'Năm đó tôi 6 tuổi' - nạn nhân ấu dâm ở hòn đảo Pháp phá vỡ im lặng

Hastag #IWas được tạo ra để kể lại và tố cáo các hành vi bạo lực tình dục mà nạn nhân phải chịu khi còn nhỏ, thử thách văn hóa im lặng thống trị nhiều năm qua trong xã hội.

Phong trào đang lên ở hòn đảo Corsica, Pháp, kêu gọi mọi người sử dụng hastag #IWas để lên án những hành vi ấu dâm. Những câu chuyện được kể cùng với hashtag kèm số tuổi, như là #IWas7.

Tại thành phố Ajaccio phía Tây Nam Corsica, có ít nhất 400 người, chủ yếu là những người phụ nữ trẻ, đã tham gia diễu ngày vào ngày 5/7 để gây chú ý đến việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên.

Một số biểu ngữ mang thông điệp: "Tôi không phải công cụ tình dục", "Từ năm 6-10 tuổi, bởi cha tôi",... Đoàn diễu hành hô vang, "Chúng tôi rất mạnh mẽ, chúng tôi là những người phụ nữ tự hào, cấp tiến, và tức giận!"

 Một cuộc biểu tình chống lại tấn công tình dục ở Ajaccio, đảo Corsica, Pháp vào ngày 5/6/2020. Ảnh: AFP/Pascal Pochard.

Một cuộc biểu tình chống lại tấn công tình dục ở Ajaccio, đảo Corsica, Pháp vào ngày 5/6/2020. Ảnh: AFP/Pascal Pochard.

Cuộc biểu tình ở Ajaccio diễn ra sau một cuộc biểu bình ở thành phố phía bắc Bastia vào ngày 21/6 gồm 300 người với khẩu hiệu tương tự.

Phong trào đã giành được sự ủng hộ của Thị trưởng Ajaccio Laurent Marcangeli, người đã tham gia buổi diễu hành ngày 5/7, cũng như các thị trưởng của Bastia và Bonifacio, những thị trấn cực nam của đảo Corsica.

Một số người tham gia biểu tình ở Ajaccio mặc áo phông trắng có in dòng chữ #IWas, một hashtag xuất hiện ở Mỹ vào mùa xuân này. Đây là hashtag mới nhất nhằm khuyến khích phụ nữ và đàn ông tiết lộ kinh nghiệm bị quấy rối và tấn công tình dục.

Trước đó, nhà báo người Pháp Sandra Muller đã khuyến khích phụ nữ sử dụng hashtag #Balancetonporc (có thể hiểu là lên tiếng về vấn đề) để chia sẻ những câu chuyện về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nổi tiếng nhất có lẽ là hashtag #MeToo, về sau đã trở thành tên của phong trào chống lại sự quấy rối và xâm hại tình dục, kêu gọi nạn nhân phá vỡ sự im lặng.

Gần đây, #JeSuisUneVictime (Tạm dịch: Tôi là nạn nhân) nổi lên như một lời đáp trả cho việc trao giải thưởng César (một giải thưởng của Pháp tương đương với giải Oscar) cho đạo diễn Roman Polanski, người đã bị buộc tội quấy rối và hành hung.

"Khi đó tôi 6 tuổi"

Điều khác biệt giữa các tweet được gắn thẻ #IWas là độ tuổi mà người dùng bị tấn công tình dục. Độ tuổi đó thường thấp hơn độ tuổi đồng ý.

Đó cũng là trường hợp trong các lời kể được sử dụng với #IWasCorsica, một phiên bản khác của #IWas và là hashtag mà các cư dân của đảo bắt đầu sử dụng vào tháng 6 để chia sẻ về quá khứ bị lạm dụng của họ.

