Nam Định: Xuân Trường phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa trong giáo dục truyền thống

Đến thăm di tích lịch sử Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh chúng tôi được chứng kiến buổi hành hương về nguồn do Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh tổ chức.

Tại Nhà tưởng niệm (Thị trấn Xuân Trường - huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), đoàn viên, thanh niên được tận mắt chứng kiến nhiều hiện vật, hình ảnh gắn liền với cuộc đời sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh theo các chủ đề: Quê hương - Gia đình thời niên thiếu - Hoạt động và cống hiến trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc - Đảng và Nhà nước tôn vinh công lao - Đồng chí Trường Chinh với quê hương Nam Định... Cùng với Nhà tưởng niệm, Quần thể lưu niệm đồng chí Trường Chinh còn có các công trình như: Vườn hoa, Tượng đài và Nhà lưu niệm. Nhà lưu niệm đồng chí Trường Chinh (xã Xuân Hồng) gồm các công trình: nhà thờ, nhà khách, nhà lợp bổi, khuôn viên, ao, vườn, tường bao mang phong cách kiến trúc truyền thống nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nhà lưu niệm là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh từ năm 1928 đến thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Nơi đây có thời kỳ từng là cơ sở in tài liệu, sách báo tuyên truyền phục vụ cách mạng đồng thời còn là nơi nuôi giấu đồng chí Trường Chinh trong những lần về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà. Được giới thiệu về di tích cũng như cuộc đời, sự cống hiến cho cách mạng, quê hương, đất nước của Tổng Bí thư Trường Chinh, các đoàn viên thanh niên đều xúc động, bồi hồi. Đồng chí Phạm Văn Thành, Giám đốc Trung tâm VH, TT và DL huyện Xuân Trường cho biết: Mỗi năm Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh có khoảng 150-250 đoàn khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, dâng hương tưởng niệm; mỗi đoàn có từ 30-50 người; trong đó nhiều đoàn có số lượng từ 200-300 người là các em học sinh, giáo viên các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện Xuân Trường và các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh (9-2), ngày mất (20-8 âm lịch) của Tổng Bí thư Trường Chinh, tập thể giáo viên và các em học sinh ngôi trường mang tên thời trẻ của ông là Trường THCS Đặng Xuân Khu tổ chức các hoạt động “về nguồn”: thắp hương, dâng hoa, kể chuyện truyền thống, dọn vệ sinh di tích, phát quang đường dong, chăm sóc cây xanh…

Đoàn viên, thanh niên tham quan Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, Thị trấn Xuân Trường.

Trên địa bàn huyện Xuân Trường hiện có 36 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng; trong đó có nhiều di tích gắn với phong trào cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tiêu biểu như: Chùa Tự Lạc, Chùa Liêu Thượng, Chùa Viên Quang, Đình - Chùa Lạc Quần, Đền - Chùa Kiên Lao, Đền Ngọc Tiên, Đền Xuân Hy… Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở huyện Xuân Trường luôn được triển khai sâu rộng. Nhiều trường học các cấp đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh như: tham quan, trải nghiệm, học tập, nói chuyện chuyên đề, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng… tại các di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh đó, các trường học đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lối sống, tinh thần tương thân tương ái và tính chủ động, sáng tạo trong học tập và rèn luyện cho học sinh và giáo viên. Di tích lịch sử - văn hóa Chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp được xây dựng từ năm 1843. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chùa Tự Lạc là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và in ấn tài liệu, đồng thời là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của 3 huyện phía nam tỉnh là Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Nơi đây từng là địa điểm để các đồng chí: Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo, Đinh Thị Vân, Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ)… chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương. Nhiều năm qua, Chùa Tự Lạc là “địa chỉ đỏ” được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Thọ Nghiệp quan tâm bảo tồn, phát huy từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích được 2 trường tiểu học, 1 trường THCS trong xã tổ chức thường xuyên như: dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại khu vực nội tự chùa; tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của di tích; mời đại diện Ban quản lý di tích nói chuyện về truyền thống cách mạng của quê hương cho các em. Ở xã Xuân Ninh, từ nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội CCB địa phương tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh. Trong các tiết học, giáo viên lồng ghép kiến thức, sáng tạo phương pháp chuyển tải để học sinh hứng thú, tự giác tìm hiểu, trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương. Vào dịp lễ trọng tại các di tích lịch sử - văn hóa: Chùa Viên Quang, Đình - Chùa Lạc Quần, Đình làng Hưng Nhân, Từ đường họ Phạm, các nhà trường đều tổ chức hoạt động dâng hương, nghe lịch sử về di tích và các nhân vật liên quan… Vào các ngày lễ lớn của địa phương, đất nước, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, động viên tân binh nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, giúp đỡ đối tượng khó khăn, gia đình chính sách cũng được triển khai và là những việc làm mang tính giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Ở xã Xuân Hồng, các nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như: rước kiệu, bơi chải đứng, hát chèo, bắt vịt, ném pháo, thi nấu cơm… đã trở thành nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của người dân gắn với lễ hội tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Chùa Keo Hành Thiện. Nhân ngày hội, các trường tiểu học, THCS ở xã Xuân Hồng và một số trường ở các xã: Xuân Vinh, Xuân Ngọc, Thị trấn Xuân Trường… đã tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc tại di tích, tìm hiểu Thánh tổ Không Lộ Thiền sư, tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Ở xã Xuân Kiên, hằng năm Ban quản lý các di tích lịch sử - văn hóa Đền - Chùa Kiên Lao đã phối hợp với các trường tiểu học, THCS các xã: Xuân Kiên, Xuân Tiến, Xuân Ninh, Thị trấn Xuân Trường… tổ chức nhiều đợt cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu truyền thống cách mạng của quê hương. Bên cạnh đó, vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4 hằng năm, Đoàn Thanh niên xã đều tổ chức các hoạt động tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã. Trước ngày giao quân, địa phương tổ chức cho thanh niên chuẩn bị nhập ngũ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ xã, Đền Liệt sĩ huyện. Trường THCS Xuân Kiên là một trong những trường học tiêu biểu trên địa bàn huyện trong tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống địa phương. Vào những ngày lễ lớn của Đảng, của đất nước, hay vào dịp khai giảng, tổng kết năm học, nhà trường đều tổ chức dâng hương, vinh danh, khen thưởng những học sinh có thành tích học tập xuất sắc tại Từ đường họ Phạm gốc Mạc, Đền - Chùa Kiên Lao. Trong mỗi dịp lễ hội, học sinh các trường học còn được hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống quê hương với các trò chơi, văn nghệ dân gian. Em Nguyễn Thị Trà, học sinh giỏi lớp 8A, Trường THCS Xuân Kiên cho biết: Các hoạt động tham quan, giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hóa đã giúp em hiểu hơn về lịch sử quê hương, ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân phải cố gắng học tập và rèn luyện xứng đáng với công lao to lớn của các thế hệ cha ông đi trước đã hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc, mang lại cuộc sống thanh bình cho thế hệ hôm nay.

Công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở Xuân Trường thông qua hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các em học sinh để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: Khánh Dũng |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-xuan-truong-phat-huy-hieu-qua-cac-di-tich-lich-su--van-hoa-trong-giao-duc-truyen-thong-65105