Năm Hợi nói chuyện… heo bản

'Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh'. Câu đối người xưa đã lược tả cái tết cổ truyền giản dị, đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Trong đó có bóng dáng 'thịt mỡ' mà đích thị là thịt heo, thứ vốn nằm trong 'tam quý' xét về vật chất của hai câu trên (thịt mỡ, dưa hành và bánh chưng xanh) làm nên hương vị ngày tết.

 Hình minh họa.

Hình minh họa.

Ngày xưa để ăn được lát thịt heo thì chờ đến các ngày giỗ chạp, đám đình mới có, chứ ngày thường thì chỉ có trong mỗi giấc mơ!

Nhưng hôm nay nó đã khác. Thời đại bùng phát của béo phì, mỡ máu, huyết áp cao… đã biến “mốt” của người dân đi theo một hướng khác, như:

“Mắn may ăn thịt heo rừng

Tai ương, bệnh tật cũng đừng (hòng) đến thăm”.

Nhưng thịt các loại động vật hoang dã đâu dễ dàng có mà ăn. Bởi thế nên người ta nhắm đến các loại heo thả rong, heo bản như một xu thế cho thực phẩm sạch.

Heo bản thường nhỏ, săn chắc và đương nhiên thịt rất ngon, giá cao gấp vài lần thịt ở chợ. Dễ dàng nhìn thấy những con vật này từ các bản làng người Vân Kiều, Pa Kô ở miền tây Quảng Trị mà người dân quen gọi là heo bản, heo Vân Pa (ghép từ chữ Vân Kiều và Pa Kô). Trong những sân vườn ngôi nhà sàn thường có bầy heo quẩn quanh. Có cả hố nước nhỏ cho chúng “ủn ỉn” tha hồ nằm lăn lóc. Sớm tối chỉ có rau dại, các loại củ quanh vườn hay thức ăn gia chủ dư thừa và thi thoảng chạy rong sang nhà hàng xóm “ăn chực” thức ăn của những chú chó khiến cho những chú heo có “body” săn chắc chẳng thua gì mấy anh chị mê tập gym.

Mình đã “vỡ lẽ” khi thằng bạn chuyên làm ăn bên Lào kể những ngày tháng săn lan rừng, săn gỗ thường tá túc ở các bản làng nằm hoang sơ dưới những cánh rừng già. Nơi đó cũng có những đàn heo thường phá phách vì đói. Nó kể mỗi lần đi “phóng uế” phải ra thật xa tận khu rừng sau vườn nhà, tay luôn cầm một chiếc gậy để phòng thân. Hỏi sợ thú dữ hay sao mà làm phải vậy? Bảo không sợ thú dữ mà chỉ sợ heo. Cứ “rớt ra” là nó lao tới “gặm” ngay. Không có chiếc gậy quờ quạng thị uy là nó “táp” nhầm bộ “ấm chén” thì toi.

Giống heo bản là kết quả của sự “hôn phối” giống heo nhà và heo rừng. Nét hoang dã của heo rừng vẫn còn phần nhiều trong các thế hệ heo bản. Vì thế nên chúng ưa thích cuộc sống tự do thả rong. Chúng giật mình bỏ chạy khi nghe tiếng động lớn và phá phách nếu bị bó hẹp trong chuồng trại. Giống heo này đã được nhà nghiên cứu Thạc sỹ Trần Văn Do ở Quảng Trị lai tạo và nhân rộng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Do đặc tính còn hoang dã, thả rong, không sử dụng chất tăng trọng, chất tạo nạc, dư lượng kháng sinh… nên thịt heo bản được xem là thực phẩm sạch được các gia đình có điều kiện săn lùng.

Mỗi lần xuôi ngược trên Quốc lộ 9 ở xứ Quảng, đoạn cây số 27 khu vực cầu Khe Van sẽ thấy những sạp bán thịt heo với lời rao là heo rừng. 365 ngày không sót ngày nào, heo rừng đâu mà lắm thế? Thì ra chỉ là thịt heo bản, người bán hàng đã thổi vào đó chút hồn của heo rừng với lời quảng cáo đầy ma mị, luôn hào phóng gieo vào tai khách phương xa như: “Mới bẫy được hôm qua”.

Không chỉ được ưa chuộng trong lĩnh vực ẩm thực, heo bản cũng được quan tâm từ giới giải trí. Ngày xưa dân ta thách cưới bằng tín vật là trâu và lợn. Càng nhiều càng tốt. Bởi thế mà có chàng trai nói với các cô gái rằng:

“Cưới em một chục con heo

Con quay, con để em trèo em chơi”.

Nói vậy thôi chứ chẳng có em nào dù thành thị hay nông thôn ở xứ ta lấy con heo làm thú nuôi sớm tối chăm nom, leo trèo

Bởi heo vốn là con vật của nhà nghèo. Ai nghèo mới nuôi heo, ai muốn thoát nghèo cũng phải nuôi heo vì “giàu nuôi chó, khó nuôi heo”. Nhưng với các nước phương Tây, con heo là vật nuôi cảnh gần gụi. Đơn cử như ngôi sao Holywood Megan Fox đã nuôi một chú heo có tên là Piggy Small, đó là chú heo bản màu trắng có lốm đốm đen rất đẹp mà nguồn gốc từ xứ Việt.

Hậu duệ của Thiên Bồng Nguyên soái – Trư Bát Giới có mặt khắp nhân gian song kẻ ở chốn nhung lụa tận trời Tây kẻ chui rúc chốn rừng sâu cũng là số phận do “trời ban” vậy.

Bạn mình cũng có đôi thằng thử sức với lĩnh vực nuôi heo bản. Đó những trang trại rộng thênh thang với hàng trăm con heo thả kiểu bán tự nhiên. Tuy là “món” thời thượng nhưng hầu như đứa nào nuôi heo cũng “lên bờ xuống ruộng” bởi giá cả. Chỉ sợ giá cả lên xuống theo giá heo nhà chứ chẳng sợ bệnh tật, vì những chú heo này mang “cốt cách” của heo rừng, vốn sống “vô tư” như cây trắc, cây hương trong những cánh rừng già mà chẳng hề hấn gì.

Vừa rồi có thằng lên chương trình quảng cáo heo bản của trang trại nó nhằm chuẩn bị xuất chuồng dịp tết. Biết mình hay viết lách nên nó nhờ viết bài đưa lên Face Book. Khi chụp cái ảnh nó với bầy heo đang tuổi lớn mình hỏi chú thích ảnh sao đây? “Giám đốc X trong chuồng heo” à? Hay “Chủ doanh nghiệp X giữa đàn heo”? Nó bảo, tao tuổi Hợi, cũng là heo, nên cứ viết thế này cho tao: “Giám đốc X, thứ 5 từ trái sang”.

Nói xong nó cười khề khề rất chi là… hợi!

YÊN MÃ SƠN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/nam-hoi-noi-chuyen-heo-ban-655971.ldo