Năm Kỷ Hợi nói chuyện vui buồn của con heo!

Năm Kỷ Hợi về, chúng ta cùng hy vọng 'bức tranh' ngành chăn nuôi nói chung và ngành nuôi heo sẽ có một bức tranh tươi sáng hơn.

Chúng ta đang sống trong chu kỳ tuần hoàn của vũ trụ, nên quỹ đạo bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) hay 12 con giáp (TÍ, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi) luôn xoay chuyển. Năm 2019 là xuân Kỷ Hợi , xin được trải lòng chuyện vui buồn về con heo/lợn với người nông dân.

Một thành công lớn của ngành chăn nuôi heo nói riêng là, Việt Nam đang ngày càng phát triển khi đứng thứ 7 thế giới về số lượng đầu con xuất chuồng và đứng thứ 6 thế giới về sản lượng thịt, theo dịch vụ nông nghiệp quốc tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ. Còn theo một con số của Tổng Cục Thống kê đầu tháng 10/2018, hiện đàn heo cả nước là 28,151,948 con. Dự kiến quy mô sản suất, tăng đàn còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Dẫu vậy, mấy năm qua, có thể nói là một năm đáng buồn của người chăn nuôi heo khi mà cuộc khủng hoảng rớt giá đã gây thiệt hại nghiêm trọng. Triệu người vui thì cũng có triệu người buồn! Và thực tế cho thấy, chuyện con heo “được mùa rớt giá” cho đến vấn đề thiên tai dịch bệnh không chỉ là chuyện buồn của người chăn nuôi nói riêng, mà nó đã thành vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay.

Còn nhớ, năm 2017 mà đỉnh điểm là tháng 4/2017, chăn nuôi heo Việt Nam gần như vỡ trận do nguồn cung dư thừa. “Cơn bão giá” càn quét qua tất cả các tỉnh thành từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền ngược, đã kéo giá heo giảm kỷ lục xuống chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg... Hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi thua lỗ nặng, nợ nần chồng chất, đứng bên bờ vực phá sản.

Để giúp người chăn nuôi bớt khó khăn, vượt qua khủng hoảng, một cuộc giải cứu ở quy mô quốc gia đã diễn ra với lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “toàn dân ưu tiên ăn thịt lợn”. Thậm chí, người đứng đầu ngành nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường còn đích thân về tận cơ sở để kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ người chăn nuôi bằng cách tăng cường khẩu phần thịt lợn trong bữa ăn của cán bộ công nhân viên.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó chúng ta đều dễ dàng nhận thấy rằng, nghề chăn nuôi heo tại Việt Nam chủ yếu là tự phát, manh mún. Vì vậy việc tìm đầu ra cho đàn heo đến tuổi xuất chuồng đều phụ thuộc vào bên trung gian là các thương lái.

Do đó, giá heo hơi xuất chuồng cũng được chính bên trung gian định giá. Mà bên trung gian vốn bỏ ra ít, chi phí vận chuyển không nhiều, vòng quay nhanh trong ngày, không chịu thiệt hại gì, trong khi đó người nông dân nuôi 4,5 – 5 tháng mới được một lứa heo, lời thì không sao nhưng lỗ thì “ai thương”?

Một khâu yếu nữa của chăn nuôi nói chung, nhất là chăn nuôi heo hiện nay vẫn là giết mổ, bảo quản sản phẩm. Các nước hiện nay đều có chính sách dự trữ quốc gia về thực phẩm. Tuy nhiên chúng ta mới chỉ dự trữ được đối với lương thực. Nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... đều đã có chính sách cho phép có tỉ lệ dự trữ thực phẩm nhất định. Theo đó khi thị trường chăn nuôi dư thừa, Chính phủ sẽ thu mua sản phẩm để đảm bảo cho người chăn nuôi không bị lỗ.

Để hạn chế những chuyện này xảy ra, để người nông dân không gặp phải cảnh “được mùa rớt giá” hay tránh tình trạng thấy người ta nuôi con này, trồng cây kia bán giá cao, lời lớn nhưng đến lượt mình thì ế ẩm phải đổ bỏ, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước không nên để người nông dân đứng một mình.

Tức là, Nhà nước không chỉ phải cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường cùng những dự báo và khuyến cáo để người dân đưa ra quyết định nuôi, trồng đúng, mà còn phải tích cực hơn nữa trong các hoạt động tiếp thị hàng nông sản để khuyến khích tiêu dùng, giúp tạo nhu cầu lớn và ổn định.

Đồng thời, cần phải có hệ thống doanh nghiệp giết mổ, bảo quản, nhà nước phải có chính sách cấp bù kinh phí bảo quản cho doanh nghiệp tham gia dự trữ... Có được điều này, người nông dân mới có thể yên tâm sản xuất mà không phải lo lắng khi nguồn cung nhiều quá làm giá thấp hay phải tính cách “làm giá” khi thiếu hàng để bù lúc khó khăn.

Có thể nhận thấy, những sự buồn quanh chuyện con heo thời gian qua nó đang đi ngược lại với mong mỏi của người nông dân khi trong văn hóa truyền thống của người Việt, con heo đã trở thành biểu tượng cho sự phú quý và dư giả, của lòng bao dung, hòa hợp và thích nghi.

Vì thế, năm Kỷ Hợi về, chúng ta cùng hy vọng “bức tranh” ngành chăn nuôi nói chung và ngành nuôi heo sẽ có một bức tranh tươi sáng hơn. Chúc mọi nhà, mọi người một năm mới đủ ăn, dư mặc, thừa tình yêu thương và giàu lòng quảng đại.

Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019!

Kính mời quý độc giả gửi chia sẻ ý kiến của mình về vấn đề này qua hộp thư toasoan@dddn.com.vn. Bài viết phù hợp sẽ được đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh, hấp dẫn.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/cam-xuc-ngay-xuan-nam-ky-hoi-noi-chuyen-vui-buon-cua-con-heo-144646.html