Nam Định: Sập, vỡ nghiêm trọng bờ kè khu sinh thái Rạng Đông

Bên bờ biển huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), hàng nghìn mét kè bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông đã bị đánh sập, vỡ, tan hoang như vừa qua một cơn bão lớn. Dư luận địa phương đặt câu hỏi nguyên nhân tình trạng này là do thiên tai, biến đổi khí hậu hay hoạt động khai thác cát đang ngày đêm diễn ra nơi ven bờ?

Bên bờ biển huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), hàng nghìn mét kè bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông đã bị đánh sập, vỡ, tan hoang như vừa qua một cơn bão lớn. Dư luận địa phương đặt câu hỏi nguyên nhân tình trạng này là do thiên tai, biến đổi khí hậu hay hoạt động khai thác cát đang ngày đêm diễn ra nơi ven bờ?

Kè vỡ, đường sập bên thân sóng

Có mặt tại khu du lịch sinh thái Rạng Đông, chúng tôi ghi nhận hình ảnh cả dọc kè biển dài hàng cây số đã bị đánh sập tan nát, không còn phân biệt được đỉnh kè, thân kè. Từng khối bê-tông lớn bị bẻ vụn, chất đống, trôi sạt xuống chân kè.

Nhiều ống cống thoát nước có chu vi miệng ống cả mét bị cắt rời khỏi trụ, lăn lóc, nửa chìm nửa nổi theo con sóng xô bờ. Phần vỉa hè và đường đi dọc theo kè của khu sinh thái cũng đã bị “ăn” vào gần hết, cây tung gốc, đá lát văng ngổn ngang.

Từng khúc đường gẫy gập, sụt xuống tạo thành hố sâu như hàm ếch. Phía trong, vài đoạn rừng phi lao phòng hộ bị sóng đánh tràn vào đã chết khô, bạc phếch dưới nắng gắt.

Theo người dân sống chung quanh khu vực này, hiện tượng sập, vỡ kè mới diễn ra khoảng hai năm nay. Ban đầu, kè chỉ sập một, hai điểm nhỏ, nhưng từ năm 2019 đến nay bắt đầu hư hại nghiêm trọng hàng loạt trên phạm vi lớn.

Người dân quanh khu vực lo ngại trước sự cố sập kè ven biển.

Người dân quanh khu vực lo ngại trước sự cố sập kè ven biển.

Chỉ tay về những con tàu hút cát ngoài xa, ông Ngô Văn Công, người trồng mầu ở khu sinh thái băn khoăn: “Không biết có phải do hút cát hay không mà trước đây thì không sao, từ khi có tàu hút cát, kè vỡ hết cả”. Theo ông Công, mỗi ngày có khoảng 10 tàu, cao điểm lên đến 12-15 tàu hút cát hoạt động. Tàu thả trôi ven bờ, hút đến khi đầy khoang. Buổi chiều, nước càng to, tàu càng vào gần bờ, có khi chỉ 100-200m.

Anh Nguyễn Văn Đức, người xã Phúc Thắng góp chuyện: “Tàu vào sát lắm, tôi hay bơi ở đây, có khi ra gần đến thân tàu”. Anh bảo, có chơi với mấy anh em trong “nghề cát” nên biết, phía xa bờ chỉ có vài mét cát bề mặt, phía dưới toàn bùn hoa. Tàu muốn hút được nhiều bắt buộc phải vào gần bờ do đây là khu bãi bồi. Mấy năm nay không có bão to, nhưng chỉ cần một cơn áp thấp cũng đủ khiến sóng đánh tràn vào ngập cả khu sinh thái, vì bãi bồi đã ngắn lại, thấp đi trông thấy so với trước.

Được biết, kè bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông là dự án trị giá hơn 100 tỷ đồng do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư, đã được nhà thầu hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao năm 2014, qua khoảng 4-5 năm không xảy ra sự cố gì.

Đầu năm 2019, thời điểm kè bắt đầu sập hai đoạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan cùng đoàn chuyên gia của tỉnh đã về kiểm tra thực tế tại khu vực này. Khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định nguyên nhân gây sập kè, trên căn cứ đó huyện Nghĩa Hưng khẩn trương lên phương án khắc phục sự cố.

Kè, đường sập, vỡ, tan hoang như vừa qua một cơn bão lớn.

