'Nam giới mặc áo dài, mang giày Tây đen đi làm mới đẹp'

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế cho rằng cán bộ mặc áo ngũ thân đi làm đều thấy hào hứng và không gặp nhiều bất tiện.

"Nhìn khung cảnh văn phòng cứ như sân khấu diễn tuồng", "Trời nóng bức vậy sao họ có thể mặc được áo dài đi làm?", "Mặc đồ truyền thống nhưng mang giày da có phù hợp?"... Đó là những bình luận xoay quanh vấn đề nam cán bộ ở Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế mặc áo ngũ thân đến cơ quan.

Trao đổi với Zing liên quan câu chuyện trên, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế - cho biết ông đã đọc nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Ông Hải cho rằng những người nói áo ngũ thân gây khó chịu là chưa có sự trải nghiệm.

"Anh em đều thích mặc áo dài"

- Thưa ông, quy định mặc áo dài đối với cán bộ Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế đã được áp dụng từ lâu hay mới chỉ thí điểm?

- Mặc áo dài đến cơ quan mới chỉ thí điểm. Ngoài ra, đây là hoạt động khuyến khích chứ không có quy định bắt buộc. Bởi vậy, tất cả phụ thuộc tinh thần tự nguyện của mọi người nhưng tôi vui vì anh em hào hứng.

Là người làm văn hóa, chúng tôi phải nêu gương. Thực tế, điều này chỉ diễn ra ở khối văn phòng của sở, không áp dụng cho những đơn vị khác.

Thời gian này, chúng tôi mặc áo ngũ thân một lần vào thứ hai đầu tiên của tháng, trong khoảng 30 phút diễn ra lễ chào cờ hay giao ban. Sau đó, mọi người về phòng làm việc và thay đồ, ai thích có thể mặc tiếp. Anh em đều thấy thoải mái vì công việc văn phòng cũng chỉ ngồi trong điều hòa.

- Là người làm về văn hóa, ông thấy việc mặc áo ngũ thân có ý nghĩa như thế nào?

Những người có ý kiến áo ngũ thân gây khó chịu chắc hẳn chưa từng thử mặc. Đàn ông ở cơ quan tôi hay nói đùa với nhau rằng mình phải mặc để hiểu rõ hơn việc phụ nữ diện áo dài.

Giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải

- Tôi thường mặc áo dài trong các dịp lễ, Tết, kể cả khi đón khách quốc tế. Trước đây, tôi làm giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô nên thường xuyên diện khăn đóng, áo dài.

Nhiều khách quốc tế nói họ thích nhìn trang phục áo dài. Tôi còn nhớ khi tiếp đoàn của Nhật hoàng cùng hoàng hậu, họ hỏi đó có phải quốc phục của Việt Nam không? Điều đó khiến tôi tự hào. Huế là vùng đất của văn hóa và áo dài ngũ thân xuất hiện ở đây từ giữa thế kỷ 18.

Các chúa Nguyễn đã tạo ra kiểu áo này. Thời vua Minh Mạng, nó được người dân mặc phổ biến. Sau đó, nó được phát triển thành quốc phục.

 Ông Phan Thanh Hải mặc áo dài ngũ thân trong buổi chào cờ đầu tuần. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

Ông Phan Thanh Hải mặc áo dài ngũ thân trong buổi chào cờ đầu tuần. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

- Thời tiết ở Huế hiện không mấy mát mẻ, mọi người mặc áo ngũ thân có gặp bất tiện vì áo được thiết kế nhiều lớp?

- Nhiều người không hiểu cứ nghĩ việc này nặng nề. Trong khi đó, anh em ở đây đều thích. Những người có ý kiến áo ngũ thân gây khó chịu chắc hẳn chưa từng thử mặc. Đàn ông ở cơ quan tôi hay nói đùa với nhau rằng mình phải mặc để hiểu rõ hơn việc phụ nữ diện áo dài.

Có nhiều người bảo chiếc quần gây bất tiện. Đó đều là hiểu nhầm vì bây giờ kiểu may không giống ngày xưa. Quần có hạt nút, khóa kéo, túi để bỏ ví hay điện thoại đều được; bên ngoài có tà áo che. Chất liệu vải quần nhẹ. Ngày xưa, quần này được may kiểu lưng thun hoặc có 2 sợi dây rút để thắt lại.

- Nhiều người cho rằng mặc áo dài ngũ thân phải đi guốc mới hợp, chứ không phải mang giày Tây. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Những ai nói mặc áo ngũ thân phải đi guốc mới đúng là chưa thực sự hiểu. Thời xưa, quan lại trong triều đình phải mang giày làm bằng vải, nhẹ nhưng gây bất tiện vào ngày mưa. Ở nông thôn, người dân mang guốc mộc.

