Năm Hợi, nghe thợ lò kể chuyện về 'cũi lợn'

Trò chuyện với anh em thợ lò, phải rất nhiều lần tôi mới thuộc được thuật ngữ và tiếng 'lóng' mà các anh hay dùng. Nào là búa lò, xẻng (mai), choòng, thìu dọc (xà dọc), thìu ngang (xà ngang), cái đoản, cột thủy lực (chống lò)... Những ngày đầu xuân năm Kỷ Hợi này, khi hầu chuyện các cựu thợ lò, thật thú vị khi tôi được họ kể cho nghe về 'cũi lợn'.

Xưa kia, thợ lò ở Vùng mỏ đa phần là cư dân nông nghiệp ra Quảng Ninh làm công nhân mỏ. Vì vậy, dù lao động ở vùng công nghiệp khai thác than sôi động nhưng văn hóa làng quê và tư duy nông nghiệp ăn sâu vào tiềm thức của họ. Nhiều sự vật, phương thức lao động mới đã được họ gọi tên bằng lối cũ, "thuần" nông.

Cũi lợn là một kiểu gọi tên như thế. Cựu thợ lò Nguyễn Đình Thái, từ vùng quê thuần nông Thái Bình ra làm mỏ Hà Lầm, chia sẻ: “Cũi lợn” là cụm từ được những người làm nghề mỏ dùng nhiều trong khai thác lò chợ những năm cuối thế kỷ trước. Trước đây, trong khai thác lò chợ, người ta chặt gỗ thành từng đoạn, mỗi đoạn dài chừng 1 mét, xếp chồng lên nhau từng lớp kiểu dấu thăng (#) để xếp vào luồng lò chợ vừa khai thác xong. Cứ thế, xếp từ cốt nền lò lên tận nóc (gọi là kích nóc), cao 2,5-3m tùy theo mỗi lò. Gỗ còn được xếp cũi lợn nằm phía trái luồng mới chuẩn bị khai thác (gọi là khấu than). Đơn vị tính chiều dài lò chợ được gọi là đơn thìu hay đoản. Thìu dài 2,5-3,5m; đoản ngắn hơn, chừng 2m…

Xếp cũi lợn, củng cố lò chợ ở Công ty Than Mạo Khê. Ảnh: Phạm Mạnh Hùng (CTV)

Ông Dương Phượng Đại cũng là nông dân, ra làm thợ lò mỏ Thống Nhất, giải thích: Gọi cũi lợn vì gỗ được xếp hình hộp vuông, giống cái cũi nhốt lợn ở quê nhưng kích cỡ to hơn. Cứ xếp đến khi được nhiều luồng, thợ lò tiến hành phá hỏa, tức là tháo dỡ cũi lợn và chỉ giữ lại một luồng bảo vệ.

Ông Đại nhớ lại thời gian khó: “Mỗi ca làm việc, chúng tôi đều phải vận chuyển hàng trăm khúc gỗ vào lò để xếp thành những ô cũi lợn vuông vức đỡ lấy nóc lò. Dưới lò chợ lấp lánh than đen, một bên là những hàng cũi lợn xếp thẳng tắp, những ánh đèn lò như sao đêm, vang lên tiếng máy, tiếng khoan, tiếng búa chặt gỗ và cả tiếng cười hào sảng của người thợ”.

Những năm tháng gian khó ấy đã cho ông Dương Phượng Đại hàng loạt chất liệu sinh động để sáng tác. Sau này, ông trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, một trong những tay máy chuyên sáng tác về Vùng mỏ và người thợ mỏ.

Thời nay, "công nghệ" xếp gỗ cũi lợn đã qua, nhường chỗ cho giàn thủy lực giá di động hiện đại. Tuy nhiên, cũi lợn vẫn được dùng xếp nóc khi chuẩn bị đi vào vùng lò yếu, đất đá nóc có hệ số nở rời cao. Vì thế, cựu thợ lò Phạm Mạnh Hùng, vốn là nông dân ở Thanh Hà (Hải Dương) ra mỏ Mạo Khê thì cho rằng, dù cột thủy lực chống rồi nhưng với những đoạn lò có nguy cơ tụt lở thì chỉ có cũi lợn mới giải quyết được. Ông Đoàn Kiển, nguyên Tổng Giám đốc TKV, từng chỉ đạo thợ lò: Lò trưởng cùng với thợ cả phải vào trước kiểm tra tình trạng các vì chống, nếu chống gỗ mà lò bị nén mạnh thì phải xử lý tăng cường, thậm chí xếp cũi lợn tại đó.

