Nam Định: Sẽ chấn chỉnh những hành vi phản cảm tại 'Lễ hội khai Ấn'

Lễ hội khai Ấn năm nay sẽ chấn chỉnh những hành vi phản cảm, chưa đẹp mắt của du khách và các cán bộ trong việc tổ chức lễ hội.

Bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Khai Ấn đền Trần, cho biết: Những năm gần đây, đặc biệt là lễ hội năm 2018, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực, cải tiến trong công tác tổ chức, qua đó đã giảm đáng kể những sự việc, hình ảnh lộn xộn, phản cảm. Tuy nhiên, trong điều kiện cùng lúc có hàng vạn người tham dự nhưng không có sự cố về an ninh, an toàn thực phẩm, cháy nổ..., đó là một thành công lớn của địa phương trong khâu tổ chức.

Bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP Nam Định, phát biểu tại buổi họp báo.

Lễ hội năm nay công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại lễ hội sẽ được làm chặt chẽ hơn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi phản cảm tiếp tục được chính quyền địa phương đặc biệt coi trọng. Các biện pháp ghi hình, sử dụng an ninh chìm để phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục được áp dụng.

Tại cuộc họp báo chiều 21/1, phóng viên nhiều cơ quan báo chí phản ánh, trong lễ hội khai Ấn năm 2018, vẫn tái diễn một số sự việc, hình ảnh lộn xộn, phản cảm như: Vẫn còn nhiều người có mặt tại sân đền Thiên Trường trong đêm khai Ấn vo tiền ném lên kiệu Ấn; xông vào trong đền vơ vét lộc trên các ban thờ. Sau khi bị phê phán, việc “tiền trao Ấn phát”, người nhà đền “sáng tạo” bằng cách đợi người dân bỏ tiền vào hòm rồi mới trao Ấn. Hay phía ngoài đền, tình trạng ăn xin, ăn mày; giả sư xin tiền; móc túi; chặt chém giá trông giữ xe vẫn tái diễn.

Bà Phạm Thị Oanh thừa nhận có những sự việc mà các phóng viên phản ánh. Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội đền Trần cám ơn những nhắc nhở góp ý kiến của các phóng viên và cho biết sẽ chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức tại lễ hội khai Ấn năm nay. Bà Oanh còn khẳng định qua theo dõi hệ thống camera an ninh nếu Ban tổ chức phát hiện cán bộ nào của thành phố có hành vi phản cảm, không đúng chuẩn mực đạo đức, vi phạm nội quy, quy định Ban tổ chức sẽ gửi thông báo về cơ quan công tác, để có hình thức xem xét đánh giá xếp loại thi đua cuối năm…

Cũng theo Ban tổ chức lễ hội, năm nay thời gian tổ chức lễ hội đền Trần dù không rơi vào ngày cuối tuần nhưng lượng khách vẫn dự báo khá đông. Vì vậy, phía Ban tổ chức vẫn sẽ lên phương án cụ thể để đảm bảo lễ hội thành công tốt đẹp.

Thời gian tổ chức lễ hội đền Trần năm nay từ ngày 15/2 22 đến ngày 20/2, tức ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Thời gian quản lý lễ hội từ ngày 5/2 đến ngày 20/3/2019, tức ngày 1 đến ngày 29 tháng Giêng âm lịch.

Vào sáng ngày 11 tháng Giêng âm lịch sẽ tổ chức làm lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Đây là nghi lễ rước kiệu đặt bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang đền Thiên Trường. Nghi thức này của Vương triều Trần đã bị mai một từ rất lâu, mới được phục dựng vào năm 2015. Qua ngày 12 tháng Giêng, sẽ tổ chức lễ rước nước, tế cá.

Vào ngày 14 tháng Giêng, du khách thập phương và nhân dân vào làm lễ đầu năm tại đền Trần, đến 21 giờ sẽ ra bên ngoài khuôn viên đền Trần để Ban tổ chức làm công tác chuẩn bị nghi lễ dâng hương, rước kiệu ấn và khai Ấn.

Lễ khai Ấn diễn ra vào đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Thời gian phát ấn cho nhân dân, du khách thập phương được ấn định bắt đầu từ lúc 5 giờ ngày 15 tháng Giêng âm lịch cho đến hết tháng Giêng. Ngoài thời gian trên, nếu du khách có nhu cầu vẫn có thể được phát Ấn tại nhà đền.

Hà Nam

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nam-dinh-se-chan-chinh-nhung-hanh-vi-phan-cam-tai-le-hoi-khai-an-post25329.html