Culomba Sicurani, 25 tuổi, là một trong số những người đầu tiên lên tiếng. Vào ngày 5/6, cô ấy đã đăng dong tweet: "#IWas (Tôi lúc đó) khoảng 6 tuổi. Đó là anh họ của tôi và mới 14 tuổi. Tôi thức dậy trong đêm. Còn anh ấy thì vẫn đang thức. Và anh ấy yêu cầu tôi giúp anh ấy hoàn thành nốt việc đang làm".

Sicurani, đang sống ở Dublin, đã giải thích về sự khó khăn khi kể lại một trải nghiệm không mấy hay ho như vậy: "Ở Corsica, nơi đó rất nhỏ bé, tất cả chúng tôi đều biết nhau. Chúng tôi không dám lên tiếng vì kẻ hiếp dâm là bạn, là anh em họ của chúng tôi".

Bài tweet của Culomba Sicurani. Ảnh: Twitter.

Hai ngày sau bài tweet này, Stella Pasquini cũng đăng tải câu chuyện #IWas của mình: "Điều đó xảy ra từ lúc tôi lên 4 đến tận năm tôi 10 tuổi. Đó chính là cha ruột của tôi và việc đó luôn là kê gian (sodomy). Ông ấy nói với tôi đó là chuyện bình thường và tất cả người cha đều làm vậy với con gái họ. Tôi mới có 4 tuổi lúc đó... Tôi đã tin và để bản thân làm điều đó, tự nhủ rằng đó là chuyện bình thường và chỉ là một khoảnh khắc khủng khiếp mà tôi phải chịu đựng".

Pasquini nói ra điều này lúc cô 15 tuổi, khi cha mẹ đã ly hôn, và cô gửi đơn khiếu nại đối với cha mình. "Cảnh sát đã tìm thấy hơn 12.000 tấm ảnh khiêu dâm của trẻ em, thứ chứng minh điều mà ông ấy đã làm với tôi", người phụ nữ trẻ nói.

Người đàn ông ấy đã bị tuyên 10 năm tù vào năm 2019.

Sự im lặng đến từ nỗi xấu hổ

Phong trào này đã thách thức 'truyền thống' im lặng tại đây, thứ được gọi là omerta và đã che giấu biết bao tội ác khỏi vòng pháp luật

"Trên đảo, sự im lặng đến từ nỗi xấu hổ và nỗi sợ bị trả thù", ông Laetitia Maroccu, chủ tịch của Donne e Surelle, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ phụ nữ ở Corsica, cho biết.

Hầu hết trường hợp đều do người thân phạm tội và các nạn nhân cũng không được công nhận.

Bài đăng của Stella Pasquini. Ảnh: Twitter.

Anaïs Mattei, 22 tuổi và là người cùng Maroccu tổ chức cuộc biểu tình, cho biết cô đã thu thập được "lời khai của 15 người sẵn sàng nộp đơn khiếu nại". Họ cùng nhau đến đồn cảnh sát Bastia vào ngày 7/7.

Công tố viên của Bastia, Caroline Tharot, nói rằng có một tài liệu dài 15 trang gồm 14 "lời khai" theo phong trào #IWas đã được nộp tại đồn cảnh sát. Tuy nhiên, những lời khai này không được coi là khiếu nại chính thức.

Mỗi lời khai phải cung cấp được cho cảnh sát nơi cư trú, ngày và nơi xảy ra vụ việc để có thể mở một cuộc điều tra.

Cho đến hiện tại, chỉ có một "đơn khiếu nại chính thức cho một vụ hiếp dâm vào mùa hè ở Haute-Corse" được nộp.

Mặc dù đơn khiếu nại của nạn nhân vẫn còn hiếm, nhưng đã có 48 đơn khiếu nại phỉ báng đã được đệ trình tại Haute-Corse, khu vực hành chính của Pháp ở nửa phía bắc của hòn đảo. Đơn thứ 49 được đệ trình tại South Corsica. khu vực hành chính thứ hai của đảo.

Việt Linh Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-do-toi-6-tuoi-nan-nhan-au-dam-o-hon-dao-phap-pha-vo-im-lang-post1108026.html