Ông Hùng bảo, trong đời làm thợ lò của mình có rất nhiều câu chuyện buồn vui liên quan đến cũi lợn. Có khi chiếc cũi lợn lại đưa một người thợ lò lên thành anh hùng. Đó là câu chuyện của Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía. Cũi lợn gắn liền với ông Tía bởi ông là thợ lò thành danh trong giai đoạn khai thác than ở lò chợ bằng cột chống gỗ. Năm 2000, ông dùng gỗ để chắn nước làm thay đổi dòng chảy từ phía gương lò chợ về khu vực đã khai thác xử lý sự cố bục nước lớn trên lò chợ lớp trụ vỉa 9B Đông, tầng -25+30. Đây là sáng kiến được đánh giá đã mang lại hiệu quả trên 3 tỷ đồng, duy trì được sản xuất, tiết kiệm chi phí vật tư và thời gian, tránh tổn thất tài nguyên than v.v.. Nhờ đó, ông Tía đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Chống thủy lực trong lò chợ ở Công ty Than Vàng Danh.

Theo cựu thợ lò Nguyễn Đình Thái, kể lại thời xếp cũi lợn ở lò chợ không phải ôn nghèo kể khổ mà để nhớ về một thời đã qua. Nhưng cũng chính từ thời vác gỗ xếp cũi lợn ở lò chợ, ông mới thấm thía câu nói của ông Đoàn Kiển: "Người thợ lò sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu nhau". Như để minh chứng cho điều đó, ông Thái kể về những ngày tháng 7/1997, khi ông là Lò trưởng của công trường 26, Mỏ than Hà Lầm. "Đó là buổi sáng một ngày giữa tháng 7, mưa rất to. Tôi đang ở lò chân, nơi đặt máy cào. Bỗng có tiếng hô: “Sập đoản 3 rồi!”. Tôi vào ngay lò chợ. Máy cào dừng. Từ đoản 5, than được các cây gỗ chặn lại, không trôi xuống máng trượt. Anh Nguyễn Văn Trịnh đang mắc vào bên luồng đã khấu và xếp kín cũi lợn gỗ. Đầu anh chúi xuống, mũ lò và đèn đã bị văng đi theo than. Gáy bị một cây gỗ cài ngang trợ lực cho vì lò chợ chèn nên không cựa được, mặt ứ máu do bị nằm trong tư thế đầu dốc xuống lâu. Chân đi ủng bị kẹt trong than trên đoản 4 không rút ra được. Chúng tôi chuyển những đoạn gỗ cũi lợn dài chừng 1m lên chèn kín để chặn than theo máng trượt tụt xuống lấp thêm lên người anh Trịnh. Đã thế lại mất điện lưới do mưa to, trạm điện cắt điện cho an toàn. Không được dùng cuốc, xẻng, chúng tôi cẩn thận moi từng tý than, đá bằng tay đến nỗi 10 đầu ngón tay rớm máu. Tuy mệt nhưng chúng tôi cố gắng, không ai thấy mệt nữa vì tính mạng đồng nghiệp. Đường lò chật nên chỉ một vài người thay nhau bới than. Cuối cùng, đến gần 12 giờ, anh Nguyễn Văn Trịnh đã được cứu ra khỏi khu đoản sập an toàn”.

Thợ lò Nguyễn Văn Trịnh hiện đã nghỉ hưu, ở khu 1, phường Hà Trung, TP Hạ Long. Những lúc rảnh rỗi, ông Trịnh, ông Thái và đồng nghiệp năm xưa lại gặp gỡ, cùng nhau trò chuyện về những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm mỏ. Bên tách trà thơm, trong câu chuyện của họ luôn nhắc về những lần xếp gỗ cũi lợn trong lò chợ...

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201902/nam-hoi-nghe-tho-lo-ke-chuyen-ve-cui-lon-2421214/