Năm học mới, nỗi lo cũ

Một năm học mới bắt đầu, nhưng nỗi lo cũ vẫn canh cánh bên lòng nhiều bậc phụ huynh, bởi câu chuyện 'bạo lực học đường' vẫn còn tiếp diễn. Vài ngày qua, mạng xã hội xôn xao về đoạn clip nữ sinh đánh nhau, xé áo ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Bến Tre. Câu chuyện không mới, nhưng câu hỏi đặt ra, bao giờ tình trạng này mới chấm dứt?

Xây dựng môi trường văn hóa thân thiện trong học đường để hạn chế bạo lực

Xây dựng môi trường văn hóa thân thiện trong học đường để hạn chế bạo lực

Đánh nhau như phim

Nếu ngày trước, chuyện đến trường xảy ra mâu thuẫn ở học sinh với nhau thì nhiều nhất là chuyện cãi vã, ít có chuyện xô xát hay đánh nhau. Bây giờ, mâu thuẫn ở lứa tuổi học trò không còn là chuyện vụn vặt mà trở thành vấn đề khiến nhà trường, phụ huynh đau đầu.

Trở lại câu chuyện ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Bến Tre, trong đoạn clip nữ sinh mặc áo dài nhưng vẫn lao vào đánh tới tấp và xé áo bạn cùng lớp. Xác nhận sự việc, ông Lê Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP Bến Tre, cho hay: “Đoạn clip nói trên xảy ra tại trung tâm. Ở thời điểm đó, giáo viên đã lên phòng giám thị để uống nước, vụ việc diễn ra rất nhanh và nhà trường không kịp can ngăn”.

Câu chuyện sử dụng bạo lực trong người trẻ không phải cá biệt, một bộ phận học sinh hiện nay thường chọn giải quyết các mâu thuẫn với nhau bằng hành động và thường vào lúc thầy cô không có mặt, như giờ ra chơi, ra về… Và khi người lớn có mặt thì chuyện cũng đã rồi.

Giật mình khi thấy con về nhà áo quần lấm lem, ở tay có một vết trầy, chị Nguyễn Thị Hồng Lạc (37 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) kể: “Ban đầu, hỏi thì cháu không chịu kể đâu. Ba mẹ gặng hỏi đến hôm sau cháu mới chịu kể, bạn chơi chung nhóm đánh một bạn bên nhóm khác, cháu đi coi rồi vô tình bị quơ trúng vì nhóm kia đánh hội đồng bạn này”. Đem câu chuyện kể lại với giáo viên chủ nhiệm lớp học, để cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề, chị Lạc cho biết: “Mình cố gắng cùng nhà trường tìm cách ngăn chặn, khuyên răn tụi nhỏ chứ giờ nó đánh nhau, thách thức gì đó sau giờ học thì nhà trường hay phụ huynh cũng không kịp trở tay. Ngày nào tôi và ông xã cũng cố gắng dành thời gian trò chuyện và học bài cùng con để nghe con tâm sự về chuyện trên lớp, nếu có điều gì đó không ổn thì mình kịp thời đưa ra lời khuyên cho con, để tránh xảy ra chuyện bạo lực”.

Mạng xã hội không vô can

Nam sinh đánh nhau, nữ sinh đánh hội đồng bạn cùng lớp, nữ sinh lập nhóm đánh nam sinh, học sinh đánh nhau - xé áo… Gõ những từ khóa này lên công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội, có hàng loạt video clip hiện ra. Tệ hơn, có những clip đánh nhau mà độ tuổi học sinh còn ở ngưỡng tiểu học, hay vừa mới chạm ngõ trung học cơ sở. Những clip này lượt xem và tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt. Ở lứa tuổi còn non nớt về sinh lý lẫn tâm lý, các em dễ nhầm lẫn đây như một cách để nổi tiếng. Đánh nhau - đưa lên mạng như một cách để chứng tỏ bản thân trước mọi người. Trong các clip học sinh đánh nhau, thường thấy đông đảo học sinh tụ tập xem, có cả tiếng cười nói, cổ vũ và tung hê “quay lại đưa lên mạng, cho nó nổi tiếng luôn”.

Để có thể hạn chế dần và đi đến chấm dứt tình trạng “bạo lực học đường” như hiện nay, cần có thời gian và nhiều biện pháp, trong đó mạng xã hội không thể vô can. Mạng xã hội đã rất phổ biến trong lứa tuổi học đường, chuyện cấm đoán học sinh dùng mạng xã hội gần như là điều rất khó và không phù hợp trong hiện tại. Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan chức năng, để mạng xã hội không còn là nơi dung túng cho các clip bạo lực học đường lan truyền, bởi độ tuổi học trò rất nhạy cảm và dễ bị tác động với những gì nghe, xem. Và bên cạnh đó là trách nhiệm của nhà trường và gia đình. Chị Huỳnh Trang (25 tuổi, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Thập, quận 7) chia sẻ: “Trong quá trình dạy học, nếu học sinh có mâu thuẫn, tôi thường hỏi rõ nguyên nhân trước, sau đó giải thích bạn nào đúng bạn nào sai. Tôi khuyên, vì các bạn còn nhỏ nên có mâu thuẫn gì thì ở trường có thầy cô, ở nhà có ba mẹ, hãy nhờ người lớn giải quyết chứ không được dùng bạo lực. Để tránh tình trạng bạo lực, tôi thường dạy học sinh mình đã cùng là người Việt Nam, cùng học chung một mái trường giống như một gia đình, hãy xem nhau như anh chị em trong nhà, không được đánh nhau hoặc cãi vã. Có gì không đồng tình, nên dùng lời nói để giải đáp cho nhau. Tất cả đều phải được cư xử trên nền tảng văn hóa và đạo đức”.

Trẻ đánh nhau, dù là ở lứa tuổi trung học phổ thông, thì trách nhiệm đầu tiên chắc chắn thuộc về người lớn. Và hơn nữa, việc xây dựng các mô hình văn hóa ở trường học hay ứng xử lễ phép, lễ độ ở gia đình phải là nền tảng cần và có để hạn chế bạo lực trong giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

KIM LOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nam-hoc-moi-noi-lo-cu-689036.html