'Nam Kỳ và cư dân': Nam bộ qua góc nhìn thế kỷ trước của học giả Pháp

Trong số nhiều tác phẩm về vùng đất và con người Việt Nam một thuở do người Pháp ghi chép, bộ sách 2 tập 'Nam Kỳ và cư dân' (tập đầu về các tỉnh miền Tây và tập sau về các tỉnh miền Đông) của bác sĩ thuộc địa hạng nhất J. C. Baurac chiếm vị trí đặc biệt quan trọng và vừa được Omega Plus giới thiệu với độc giả.

“Nam Kỳ và cư dân” là bộ tư liệu đồ sộ hơn 1.100 trang với nhiều hình ảnh quý giá, với dày đặc thông tin và kèm theo những đánh giá về cơ hội phát triển của xứ Nam Kỳ thời Pháp, những điều thiết tưởng vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày hôm nay.

Với thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương của Nam Kỳ, được tiếp xúc với người dân bản xứ và quan chức thuộc địa cả người dân lẫn người Pháp, tác giả J. C. Baurac đặc biệt thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất này, cùng với đó là khả năng tiếp cận những dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử… Các yếu tố đó góp phần giúp tác giả Baurac xây dựng được tập sách đồ sộ về Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX: “Nam Kỳ và cư dân”.

Đây là bộ tư liệu đồ sộ hơn 1.100 trang với nhiều hình ảnh quý giá, với dày đặc thông tin và kèm theo những đánh giá về cơ hội phát triển của xứ Nam Kỳ, những điều thiết tưởng vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày hôm nay.

Phần đầu tiên của bộ sách “Nam Kỳ và cư dân” được chia thành hai phần. Phần thứ nhất gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh xưa) ở các khía cạnh tổng quan: ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động-thực vật đa dạng, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh/nhân vật nổi tiếng,… Trong đó phần đặc biệt giới thiệu về Sài Gòn – Chợ Lớn.

Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc.

Đa phần hành trình của tác giả là đi dọc theo hệ thống sông nước kênh rạch chằng chịt của Tây Nam Kỳ, do vậy những gì thấy được đã khích lệ ông mày mò tìm hiểu dữ liệu hành chính và đọc thêm nhiều tài liệu của các tác giả khác để viết nên cuốn sách.

Các chương sách được trình bày lớp lang theo bố cục: diện tích, ranh giới hành chính; liệt kê các tổng/làng/chợ/trung tâm hành chính-kinh tế quan trọng ở từng hạt, với những địa danh và nhân danh tạo điểm nhấn cho từng hạt, tác giả đều tìm tòi cách lý giải cho sự tích/huyền thoại liên quan, qua đó gián tiếp giúp người đọc có một hành trình xuyên không-thời gian tìm hiểu về vùng đất; nêu rõ ưu điểm cũng như những điểm bất lợi của từng địa phương đối với khả năng phát triển lâu dài.

Tiêm chủng cũng là một phần việc của Baurac ở thuộc địa Nam Kỳ, qua quá trình tiêm chủng Baurac cho thấy thống kê dân số ở Nam Kỳ bấy giờ không ổn, số dân thực tế cao hơn nhiều. Hành trình khảo sát dịch tễ của bác sĩ Baurac vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, không chỉ góp phần giúp nghiên cứu cải thiện tình trạng vệ sinh, khắc phục vấn đề dịch bệnh thông qua phương thức tiêm chủng vaccine phòng bệnh… mà còn giúp ông tiếp xúc và thu thập được nhiều thông tin và dữ kiện hỗ trợ việc lập thành một bộ sách địa chí vô cùng hữu ích cho người Pháp một thuở, và cho cả người Việt chúng ta, xưa cũng như nay.

Mộ trong những điểm đặc biệt của bộ sách này là trong khi có rất nhiều tài liệu viết về Bắc Kỳ thời xưa nhưng về Nam Kỳ lại hiếm, bộ sách này chính là “tập đại thành” đầu tiên về Nam Kỳ thế kỷ XIX qua con mắt người Pháp.

Sách có trình bày, nhận xét và đánh giá ưu điểm, nhược điểm của vùng đất miền Nam, và chúng vẫn còn giá trị đến ngày nay, giới nghiên cứu chiến lược phát triển Nam bộ thời hiện đại có thể tham khảo tài liệu này.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nam-ky-va-cu-dan-nam-bo-qua-goc-nhin-the-ky-truoc-cua-hoc-gia-phap-173953.html