Nam Định trên đường trở thành tỉnh nông thôn mới

Là tỉnh thuần nông ven biển, thường xuyên hứng chịu thiên tai, hệ thống giao thông kém thuận lợi, nhưng những năm qua, Nam Định luôn lấy người dân là trọng tâm, chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM).

 Cuộc sống của người dân nông thôn Nam Định nhiều khởi sắc.

Cuộc sống của người dân nông thôn Nam Định nhiều khởi sắc.

Đến tháng 7/2019, Nam Định đã về đích, với 100% số xã, thị trấn và 10/10 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn NTM. Địa phương này đã về đích NTM trước 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

9 năm nhìn lại

Cách đây gần 9 năm, khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, tỉnh Nam Định cũng bỡ ngỡ, khó khăn ngổn ngang như nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, huy động vừa sức dân, Nam Định vươn lên trở thành một trong hai tỉnh có phong trào xây dựng NTM mạnh mẽ nhất của cả nước.

Trên cơ sở đánh giá kết quả bước đầu và quá trình thực hiện mô hình thí điểm xây dựng NTM của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) và 10 xã điểm của Tỉnh ủy, giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh chỉ đạo triển khai trực tiếp, toàn diện Chương trình xây dựng NTM tại 96/209 xã, đồng thời thực hiện từng phần ở những xã còn lại. Giai đoạn này, Nam Định tập trung xây dựng NTM ở cấp xã, cấp thôn theo Bộ tiêu chí của Trung ương quy định.

Đến tháng 12/2015, Nam Định có 112 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó có 86/96 xã theo kế hoạch và 26 ngoài kế hoạch. Giai đoạn này, huyện Hải Hậu đã đạt chuẩn NTM với 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM.

Giai đoạn 2016 – 2020, Nam Định tiếp tục chung sức xây dựng NTM với nhiều nội dung như: nâng cao tiêu chí của 112 xã đã đạt chuẩn, tiếp tục xây dựng NTM ở 97 xã, thị trấn còn lại.

Không chỉ phát triển kinh tế, Nam Định còn chú trọng chăm lo giáo dục.

Đến tháng 12/2018, toàn tỉnh Nam Định có 209/209 xã (100% số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM. Bình quân mỗi xã tăng 13,2 tiêu chí/xã so với năm 2010. Đến tháng 7/2019, có 10/10 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ NTM.

Ngày 6/9/2019, Nam Định sẽ tổ chức tổng kết 10 năm xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Đây sẽ là dịp để Nam Định nói riêng, cả nước nói chung nhìn nhận lại thực tế, rút ra kinh nghiệm để vững bước trên con đường xây dựng NTM.

Không bằng lòng những gì đạt được, thời gian qua, Nam Định đã và đang chuyển trọng tâm sang xây dựng NTM nâng cao và các mô hìnhNTM kiểu mẫu. Đến nay, đã có 30 xã đề nghị thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 11 xã đăng ký xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu. Trong đó, huyện Hải Hậu đang tập trung nguồn lực thực hiện “Đề án xây dựng huyện NTM sáng – xanh – sạch – đẹp bền vững”.

Không có gì là dễ dàng

Con đường trở thành “Tỉnh nông thôn mới” của Nam Định, nghe có vẻ bằng phẳng, nhưng thực chất, không có gì là dễ dàng. Do là tỉnh ven biển, Nam Định thường xuyên gánh chịu thiên tai do mưa bão. Cuộc sống người dân và ngành sản xuất nông nghiệp luôn bị ảnh hưởng, thậm chí tổn thất nặng nề. Thu ngân sách của tỉnh thấp nên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.

Quan điểm xây dựng NTM của Nam Định là lấy người dân làm trọng tâm – họ vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng vừa là đối tượng được thụ hưởng khi xây dựng NTM; khi cuộc sống của người dân ấm no, ấy mới là nông thôn đổi mới.

Với mục tiêu đó, địa phương này xác định, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Triển khai toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng NTM. Nam Định xác định đây là một định hướng phát triển cơ bản và lâu dài của tỉnh, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí “Tỉnh nông thôn mới”.

Trải qua 2 nhiệm kỳ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định ban hành tới 18 Nghị quyết chuyên đề, các chỉ thị, kết luận tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.

Trong khi đó, các Sở, ngành cũng chủ động, tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các định hướng chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng NTM của tỉnh Nam Định.

Đời sống khấm khá của người dân làng nghề cây cảnh Điền Xá, huyện Nam Trực.

Đến tháng 6/2019, Nam Định đã ưu tiên cân đối cấp kinh phí hỗ trợ và thưởng với tổng số tiền 2.076 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh cho các xã, huyện xây dựng NTM. Bằng nhiều cách, Nam Định đã huy động hiệu quả các nguồn vốn tham gia vào xây dựng NTM với số tiền gần 22 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, các thành phần kinh tế, các hộ dân huy động gần 86.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Thông qua dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và phong trào giải phóng mặt bằng, các hộ nông dân đã góp 2.897 ha đất nông nghiệp và hiến 206 ha đất thổ cư để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi.

Điều đáng mừng nhất với Nam Định hiện nay là 100% số xã không còn nợ đọng xây dựng cơ bản. NTM thực chất hơn, không là gánh nặng đối với địa phương cũng như người dân.

Bên cạnh những gì đạt được, NTM Nam Định cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình như, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn một số lĩnh vực chưa theo kịp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Môi trường nông thôn ở một số địa phương còn bất cập.

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nam-dinh-tren-duong-tro-thanh-tinh-nong-thon-moi-post248668.html