Năm học mới: Vẫn nóng chuyện giáo viên

Thống kê từ Bộ GDĐT, toàn quốc hiện nay đang thiếu 34.641 giáo viên mầm non, 5.315 giáo viên tiểu học. Trong khi đó, giáo viên THCS và THPT thừa ở một số nơi. Hiện các địa phương còn thừa thiếu giáo viên cục bộ đang có nhiều phương án, tuyển dụng thêm, sắp xếp lại chỗ thừa, chỗ thiếu để đảm bảo đủ giáo viên cho năm học mới.

Ảnh minh họa.

Ngày 28/8, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã cùng với đoàn công tác của Bộ GDĐT có chuyến khảo sát về công tác chuẩn bị năm học mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Một trong những khó khăn ngành GDĐT Lai Châu đang gặp phải là thiếu tới 547 giáo viên ở cả 3 cấp học, trong đó thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy tiếng Anh.

Theo ông Đinh Trung Tuấn- Giám đốc Sở GDĐT Lai Châu, khi thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW 2017 về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh gặp khó khăn khi sắp xếp các cán bộ quản lí, dôi dư số nhân viên phục vụ và nhân viên thư viện.

Tương tự, đại diện Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh này đang thiếu 1.240 giáo viên. Cụ thể, cấp học mầm non thiếu 391 giáo viên, cấp tiểu học thiếu 573 giáo viên và cấp THCS thiếu 276 giáo viên.

Nguyên nhân của tình trạng này do số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và xin nghỉ hưu trước tuổi tăng, một số giáo viên chuyển đơn vị công tác, số lượng giáo viên dạy hợp đồng sau khi tham gia thi tuyển viên chức giáo dục không đậu đã xin nghỉ việc...

Tại Bắc Ninh, Sở GDĐT tỉnh này cho biết đang thiếu 2.186 biên chế ngành giáo dục, trong đó rriêng giáo viên thiếu 2.093 biên chế. Điều đáng nói là mức biên chế này toàn ngành được giao từ năm học 2015 - 2016 và giữ nguyên từ đó đến nay. Trong khi đó số học sinh các cấp tăng nhanh, như năm học này là hơn 300.000 học sinh các cấp từ mầm non đến THPT. Đáng lẽ cần 20.497 người theo định mức của Bộ GDĐT thì toàn ngành mới có 18.311 biên chế.

Năm học 2018 - 2019, Đà Nẵng có 4 trường mẫu giáo, 205 trường mầm non (tăng 10 trường), 102 trường tiểu học (tăng 2 trường), 59 trường THCS, 32 trường THPT (tăng 3 trường) và 3 trung tâm GDTX. Theo phê duyệt kế hoạch tuyển dụng của Sở Nội vụ, Sở GDĐT và UBND các quận, huyện đã tổ chức thực hiện tuyển dụng giáo viên các cấp học gồm 313 giáo viên tiểu học, 233 giáo viên THCS và 84 giáo viên THPT.

Dù đã được bổ sung, tăng thêm chỉ tiêu giáo viên nhưng do vẫn thiếu so với thực tế học sinh nhập học nên một số quận, huyện của TP Đà Nẵng đã đề nghị hạ tiêu chí trình độ đào tạo của người dự tuyển trong tuyển dụng, từ bậc ĐH theo như yêu cầu của Sở Nội vụ xuống các bậc thấp hơn, vì không đủ nguồn tuyển giáo viên.

Thống kê từ Bộ GDĐT, cả nước hiện có 1,1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Đông nhất là cấp tiểu học gần 400.000 người. Ít nhất là giáo viên THPT, gần 140.000 người.

Số lượng giáo viên ở cấp mầm non thiếu khá trầm trọng - thiếu tới hơn 34.000 người. Giáo viên tiểu học thiếu hơn 5.000 người. Trong khi đó, giáo viên THCS thừa 12.000 người, giáo viên THPT hơn 4.000 người.

Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để. Đặc biệt, một số địa phương đã vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong dư luận như vụ việc hợp đồng lao động với giáo viên ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và một số địa phương khác.

Hà Nội sẽ tăng giáo viên cho lớp học đông sĩ số

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, một số nơi của Hà Nội sĩ số lớp học cao là việc bất khả kháng. Do đó, tới đây Sở GDĐT Hà Nội sẽ kiểm soát tình trạng này, nhất là việc học trái tuyến. Cùng với đó, sẽ bổ sung phòng học để giảm sĩ số.

Bộ GDĐT quy định định mức 35 học sinh sẽ có 1 giáo viên, nên ông Lê Ngọc Quang cho hay, những lớp học trên 60 học sinh sẽ bố trí thêm giáo viên. Những lớp có 60 học sinh thì bố trí 2 giáo viên, không để 1 giáo viên phụ trách tới 60 em như tình trạng tại một số trường.

Về lâu dài, Sở GDĐT Hà Nội sẽ tiến hành rà soát lại, xác định rõ xã, phường nào thiếu trường, lớp. Từ đó, Sở sẽ báo cáo UBND thành phố trình HĐND điều chỉnh quy hoạch bổ sung trường học, phòng học và phân kỳ đầu tư. Trong 10 năm qua, số học sinh trên địa bàn Hà Nội tăng 41%, số phòng học tăng 39%, tương ứng tăng 434 trường. Năm học 2018-2019, Hà Nội có 2.689 trường học và 1.986.809 học sinh. Minh Quang

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/nam-hoc-moi-van-nong-chuyen-giao-vien-tintuc414195