Ngày xưa, chúng ta chưa có công nghệ làm giày da, guốc là đồ thích hợp để đi qua những chỗ ẩm thấp. Tuy nhiên, guốc không gọn gàng. Từ cuối thế kỷ 19, đầu 20, vua Thành Thái, Khải Định, đặc biệt là vua Bảo Đại, đã mang giày Tây, chủ yếu là màu đen.

Bộ ngũ thân mặc với quần màu trắng nên đi giày màu đen hợp, tạo phong cách năng động. Phong cách này đã được các vị vua thời Nguyễn, giới tri thức, mặc nhiều. Do đó, diện áo ngũ thân kết hợp giày Tây không phải vấn đề mới.

- Tại sao ông lại chọn màu xanh làm tông chủ đạo thay vì màu đen như trang phục của các quan thời xưa?

- Ngày xưa, viên chức hay người bình thường đều mặc đồ đen. Về sau, tùy theo điều kiện, họ lựa chọn vải, miễn là không lòe loẹt và phù hợp nam giới.

Tôi chọn màu xanh cổ vịt để thể hiện sự trẻ trung, tránh nặng nề. Hơn nữa, chất vải nhẹ và thoáng, dễ giặt.

Đổi mới nhưng không làm mất giá trị xưa

- Các phụ kiện như khăn đóng, thẻ bài cũng được cán bộ sở đầu tư kỹ lưỡng. Chi tiết này có chuẩn như truyền thống?

- Có nhiều ý kiến về việc chúng tôi đeo thẻ bài. Với vua, chúa thời xưa, thẻ được làm bằng ngà voi hay ngọc quý. Người có chức quyền thấp hơn dùng đồ làm bằng sừng hay xương. Sau nữa, người ta làm bằng nhựa cứng. Chúng tôi gắn thẻ bằng nhựa cứng giả xương hay ngà.

Ngày xưa, thẻ bài có ghi chức vụ. Bây giờ, chúng tôi điền câu "Nguyên phong chấp sự", có nghĩa là "Giữ gìn nếp xưa". Thực ra, nó có tính chất trang trí nhiều hơn. Tôi đang thử nghiệm, nếu không phù hợp thì đổi.

Với phần đội đầu, khăn đóng hiện thay thế cho việc quấn khăn như ngày xưa, bởi đàn ông cắt tóc ngắn. Tôi thấy khăn đóng thoáng hơn mũ nhiều, bởi có khoảng hở phía trên.

Cán bộ nam ở Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế mặc áo dài vào ngày thứ hai đầu tháng. Ảnh: svhtt.thuathienhue.

- Áo ngũ thân thời xưa và bây giờ khác nhau như thế nào? Ông có đồng ý với quan điểm thay đổi thiết kế áo để hợp với thời hiện đại?

- Không chỉ riêng Huế, tôi thấy các nơi khác cũng bắt đầu quay lại mặc đồ xưa. Dáng áo và những chất liệu tạo cảm giác thoáng mát chứ không bó chặt, gây khó chịu như đồ đóng thùng công sở ngày nay.

Trước đây, áo làm bằng lụa hay sa, gần như cả năm không giặt, chỉ phơi khô. Điều đó không còn phù hợp với xã hội bây giờ. Hiện nay, chúng ta có thể chọn nhiều chất liệu nhẹ, nhất là cotton, đảm bảo sự thoải mái.

Thời đại thay đổi, con người không nhất thiết phải chọn trang phục giống ngày xưa. Tất cả đặc điểm áo ngũ thân vẫn được giữ nguyên vẹn, chỉ thay đổi về chất liệu và màu... Tôi cũng mong muốn nó trở nên phổ biến giống áo dài của phụ nữ.

- Trong tương lai, ông có kế hoạch gì để lan tỏa việc mặc áo dài đến cộng đồng?

- Tôi vui vì điều này thu hút được sự quan tâm từ dư luận. Nó chứng tỏ mọi người quan tâm trang phục truyền thống của dân tộc. Như vậy, mình có cơ hội để phục hồi trang phục cổ; nếu mặc không ai quan tâm mới đáng buồn.

Chúng tôi muốn làm hồi sinh cổ phục Huế. Mục đích sâu xa hơn là thu hút du lịch, tạo điều kiện ngành nghề truyền thống phát triển, góp phần thúc đẩy dịch vụ trở nên phong phú hơn. Điều này cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Hoài Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-gioi-mac-ao-dai-mang-giay-tay-den-di-lam-moi-dep-post1130338.html