Năm học mới và áp lực sĩ số

Ngày mai (5/9), học sinh phổ thông cả nước sẽ bước vào Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019. Đây được coi là năm học bản lề trước khi Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chính thức được triển khai. Dẫu thế, áp lực sĩ số tại nhiều địa phương vẫn khá nặng nề.

Học sinh háo hức trong Lễ Khai giảng năm học mới.

Tăng giáo viên có khả thi?

Tính riêng ở bậc tiểu học, năm học 2018-2019 toàn TP Hà Nội có gần 680.000 học sinh (HS). Trong đó có khoảng 130.000 HS vào lớp 1, tăng 30.000 em so với năm học trước. Tại một số quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai…, tình trạng quá tải tại các trường phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học, diễn ra rất căng thẳng. Nhiều trường có sĩ số lên tới gần 70 học sinh/lớp, HS phải ngồi 3 em/bàn. Thậm chí, có trường như Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) còn phải cho học sinh nghỉ học 1-2 ngày trong tuần và học bù vào ngày cuối tuần do không thể bố trí được lớp học. Đó là chưa kể đến thời gian học của HS chỉ còn 4 ngày thay vì 5 ngày như các trường khác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho HS, phụ huynh và nhà trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Theo ghi nhận từ thực tế, không chỉ tại “tuổi vàng” mới dẫn đến tình trạng quá tải sĩ số, mà đã nhiều năm trở lại đây, các trường trên địa bàn nội đô TP Hà Nội đã thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải HS, nhưng TP Hà Nội chưa có giải pháp giải quyết triệt để. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc tăng dân số cơ học từ các khu đô thị, chung cư. Đó là chưa kể đến một số khu vực đô thị hóa mạnh hoặc giáp ranh còn thiếu trường công lập, nên sĩ số các trường công cũng luôn trong tình trạng gấp đôi so với qui định của Bộ GDĐT.

Theo ông Lê Ngọc Quang- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, với những lớp có sĩ số HS quá cao, tới đây Sở sẽ bố trí tăng thêm giáo viên quản lý, không để tình trạng 1 giáo viên phụ trách tới 60 em như tại một số trường hiện nay.

Nhưng ngay cả giải pháp tăng giáo viên như phương án mà Sở GDĐT Hà Nội dự kiến, cũng chỉ nhằm mục đích giữ trật tự lớp học, chứ chưa góp phần giảm tải sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học. Trong khi theo yêu cầu của chương trình GDPT mới, mỗi lớp ở bậc tiểu học sĩ số chuẩn là 35 HS.

Về việc quá tải sĩ số HS đầu cấp ở Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới cho hay, để triển khai Chương trình mới các địa phương cần đảm bảo đủ cơ sở vật chất để triển khai học 2 buổi/ngày với cấp tiểu học và sĩ số lớp không quá 35 HS ở tiểu học, 45 HS/lớp ở THCS và THPT. Ông bày tỏ lo ngại ngay như Hà Nội vẫn lo nhất là thiếu đất, thiếu kinh phí để xây trường vì quá tải trường lớp. “Tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm để chấm dứt việc học sinh học 5 buổi/tuần, dạy học 6 buổi/tuần thì sẽ thực hiện được đầy đủ Chương trình trừ những môn tự chọn”- theo GS Nguyễn Minh Thuyết. Ông cũng phân tích nếu mỗi lớp 50, thậm chí là 60 HS hoặc hơn như hiện nay thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được. Không riêng gì Hà Nội, mà các trường ở thành phố thường gặp phải khó khăn này.

Còn theo ông Bùi Xuân Trường - nguyên giảng viên bộ môn Xã hội học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, vừa rồi Hà Nội bỏ ra 1.900 tỉ đồng, xây dựng được khoảng 2. 200 phòng học, đáp ứng nhu cầu của 11.000 HS, tức chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1/3 số HS vào năm nay. Với tốc độ và mật độ số dân đô thị hóa như hiện tại, quỹ đất nhiều khu vực thiếu thốn, sẽ không bao giờ đáp ứng được hết.

Do đó ông Trường đề xuất thứ nhất là việc xây thêm trường học mới để đáp ứng cho mục tiêu phổ cập giáo dục cho HS Thủ đô là yêu cầu cấp bách, không nên để áp lực sĩ số tái diễn hết năm này sang năm khác. Thứ hai, ngành giáo dục Thủ đô cần đề xuất với lãnh đạo thành phố sớm tăng thêm giáo viên. Bởi trên thực tế có tình trạng nhiều sinh viên sư phạm không xin được việc làm, nhưng các trường tiểu học lại đang thiếu biên chế giáo viên đứng lớp. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn trong đào tạo và sử dụng.

Bộ GDĐT không chủ động được?

Trước thềm năm học mới 2018-2019, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ một số vấn đề liên quan đến việc chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và câu chuyện thừa- thiếu giáo viên. Cụ thể từ năm 2012, sau khi Luật Viên chức có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Nội vụ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, trong đó có vấn đề về tuyển dụng, sử dụng viên chức. Theo đó, việc tuyển dụng giáo viên các cấp học thực hiện theo quy định tại Nghị định số 29/2012/NG-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Các địa phương đã thực hiện việc tuyển dụng đảm bảo số lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (giáo viên, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ, việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương còn nhiều bất cập. Ngành giáo dục (đặc biệt là phòng GDĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên, nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học dẫn đến tình trạng thừa/thiếu giáo viên giữa các cấp học trong cùng một địa phương.

Tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp qui định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS, đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS; và thiếu 3.161 giáo viên THPT. Đặc biệt là một số nơi đã vi phạm nghiêm trọng qui định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên, gây nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và xã hội, điển hình như vụ việc hợp đồng lao động đối với giáo viên ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk và một số địa phương khác mà báo chí đã nêu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, ngoài nguyên nhân về tăng dân số cơ học, việc thừa - thiếu giáo viên xảy ra ở một số địa phương hiện nay là do công tác xây dựng qui hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên; Việc phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập như đã phân tích ở trên.

Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ dẫn đến những bất cập hiện nay.

Do đó, trước vấn đề thừa- thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về qui mô HS đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ GDĐT đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, qui hoạch mạng lưới trường- lớp, không để những trường qui mô nhỏ, những lớp có số lượng HS không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường- lớp thiếu giáo viên. Cùng đó, ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có HS mà không có giáo viên dạy học.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/nam-hoc-moi-va-ap-luc-si-so-tintuc414505