Nam Định: Yên Chính gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống

Trải qua thăng trầm lịch sử, những giá trị văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể ở xã Yên Chính (Ý Yên - Nam Định) hiện vẫn đang được các thế hệ người dân nơi đây kế thừa, gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện đại.

Hiện nay trên địa bàn xã Yên Chính còn tồn tại một hệ thống di tích khá dày đặc gồm các đình, chùa: Mền, Thượng, Viết, Chanh, Chài, Bắc và nhiều đền, phủ, nhà thờ dòng họ được người dân bảo tồn, gìn giữ. Bên cạnh giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, hiện nay các di tích và nhà thờ dòng họ ở Yên Chính còn lưu giữ nhiều tài liệu lịch sử quan trọng như thần phả ở đình Mền, gia phả các dòng họ: Nguyễn, Trần… Từ những ghi chép ở thần phả đình Mền cho thấy mảnh đất Yên Chính được hình thành từ thời Hùng Vương thứ XVIII. Theo gia phả dòng họ Nguyễn, vào thời nhà Lê, dòng họ có nhiều người học hành đỗ đạt làm quan như: Ông Nguyễn Tuấn Sãi được triều đình cho giữ chức Thiêm Sự và được phong tước Hầu. Con ông là Nguyễn Tuấn Vĩnh được sắc phong Thiếu Khanh. Đến đời thứ 3 là Nguyễn Tuấn Ánh làm chức Thiêm Sự, được sắc phong Thiếu Khanh. Gia phả họ Trần làng Đại Lộc còn ghi chép thân thế các dũng tướng của dòng họ như: Phụ quốc Thái úy Thượng tướng quân Trần Công Định; Đại tướng quân tả tư không Trần Công Bách; Đô đốc Quốc Nhất, Thái úy tiết chế An quận công Trần Công Tiến…

Đình Viết, xã Yên Chính thờ Vua Đinh Tiên Hoàng.

Qua các tài liệu như thần phả ở các di tích, gia phả ở các dòng họ, xã Yên Chính là vùng quê có truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt. Tiếp nối truyền thống, những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài ở xã Yên Chính phát triển mạnh. Đến nay toàn xã có 22 xóm có Chi hội Khuyến học, 36 ban khuyến học ở các chi họ. Trong đó, các dòng họ Nguyễn xóm Vạn Đoàn, dòng họ Trần Đặng xóm Thống Nhất, dòng họ Phạm xóm Dũng Tiến duy trì quỹ khuyến học hàng năm trên 30 triệu đồng. Để khích lệ tinh thần học tập của con cháu trong dòng họ, hàng năm vào dịp giỗ tổ hoặc trước năm học mới, Ban khuyến học các chi họ đều tổ chức dâng hương báo công tại từ đường, trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt.

Từ xưa, dân gian lưu truyền câu “Cỗ An Hòa, nhà Lạc Chính” để khẳng định chất lượng những ngôi nhà ở làng Lạc Chính. Nhà xưa ở Lạc Chính có 2 loại gồm: Nhà đắp đất, lợp rạ và nhà gỗ, xây gạch, lợp ngói ta. Dù làm theo loại nào, nhà Lạc Chính cũng đảm bảo tính mỹ thuật, đơn giản, thoáng mát. Kiến trúc những ngôi nhà cổ ở Lạc Chính thường có 3 gian, 2 chái quay hướng nam phù hợp quan niệm dân gian “Vợ hiền hòa, nhà hướng Nam”. Gian giữa thường có bàn thờ tổ tiên và để tiếp khách. Hai gian bên là phòng ngủ. Các ngôi nhà ở làng Lạc Chính có đặc điểm chỉ có 1 cửa chính, nhiều cửa sổ để đảm bảo ấm áp vào mùa đông, thoáng mát dịp hè. Hiện nay, trên địa bàn thôn Lạc Chính vẫn còn khoảng chục ngôi nhà cổ có niên đại từ 100-150 năm tuổi. Ở đội 11, ngôi nhà cổ có niên đại 170 năm của anh Đỗ Tích Lượng vẫn được gìn giữ. Ngôi nhà có tổng cộng 27 cột lim, hệ thống cửa bức bàn 12 cánh suốt ba gian chính. Anh cho biết: Để dựng được nếp nhà này, cụ cố 5 đời nhà anh đã thuê hàng chục thanh niên đóng bè ngược vào tận Thanh Hóa thu mua gỗ, ngâm dưới ao hàng năm mới vớt lên để dựng nhà. Cũng ở đội 11 còn có 4 ngôi nhà cổ với hình thức tương tự là nhà của các ông, bà Đỗ Gia Khương, Đỗ Thị Dụng, Đỗ Xuân Cù...

