Nam giới Indonesia nâng chồng gạch khoe cơ bắp

Hàng năm, cuộc thi thể hình dành cho các chàng trai đều được tổ chức tại trung tâm sản xuất ngói lợp ở Tây Java, Indonesia.

Theo South China Morning Post, Jatiwangi là trung tâm sản xuất ngói lợp ở Tây Java, Indonesia. Tuy nhiên, sự thu hút về mặt thương mại của nơi này ngày càng giảm khi mọi người chuyển sang các ngành nghề đỡ vất vả hơn.

Năm 2015, một cuộc thi thể hình được thành lập tại đây nhằm vinh danh những người công nhân sản xuất gạch ngói. Đây còn là dịp truyền bá ngành công nghiệp đang dần mai một cho thế hệ trẻ.

Nam giới làm nghề sản xuất gạch ngói tham gia thi thể hình. Ảnh: Agoes Rudianto.

Nam giới làm nghề sản xuất gạch ngói tham gia thi thể hình. Ảnh: Agoes Rudianto.

Nâng đống gạch thay vì tạ sắt

Jatiwangi Art Factory là tổ chức phi lợi nhuận về các hoạt động văn hóa và nghệ thuật ở Majalengka, Tây Java, Indonesia. Mỗi năm có hàng chục người tham gia cuộc thi thể hình tại đây.

Khi thi đấu, các thí sinh cởi trần, mặc quần đùi màu xanh đậm và thoa dầu bóng lên người. Mỗi người bắt đầu với 3 tư thế tự do, 2 tư thế sử dụng gạch ngói thay vì tạ.

Những chàng trai siết chặt cơ bắp, say sưa tạo dáng cùng chồng gạch trên vai. Khi ánh đèn sân khấu chiếu sáng từng múi cơ săn chắc trên cơ thể họ, mọi người ồ lên thích thú và hét lớn tên thí sinh mình yêu mến.

Mỗi thí sinh thực hiện 5 tư thế tạo dáng với đống gạch nhằm khoe cơ bắp săn chắc. Ảnh: Agoes Rudianto.

Một số thí sinh không biết chọn tư thế nào nên tìm hiểu trên Internet. Budi Hartono (30 tuổi) cho biết: "Tôi đã tham khảo trên mạng trước khi biểu diễn". Sau đó, anh ấy quyết định chọn tư thế "double-bicep" nhằm phô diễn cơ tay trước và cơ tam đầu.

Để thu hút sự chú ý của giám khảo, có người cắn, làm vỡ và tạo dáng với những mảnh gạch vụn. Các thí sinh đều cố gắng thể hiện cơ bắp một cách mạnh mẽ nhất.

Bubun Gunawan (33 tuổi) cho biết cơ thể mình trở nên vạm vỡ, săn chắc nhờ công việc ở nhà máy. Ước tính anh và đồng nghiệp nâng khoảng 20.000 viên gạch mỗi ngày. Cuộc thi năm nay là lần đầu tiên Bubun tham gia kể từ khi nó được phát động vào năm 2015.

Anh chia sẻ: "Tôi lấy gạch ngói từ nhà kho đặt lên xe để chuyển đến các cửa hàng hoặc nhà của người tiêu dùng. Hầu như mỗi ngày, tôi vận chuyển gạch lên 4 chiếc xe bán tải".

Thí sinh dự thi là những công nhân sản xuất gạch ngói ở Jatiwangi. Ảnh: Agoes Rudianto.

Truyền bá lịch sử của nghề sản xuất ngói lợp

Jatiwangi là trung tâm sản xuất ngói lợp ở Tây Java từ năm 1905. Ngói đất sét của khu vực này được xem như một trong những loại tốt nhất ở Indonesia. Sản xuất ngói đạt đỉnh cao từ năm 1970 đến năm 2000. Tuy vậy, sự quan tâm dành cho nghề làm ngói ngày càng giảm.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà kinh doanh mái ngói Jatiwangi - H. Apip Iping April - cho hay: "Gạch được sản xuất ở Jatiwangi từng bán chạy trên nhiều đảo của Indonesia, bao gồm Sumatra và Kalimantan. Thậm chí còn thu hút khách hàng từ một số quốc gia Đông Nam Á như Malaysia và Brunei".