Câu hỏi chưa lời đáp

Để tìm kiếm thông tin, chúng tôi đã liên hệ ông Trần Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng. Tuy nhiên ông Dương có biểu hiện trốn tránh, cắt liên lạc, không trả lời.

Theo ông Đỗ Quang Trung, Trưởng Phòng Tài nguyên nước - khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, cuối năm 2017, Sở đã cấp giấy phép khai thác cát bằng phương pháp lộ thiên cho Công ty CP Sông Đà Hà Nội, tại lô số 1A khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng.

Sau đó, từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2019, Sở tiếp tục cấp ba giấy phép khác cho công ty này tại các lô số 1B, 2A, 2B. Tổng diện tích được cấp khép khai thác cát là gần 200 ha, với tổng trữ lượng khoảng hơn sáu triệu m³. Hoạt động khai thác cát của Công ty CP Sông Đà Hà Nội chủ yếu nhằm phục vụ san lấp xây dựng Khu công nghiệp Rạng Đông cách đó không xa.

Đường gẫy từng khúc, tạo thành hố như hàm ếch. Từng khối bê-tông lớn bị bẻ vụn, chất đống, trôi sạt xuống chân kè.

Ông Trung khẳng định, việc cấp phép khai thác cát của Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định cho Công ty CP Sông Đà Hà Nội được thực hiện đúng, đủ quy trình, trên cơ sở quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh; căn cứ đánh giá tác động môi trường đối với việc khai thác cát ven biển huyện Nghĩa Hưng, và được HĐND tỉnh thông qua. Hoạt động khai thác của Công ty CP Sông Đà Hà Nội được giám sát bằng cách thả phao khoanh vùng, yêu cầu khai thác xa bờ ít nhất 800-900m.

Đầu năm 2019, sau chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nam Định, cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để xác định nguyên nhân sập kè. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi kinh phí khảo sát, đánh giá rất lớn, chưa thể thực hiện nên sau đó không lâu, Công ty CP Sông Đà Hà Nội lại tiếp tục được khai thác cho đến nay.

Ông Đặng Ngọc Thắng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định đánh giá: Việc khai thác cát có lẽ chỉ là một trong những tác nhân gây ra tình trạng sập, vỡ kè ở khu vực biển huyện Nghĩa Hưng. Nguyên nhân sâu xa có thể là sự mất cân bằng bùn cát nghiêm trọng tại các khu vực cửa sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh.

Khoảng 10 năm gần đây, lượng bùn cát sụt giảm mạnh, dẫn đến nhiều khu vực ven biển thường xuyên bị xói mòn, sạt lở. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2005, Nam Định đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để lắp đặt hệ thống kè mỏ (kè chữ T) nhằm chắn sóng và giữ lại một phần lượng bùn cát nơi ven bờ.

Tuy nhiên, chuyện này cực kỳ tốn kém. Cụ thể, mỗi chiếc kè mỏ bảo vệ được khoảng cách 100 m dài, có trị giá lên đến 15 tỷ đồng, chưa kể các công trình phụ trợ. Với khoảng 90 km đường bờ biển, Nam Định mới đầu tư lắp đặt được hơn 100 kè mỏ, tương đương khoảng 10 km chiều dài cần bảo vệ, và đã tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tàu hút cát hoạt động không xa bờ. Theo người dân nơi đây, mỗi ngày có khoảng 10 tàu hút cát ở khu vực này.

Ngoài khu vực sinh thái ven biển Nghĩa Hưng, hiện ở một số nơi khác như xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) hay Cồn Tròn (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu), đê, kè cũng đang bị tàn phá nặng nề.

Với riêng sự cố ven biển huyện Nghĩa Hưng, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức ba cuộc hội thảo, mời các chuyên gia đầu ngành về biến đổi khí hậu và xây dựng công trình biển từ trung ương về tham vấn, nhưng vẫn chưa thể đưa ra kết luận và giải pháp khắc phục.

Trong lúc câu hỏi về nguyên nhân sập, sạt, vỡ kè nghiêm trọng vẫn chưa có lời đáp, rừng phi lao phòng hộ của huyện Nghĩa Hưng đang mất dần theo thời gian, và cuộc sống của người dân ven biển ngày càng trở nên mong manh, bấp bênh trước sóng to, gió lớn.

TRẦN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nam-dinh-sap-vo-nghiem-trong-bo-ke-khu-sinh-thai-rang-dong-616518/