Năm học mới bộn bề nỗi lo

Dù tình hình cơ sở vật chất, trường lớp tại TP HCM được cải thiện nhưng ngành giáo dục và đào tạo vẫn cần quan tâm đến các vấn đề khác như vệ sinh, an toàn trường học, bạo lực học đường

Chiều 14-8, Ủy ban MTTQ TP HCM và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM tổ chức hội nghị chuyên đề công tác chuẩn bị năm học mới 2019 - 2020.

Sĩ số 40-50 học sinh/lớp

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết năm học 2019-2020, dự kiến toàn TP tăng 75.434 học sinh (HS). Nhìn chung, số HS tăng nhiều ở cấp tiểu học và THCS, tập trung tại một số quận như quận 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Gò Vấp… Trung bình mỗi năm, TP tăng 15.000 HS không có hộ khẩu TP. Áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/ lớp vượt cao so với chuẩn, HS học 2 buổi/ngày giảm. Hiện địa bàn nhiều quận, huyện có nhiều trường có quy mô trên 40-50 HS/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM, sở tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2019-2020 nhằm giới thiệu, phục vụ cho phụ huynh và HS.

Một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh đưa vào sử dụng trong năm học mới

Một trường tiểu học ở huyện Bình Chánh đưa vào sử dụng trong năm học mới

Giảm tải giáo viên

Tại hội nghị, ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP HCM, cho hay nhiều nơi đã có cơ sở vật chất khá khang trang như quận Tân Phú không còn trường nào cũ, quận 7 có 22/23 trường tiểu học có bán trú.

"Đây là sự cố gắng rất lớn của địa phương. So với năm học vừa rồi thì năm nay chuyển biến tốt" - ông Mậu nói.

Tuy nhiên, khi khảo sát tại quận 10, có 2 trường THPT là Sương Nguyệt Anh và Diên Hồng do cơ sở vật chất không tốt, khó tuyển sinh nên mong muốn của quận 10 là chuyển về cho quận quản lý, trở thành trường THCS.

Ông Mậu cũng băn khoăn khi một số quận, huyện phản ánh đến tháng 8 vẫn còn loay hoay tuyển giáo viên, đội ngũ giáo viên tiếng Anh thiếu nhiều. Ông đề nghị điều chỉnh thời gian tuyển giáo viên sớm hơn để trước năm học mới còn có thời gian bồi dưỡng giáo viên mới tuyển.

Nhiều ý kiến khác xoay quanh các vấn đề như an toàn cho HS, bạo hành trong nhà trường. Bà Bùi Thị Diễm Thu khẳng định sở đã chỉ đạo các trường mầm non đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, nhất là các cơ sở mầm non, tư thục là những đơn vị dễ xảy ra bạo hành; các trường giảm tải cho giáo viên vì áp lực cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bạo hành. Ngoài ra, các trường tổ chức suất ăn bán trú phải mua thực phẩm được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM công nhận, công khai cho phụ huynh biết sử dụng nguồn thực phẩm ở đâu.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, nhiều HS phản ánh trong lớp, giáo viên hay dùng điện thoại. Nhà trường cấm HS dùng nhưng giáo viên lại liên tục nghe điện thoại. Chính giáo viên còn là nạn nhân của mạng xã hội, nhất là những thông tin rác, trái chiều. Sở GD-ĐT TP HCM cũng nên đột xuất kiểm tra năng suất hoạt động buổi thứ 2 của nhà trường.

Xử lý nghiêm sai phạm trong thu chi

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục tiểu học tổ chức ngày 14-8 tại Quảng Ninh, Bộ GD-ĐT nhận định ở bậc tiểu học, số giáo viên đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều. Vì chưa được xét tuyển biên chế chính thức nên giáo viên không yên tâm công tác. Trong khi đó, số lượng giáo viên đối với các môn học mới ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình mới chưa đáp ứng yêu cầu như tiếng Anh, tin học...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng vừa có công văn gửi các giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu chỉ đạo cơ sở giáo dục bảo đảm cung cấp sách giáo khoa cho học sinh. Lễ khai giảng năm học thống nhất trên cả nước vào sáng 5-9. Yêu cầu các sở tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học...

Y.Anh

Bài và ảnh: Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nam-hoc-moi-bon-be-noi-lo-20190814212847101.htm