Nam Định thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng

Nhằm triển khai hiệu quả các Nghị quyết Trung ương, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành các kế hoạch thực hiện và Chương trình hành động cụ thể, thiết thực... Thông qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh đã quán triệt nghiêm túc và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị T.Ư lần thứ 6 (khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư lần thứ 6 (khóa XII) “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Nam Định đã tiến hành rà soát, lập các đề án, kế hoạch, chương trình hành động với lộ trình cụ thể, phù hợp thực tiễn địa phương. Huyện Vụ Bản được chọn làm điểm áp dụng các mô hình hợp nhất, thu gọn, tinh giản đầu mối hàng loạt cơ quan, tổ chức.

Ngày 19-12-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các chương trình hành động số 12 và 13, đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ cơ bản, lộ trình thực hiện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở Kế hoạch số 41-KH/TU ngày 9-3-2018 của Tỉnh ủy Nam Định, ngày 18-5-2018, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 33-KH/HU về thực hiện Nghị quyết số 18. Tiếp đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định số 221 thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ 6 (khóa XII) gồm 19 đồng chí, đồng thời ban hành quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên. Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết chủ động xây dựng nhiều đề án sáp nhập Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện, hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND, UBND huyện...

Sau một thời gian triển khai thực hiện, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở các cơ quan, đơn vị có những chuyển biến rõ rệt. Việc hợp nhất Ban Tổ chức Huyện ủy và Phòng Nội vụ huyện thành cơ quan Ban Tổ chức - Nội vụ huyện Vụ Bản: Trước khi hợp nhất, số cán bộ, công chức, người lao động của Ban Tổ chức Huyện ủy là năm người (được giao bảy biên chế), Phòng Nội vụ có năm người (được giao bảy biên chế), sau hợp nhất, số lượng biên chế chỉ là 10 người. Hoặc như việc hợp nhất Văn phòng Huyện ủy và Văn phòng HĐND, UBND huyện Vụ Bản (gồm tổng cộng 19 biên chế) thành cơ quan Văn phòng Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sau hợp nhất sẽ giảm dần theo lộ trình, đến năm 2019 chỉ còn 16 người...

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc làm khó vì liên quan nhân sự, liên quan sự ổn định và thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Nhưng với sự thống nhất ý chí và quyết tâm hành động cao, cùng bước đi thật sự cẩn trọng, khoa học, với lộ trình hợp lý, Nam Định đang từng bước giảm nhẹ cơ cấu tổ chức, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị T.Ư lần thứ 7 (khóa XII) “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 49-KH/TU yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Nghị quyết. Đồng thời, nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân người đứng đầu trong hệ thống chính trị; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, toàn diện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực, hành động quyết liệt, thực hiện có hiệu quả. Về công tác đánh giá cán bộ, tỉnh đã xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, sát với mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong việc quy hoạch cán bộ, ở cấp tỉnh, đã rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ (nhiệm kỳ 2015-2020) 79 đồng chí trong Ban Chấp hàng Đảng bộ tỉnh; 24 đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ở cấp huyện, đã rà soát, bổ sung quy hoạch 763 đồng chí trong ban chấp hành, 267 đồng chí trong ban thường vụ; quy hoạch trưởng phòng và tương đương 578 đồng chí và 730 đồng chí trong chức danh phó trưởng phòng và tương đương.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết; các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Xây dựng kế hoạch cụ thể, khả thi để thực hiện Nghị quyết; đồng thời kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện có hiệu quả. Thông qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác cán bộ; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; xây dựng đồng bộ đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng. Tại các địa phương, việc thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về công tác cán bộ đã được cụ thể hóa tiêu chuẩn, thông qua đó kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm quy trình, thủ tục hồ sơ nhân sự; phát huy vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị T.Ư lần thứ 7 (khóa XII) “Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, địa phương, cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết tới các cấp, các ngành, đơn vị và tầng lớp nhân dân. Thông qua đó, đặt mục tiêu cụ thể từ năm 2018 đến năm 2020, từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đối với khu vực công và doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ và giải pháp, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tạo sự đồng thuận cao ở các cấp, người hưởng lương và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tiền lương; sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương, tạo đột phá để phát triển nguồn nhân lực năng động, hiệu quả đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Trong công tác cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, theo Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị T.Ư lần thứ 7 (khóa XII), Tỉnh ủy Nam Định xác định mục đích, yêu cầu, triển khai thực hiện Nghị quyết phải phù hợp với các chủ trương, định hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra đến năm 2021, 2025 và 2030. Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh, riêng trong bảy tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có hơn 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt gần 83% số dân toàn tỉnh).

Để quán triệt và triển khai hiệu quả Nghị quyết, Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác bảo hiểm xã hội; đổi mới nội dung và triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động về bảo hiểm xã hội. Thông qua đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; tăng cường quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội; bảo đảm nguồn lực, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội... Thông qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi người lao động, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển ổn định và bền vững.

VŨ HOÀNG, TRẦN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38263602-nam-dinh-thuc-hien-hieu-qua-cac-nghi-quyet-cua-dang.html