Thế nhưng, thời kỳ đó đã kết thúc. Số lượng nhà máy sản xuất ngói đang suy giảm vì thiếu lao động và sự thu hẹp của thị trường. Hiện chỉ có khoảng 130 nhà máy với 100-300 công nhân, giảm đáng kể so với hơn 550 nhà máy vào những năm 1990. Nhiều người trẻ tuổi hiện nay thích công việc trong các xưởng may mặc. Họ xem đó như nơi làm việc thoải mái hơn.

"Sản xuất mái ngói luôn phải tiếp xúc với đất nên bị giới trẻ xa lánh vì sự dơ bẩn. Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng sẽ càng vất vả hơn. Vì thế, người trẻ không muốn làm việc trong lĩnh vực sản xuất gạch. Ai làm nghề này là vì không còn lựa chọn công việc nào khác".

Trong khi đó, sau nhiều thập kỷ khai thác, chất lượng đất sét ở Jatiwangi bị giảm sút. Nguyên liệu thô phải nhập khẩu từ nơi khác làm tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, tiến bộ về công nghệ cũng tạo ra nhiều đối thủ cạnh tranh cho ngành sản xuất ngói truyền thống. Khách hàng thích dùng thép nhẹ hoặc amiăng cho mái nhà vì giá cả phải chăng hơn.

Thành viên ban tổ chức cuộc thi thể hình - Ila Syurkila Syarif - cho biết: "Cuộc thi ngụ ý nhắc nhở rằng gạch không chỉ là một mặt hàng. Nó đã gắn liền với bản sắc của người Jatiwangi.

Chúng tôi muốn thế hệ trẻ thấy rằng Jatiwangi có lịch sử tuyệt vời về sản xuất ngói lợp. Đến nay, chỉ có chủ sở hữu và tên nhà máy được công chúng biết đến. Vì vậy, cuộc thi cũng nhằm tri ân những người lao động đứng sau nghề làm gạch ngói".

Cuộc thi nhằm truyền bá nghề sản xuất ngói lợp truyền thống ở Jatiwangi. Ảnh: Agoes Rudianto.

Đảm bảo tính công bằng

Địa điểm cuộc thi được thay đổi hàng năm. Nhà máy có thí sinh chiến thắng trở thành nơi đăng cai vào năm sau. Một số nơi đã bị cáo buộc thuê người nước ngoài để tham gia thi đấu.

Một thí sinh ở vòng chung kết năm nay bị nghi ngờ có được cơ bắp không phải nhờ công việc sản xuất gạch ngói. Người này có thể đã tập thể hình tại phòng gym. Ban giám khảo xác minh bằng cách đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình làm gạch ngói. Vì không trả lời đúng nên anh ta bị loại.

Trước vòng chung kết một vài ngày, buổi chụp hình được sắp xếp tại nhiều xưởng sản xuất. Ban giám khảo tiến hành đánh giá các bức ảnh để chọn ra 20 người lọt vào vòng kế tiếp.

Vì sự ảnh hưởng của dịch bệnh nên cuộc thi năm nay diễn ra kèm theo quy trình kiểm tra sức khỏe. Số lượng khán giả tham dự cũng bị hạn chế. Chỉ người thân của thí sinh được phép vào khu vực cuộc thi. Bên cạnh đó, chỗ ngồi của mỗi người cũng cách xa nhau nhằm tránh sự tiếp xúc.

Năm nay, người chiến thắng là Eka Rika. Anh nâng cao chiếc cúp trong sự vui mừng. Cuối cùng, chàng trai này cũng hoàn thành ước mơ đứng nhất cuộc thi.

Người nâng chồng gạch bằng một tay - Eka Rika - đã chiến thắng cuộc thi năm nay. Ảnh: Agoes Rudianto.

Huyền thoại làng thể hình đã tập luyện thế nào? Ronnie Coleman xây dựng cơ bắp bằng nhiều bài tập phức tạp.

Tài Lương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-gioi-indonesia-nang-chong-gach-khoe-co-bap-post1135908.html