầu tư cải tạo hồ với tổng số tiền hơn 1,37 tỷ đồng thì ông Sỹ còn thả hơn 3 triệu con cá bột và 650kg cá thịt. Thế nhưng, bước sang năm 1998, Lâm trường Mã Đà yêu cầu ông thu hoạch cá nhưng không cho tát cạn để giữ nước phòng chống cháy rừng, đồng thời không cho thả cá nữa để thanh lý hợp đồng và yêu cầu nộp tiền thuê hồ còn thiếu.

Đến tháng 6/2000, khi ông trả 25 triệu đồng tiền thuê thì cũng là lúc Lâm trường đơn phương thanh lý hợp đồng để cho Trường Nghiệp vụ Công an TPHCM thuê hồ. Bản thanh lý hợp đồng do vợ ông Sỹ là bà Trần Thị Điểm ký. Khoảng 4 tháng sau, ông Sỹ khởi kiện Lâm trường Mã Đà ra tòa yêu cầu bồi thường khoản tiền đã đầu tư nêu trên và lãi suất theo quy định của pháp luật.

Là bị đơn trong vụ kiện, Lâm trường Mã Đà, nay là Khu bảo tồn thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai, không công nhận hợp đồng ký giữa ông Sỹ với Trung tâm Dịch vụ Du lịch, mà chỉ công nhận hợp đồng ký vào năm 1995. Theo bị đơn, ngày 10/2/1998, lâm trường mời ông Sỹ làm việc; đề nghị tăng giá thuê nhưng không được chấp thuận nên đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Khu Bảo tồn Thiên nhiên- Văn hóa Đồng Nai cũng không đồng ý bồi thường, bởi Lâm trường Mã Đà đã giải thể và trong phương án giải thể không có công nợ của ông Sỹ.

Phiên tòa sơ thẩm đầu tiên về vụ kiện đòi bồi thường của ông Sỹ diễn ra vào ngày 29/8/2003. Theo phán quyết của chủ tọa Lê Hồng Hải thì trách nhiệm của Lâm trường Mã Đà phải bồi thường các khoản chi phí là hơn 906 triệu đồng, trong đó có cả lãi suất ngân hàng. Các khoản bồi thường gồm: Chi phí đắp đập, tát cạn hồ; chi phí cắt, dọn ủn bằng các gốc cây dưới đáy hồ vườn ươm. Riêng lượng cá và loại cá được tính theo thời điểm giá năm 1997-1998 là 110 triệu đồng.

Đến ngày 8/6/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa cấp phúc thẩm xem xét kháng cáo liên quan đến vụ khởi kiện. Tại phiên tòa này, chủ tọa là bà Nguyễn Thị Hồng Tuyến đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ lại cho Tòa án Nhân dân huyện Vĩnh Cửu điều tra, giải quyết theo thủ tục chung. Đáng chú ý, quan điểm của Viện kiểm sát đưa ra tại phiên tòa phúc thẩm được HĐXX chấp nhận, đó là: tư cách tham gia tố tụng của bị đơn đã thay đổi, không còn là Lâm trường Mã Đà mà là Khu Dự trữ Thiên nhiên Vĩnh Cửu.

Ngày 18/9/2006, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu lại mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 do thẩm phán Trần Văn Thanh làm chủ tọa. Theo quan điểm của tòa thì ông Sỹ đòi bồi thường số tiền hơn 1,37 tỷ đồng nhưng không có hóa đơn, chứng từ hoặc hợp đồng thuê mướn nhân công, máy móc…

Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu tuyên án phiên hôm 3/10/2019.

Tuy nhiên, nhận định là thực tế ông có đầu tư cải tạo, thả cá giống, thuê nhân công, do đó đã xem xét tính toán thực tế theo cung cấp của cơ quan chuyên môn gồm: Chi phí đắp đập và tát cạn hồ do Công ty Tư vấn Xây dựng Đồng Nai cung cấp theo thời điểm năm 2006 là 630 triệu đồng. Các khoản khác không có chứng cứ cụ thể nên không thể xác định và được chấp nhận.

Đúng 1 năm sau, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thụ lý đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn. Nhưng, tòa vẫn căn cứ vào tính toán của Công ty Tư vấn Xây dựng Đồng Nai, giữ nguyên mức bồi thường như phiên tòa sơ thẩm.

Sau 4 phiên tòa, ông Trần Hữu Sỹ làm đơn gửi lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao. Cuối năm 2010, Tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân Tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm, quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, giao hồ sơ vụ án lại cho Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu xét xử sơ thẩm lại vụ án theo quy định của pháp luật.

Theo Hội đồng thẩm phán thì các cấp tòa trước căn cứ vào bảng dự toán của Công ty Tư vấn xây dựng Đồng Nai cung cấp gồm chi phí: Đắp đập và bơm nước ra khỏi lòng hồ theo số liệu năm 2006 để bồi thường cho ông Sỹ hơn 630 triệu đồng là không chính xác.

Ngoài ra, theo ông Sỹ, ông còn phải bỏ chi phí ra để dọn chà, gốc cây, lấp hố bom, san phẳng 27ha lòng hồ là 275 triệu đồng; thả 3 triệu con cá bột và 650kg cá thịt nhưng chưa được thu hoạch, cộng những khoản chi phí khác như: Mua thức ăn cho cá, làm 4 lán trông cá, mua đường ống và máy bơm nước, ông Sỹ yêu cầu được Lâm trường thanh toán. Đó là những khoản chưa được hai cấp tòa xem xét là chưa đảm bảo quyền lợi của đương sự.

Thế nhưng, cũng phải đến 9 năm sau quyết định giám đốc thẩm, tức là đến tháng 5/2019, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu mới mở lại phiên tòa sơ thẩm lần 3. Tuy nhiên, phán quyết tòa chưa đúng định hướng cần xem xét lại vụ án của Tòa án nhân dân Tối cao nên gây bức xúc cho nguyên đơn.

VOV sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này./.

Xuân Ngà- Việt Đức/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nam-lan-mo-toa-mat-19-nam-van-chua-giai-quyet-xong-mot-vu-an-968006.vov