Ở Yên Chính, làng chèo Đại Lộc xưa nức tiếng xa gần. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khi điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tiếng hát chèo như món ăn tinh thần nâng đỡ, động viên người nông dân. Cứ nghe tiếng trống, tiếng mõ vang lên ngoài sân đình là khắp các ngõ xóm bà con rộn ràng rủ nhau đi xem hát chèo. Sau này, một thời gian dài, làng chèo Đại Lộc hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí. Không để mai một đi giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã Yên Chính, hội viên Phụ nữ, Người cao tuổi của 7 xóm làng Đại Lộc đã cố gắng duy trì, dần khôi phục nghệ thuật chèo. Trong các buổi sinh hoạt hội định kỳ, các buổi sơ kết, tổng kết của các chi hội, tiếng hát chèo, tiếng đàn, tiếng trống luôn vang lên tạo không khí phấn khởi động viên hội viên, nhân dân trong thôn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều năm liền, các vở diễn của làng chèo Đại Lộc giành giải cao tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng của huyện, của tỉnh.

Đồng chí Vũ Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Chính cho biết: Trong quá trình thực hiện cải tạo, kiên cố hóa, hiện đại hóa các công trình phúc lợi theo tiêu chí nông thôn mới, xã Yên Chính chủ trương bảo vệ không gian văn hóa làng quê truyền thống với cây đa, bến nước, sân đình, những hàng cây rộng xòe tán ở mái chùa, mái đình, nhà thờ... Xã chỉ đạo các thôn, xóm tránh việc chặt phá cây xanh, nhất là các cây cổ thụ để thi công các công trình, kết hợp phát động nhân dân trồng cây xanh nơi công cộng, tại các trường học hàng năm đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. Hiện nay cả 22 xóm trong xã đều có tổ thu gom rác thải sinh hoạt. Hàng tuần Chi hội Cựu chiến binh, Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ ở các xóm đảm nhận việc vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng ngõ xóm. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã đã phát huy vai trò của dòng họ trong duy trì nền nếp gia phong. Các dòng họ lớn như họ Trần, họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Phạm… thường xuyên nhắc nhở các gia đình trong dòng họ thực hiện tốt phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, yêu cầu con cháu cam kết thực hiện tộc ước về truyền thống gia tộc, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. Trong hương ước của các dòng họ còn quy định: Ông, bà phải sống mẫu mực, con cháu phải hiếu thuận với bề trên, xây dựng quỹ khuyến học dòng họ… Từ đó, những giá trị văn hóa tốt đẹp gia tộc được bảo tồn, góp phần quan trọng vào phần thành công của phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” ở địa phương. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa xã đạt trên 85%; đến nay, cả 22 xóm đạt danh hiệu “Xóm văn hóa”.

Từ chủ trương đúng đắn về gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn Yên Chính đã xây dựng được khối đoàn kết, trách nhiệm tự giác của các tầng lớp nhân dân trong xã, xây dựng quê hương bình yên và đáng sống, đúng như quan điểm chỉ đạo của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-yen-chinh-gin-giu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-73597