Nam Định: Thắng vụ xuân, lo vụ mùa

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, các địa phương trong tỉnh Nam Định đã đồng loạt xuống đồng thu hoạch lúa xuân.

 Nông dân Nam Định khẩn trương thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Mai Chiến.

Nông dân Nam Định khẩn trương thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Mai Chiến.

Vượt khó khăn, giành thắng lợi

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, nhờ chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại sớm nên năng suất lúa xuân 2020 không bị ảnh hưởng nhiều, tương đương với mọi năm. Năng suất ước đạt trên 69 tạ/ha.

Vụ xuân năm nay, gia đình chị Bùi Thị Thuần (huyện Trực Ninh) gieo cấy 3 sào lúa. Mặc dù, giai đoạn lúa vào thì con gái, một số dịch bệnh bắt đầu xuất hiện trên đồng ruộng, có nguy cơ lan rộng như bạc lá, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ…

Song, nhờ bám sát đồng ruộng, phun trừ dịch bệnh kịp thời nên 3 sào lúa của gia đình chị phát triển và sinh trưởng tốt. Các trà lúa đều răm rắp.

“Mặc dù, gặp nhiều khó khăn ở đầu vụ, nhưng đến nay ruộng lúa của gia đình tôi đã chín vàng. Bông lúa nặng trĩu hạt; hạt thóc mẩy, chắc. Giờ chỉ chờ máy gặt xuống đồng, thu hoạch thóc, rồi đưa về nhà là tôi yên tâm”, chị Thuần nói.

Chị Thuần cho biết thêm, vụ xuân năm nay năng suất đạt khoảng 2 tạ/sào. Cơ bản, giành thắng lợi.

Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh, ông Phạm Quang Minh thông tin: Vụ xuân 2020, toàn huyện gieo cấy 7.100ha lúa với cơ cấu giống như Đài thơm 8, Bắc thơm 7…

Ngay từ đầu vụ, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương gieo cấy lúa nằm trong khung thời vụ đã đề ra, chăm sóc lúa xuân đúng kĩ thuật. Nhờ đó, cây mạ bén rễ nhanh và sinh trưởng đồng đều.

Tuy giữa vụ có gặp bất lợi về thời tiết, một số dịch bệnh bùng phát nhưng tất cả đều được khống chế, kiểm soát. Đến nay, các địa phương trong huyện đã đồng loạt xuống đồng thu hoạch. Dự kiến, đến hết ngày 9/6, toàn huyện thu hoạch xong 100% diện tích.

Cánh đồng lúa ở các địa phương sạch bệnh nên cho năng suất cao. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, mới đây đơn vị đã ban hành công văn số 1205/SNN-TTBVTV gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thu xuân - làm mùa.

Trong đó, yêu cầu các địa phương tranh thủ thời tiết, huy động mọi lực lượng lao động, phương tiện khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín và các cây màu vụ xuân với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Trao đổi với Báo NNVN, ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho hay, thời tiết ủng hộ, nên các địa phương đang khẩn trương thu hoạch lúa xuân. Tính đến ngày 5/6, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 50% diện tích.

“Năm nay bộ lá đẹp và đồng đều hơn, cánh đồng lúa ở các địa phương sạch bệnh nên năng suất cao”, ông Tiến bộc bạch.

Hạn chế tối đa gieo sạ vụ mùa

Theo kế hoạch, vụ mùa 2020, toàn tỉnh gieo cấy 73.300ha lúa với cơ cấu giống như lúa lai (gồm CT16, Bắc ưu 903 KBL, TX 111…), lúa thuần (gồm TBR 279, BC 15 kháng đạo ôn, M1-NĐ, LP 5, Nếp 97, Lộc Trời 183…), lúa đặc sản (gồm Nếp bắc, Tám xoan, Dự, Nếp cái hoa vàng).

Nam Định đặt mục tiêu năng suất bình quân ≥ 50 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 376.000 tấn, trong đó có 250.000 tấn lúa chất lượng cao. Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 10 cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa (quy mô ≥ 30ha/ cánh đồng).

Năm 2018, nhiều địa phương trong tỉnh phải gieo lấy lại lúa mùa lần 2 do mưa bão. Ảnh: Mai Chiến.

Để đạt được mục tiêu trên, Nam Định yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện tốt phương châm gieo cấy “càng sớm - càng tốt”, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh.

Chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu giống, phương thức gieo cấy và thời vụ gieo cấy lúa mùa nhằm chủ động ứng phó với biến đối khí hậu và bệnh lùn sọc đen. Phấn đấu hoàn thành gieo cấy xong trước ngày 20/7.

“Căn cứ điều kiện cụ thể, mỗi huyện lựa chọn sử dụng 3 - 4 giống lúa chủ lực, mỗi hộ nông dân chỉ lựa chon, sử dụng 1 hoặc 2 giống. Hạn chế tối đa đưa giống Bắc thơm số 7 vào cơ cấu của địa phương, vì là giống nhiễm nặng bệnh lùn sọc đen, bạc lá, rầy và chịu úng, chống đổ kém.

Đối với các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Bắc thơm số 7 phải thực hiện theo quy trình thâm canh riêng do Sở NN-PTNT và doanh nghiệp hướng dẫn”, Sở NN-PTNT Nam Định lưu ý.

Sở NN-PTNT Nam Định cho biết thêm, trong tháng 7 và đầu tháng 8 là thời điểm thường xuất hiện mưa lớn và mưa tập trung dễ gây ngập úng trên diện rộng.

Khi xảy ra mưa lớn, những diện tích sạ, cấy bằng mạ nền trên các chân ruộng vàn thấp, ruộng trũng thường bị ngập úng kéo dài và thiệt hại nặng. Vì vậy, các địa phương cần hết sức chỉ đạo việc bố trí cơ cấu giống và phương thức gieo cấy phù hợp để chủ động trong công tác phòng chống mưa úng.

Còn nhớ, năm 2018, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lũ kéo dài nên nhiều ha lúa vụ mùa ở Nam Định bị ngập trắng, chết. Nhiều địa phương trong tỉnh phải gieo cấy lại lần 2.

Thời điểm đó, Sở NN-PTNT Nam Định thống kê, toàn tỉnh có hơn 31.000ha lúa bị ảnh hưởng. Trong đó, 23.100ha phải gieo cấy lại hoàn toàn.

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nam-dinh-thang-vu-xuan-lo-vu-mua-d265872.html