Nam Định: Ra giữa sông Hồng nuôi cá, 'liều ăn hơi nhiều' tí thôi

Cái ngày anh Chu Văn Hoàn ra giữa sông Hồng làm lồng nuôi cá đặc sản, nhiều người lắc đầu khuyên can rằng, đừng có liều, lơ mơ gió bãi nó cuốn cả chì lẫn chài thì khổ. Nhưng với quyết tâm và bằng những quan sát, thăm quan thực tế, anh Hoàn vẫn ra sông Hồng nuôi cá. Nhiều người lại lắc đầu nói: 'Buôn cá thì trúng chứ nuôi cá có khi vỡ nợ. Tay này chắc tính liều ăn nhiều đây'.

Không bằng lòng với công việc hiện tại và với niềm khao khát làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Chu Văn Hoàn đã từ bỏ công việc ổn định về quê xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng và anh đã kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi cá của mình, anh Hoàn cho biết, trước khi bén duyên với nghề nuôi cá anh từng làm nghề buôn cá trong một thời gian dài. Trong quá trình đi mua cá từ các hộ dân nuôi, anh nhận thấy con cá lăng và cá diêu hồng rất dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế khá cao, mặt khác nhà anh lại nằm gần sông Hồng nên rất phù hợp nuôi loài cá này.

Nhờ nuôi cá lăng trên sông Hồng mà mỗi năm gia đình anh Hoàn kiếm được hàng trăm triệu đồng.

Sau nhiều lần bàn bạc với gia đình, anh Hoàn quyết định bỏ nghề buôn cá về quê xây dựng mô hình nuôi cá trên sông. Đầu năm 2014, anh Hoàn đầu tư hơn 200m2 lồng bè và mua cá lăng, cá điêu hồng mỗi loại một vạn con giống về nuôi thử nghiệm. Do chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi cá lăng nên đàn cá của anh luôn phát triển tốt và năm đó anh lãi được gần 100 triệu đồng.

Nhận thấy loại cá này dễ nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hoàn tiếp tục đầu tư mở rông mô hình. Đến nay, sau gần 4 năm nuôi quy mô lồng bè của gia đình anh Hoàn đã rộng lên tới 1.200m2 và thả nuôi hàng vạn con cá mỗi lứa.

Lồng bè nuôi cá rộng hơn 1.200m2 trên sông Hồng đoạn chảy qua xã Mỹ Tân của gia đình anh Chu Văn Hoàn.

Trong quá trình nuôi cá, anh Hoàn không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi cá, cũng như đi thăm quan các mô hình nuôi cá trên sông cho hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi năm gia đình anh Hoàn xuất bán ra thị trường gần 50 tấn cá diêu hồng với giá 60.000 đồng/1kg và hơn 40 tấn cá lăng đen với giá trên dưới 80.000 đồng/1kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm anh Hoàn lãi hơn 200 triệu đồng.

Cá lăng đặc sản có thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thịt cá không có dăm xương và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. (Trong ảnh là 1 con cá lăng đen khá lớn)

Anh Chu Văn Hoàn cho biết, cá lăng từ lâu được biết đến là một loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao vì thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thịt cá không có dăm xương và có thể chế biến được nhiều món ăn ngon. Mặt khác, cá lăng của gia đình được cho ăn thêm cá con nên thịt cũng thơm ngon hơn.

Cũng theo anh Hoàn, hiện anh đang nuôi 2 loại cá là lăng và cá diêu hồng. Nhìn chung hai loài cá này rất dễ nuôi, ít bị bệnh tật, giá bán cũng khá cao và đầu ra cũng rất ổn định. Trung bình sau khoảng từ 1-2 năm nuôi là có thể thu hoạch được và lúc đó con cá lăng cũng đạt trọng lượng bình quân khoảng từ 3-5kg/con, cá diêu hồng khoảng trên dưới 1kg/con.

Trung bình mỗi năm, anh Chu Văn Hoàn xuất bán ra thị trường khoảng gần 50 tấn cá diêu hồng và hơn 40 tấn cá lăng sông .

Tuy là nghề dễ ăn nên làm ra, nhưng anh Hoàn cũng cảnh báo những rủi ro mà nghề này gặp phải "Nghề nuôi cá trên sông không giống như nuôi cá trong ao, vì chi phí đầu tư khá lớn mà lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng đổi lại cá nuôi ở đây lại nhanh lớn và nuôi được mật độ dày. “Năm 2016, cơn bão số 1 đã cuốn trôi toàn bộ bè cá sắp được thu hoạch của gia đình tôi đi mất, năm đó tôi bị thiệt hại gần 2 tỷ đồng” anh Hoàn nghẹn ngào nói.

Những ái ngại và can ngăn từ những người hàng xóm láng giềng của anh Hoàn đến nay phần lớn là đúng. Đó là rủi ro thiệt hại 2 tỷ đồng do cơn bão số 1 năm 2016. Và anh Hoàn không "liều ăn nhiều" mà chỉ " liều ăn hơi nhiều tí thôi". Có người nói dí dỏm như vậy khi đề cập đến chuyện anh Hoàn ra giữa sông Hồng nuôi cá ngày nào.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá lăng, cá diêu hồng, anh Chu Văn Hoàn cho hay, muốn nuôi được loại cá này trên sông thì trước tiên cần phải đầu tư lồng bè bài bản, vì trong quá trình nuôi không sợ bị thất thoát mà con cá lại lớn nhanh. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần chú ý và theo dõi xem cá có hiện tượng gì lạ không để còn có biện pháp xử lý kịp thời...

Phạm Anh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/nam-dinh-ra-giua-song-hong-nuoi-ca-lieu-an-hoi-nhieu-ti-thoi-907281.html