Nam Định phòng, chống biểu hiện suy thoái chưa hiệu quả

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn nhiều nội dung chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Rõ nhất là việc tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm; người đứng đầu chưa gương mẫu, thậm chí vi phạm Điều lệ Đảng và luật pháp.

Thiếu nghiêm túc trong phê bình, kiểm điểm

Đầu Xuân năm mới, bảy công chức (trong đó có giám đốc và một phó giám đốc) của Kho bạc Nhà nước TP Nam Định (Nam Định) bị xử lý kỷ luật về vi phạm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động do đi lễ trong giờ làm việc. Sự việc được báo chí nêu vào ngày 27-2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất). Điều đáng nói, vi phạm xảy ra khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước đã ban hành những văn bản chỉ đạo về vấn đề này; nhất là trong công văn của Kho bạc Nhà nước đã nêu rõ việc nghiêm cấm công chức của ngành đi lễ trong giờ hành chính, kể cả đi lễ trong thời gian nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ việc riêng...

Điều đó cho thấy kỷ cương hành chính vẫn bị xem nhẹ, quản lý bị buông lỏng, bất chấp việc Chính phủ, các cấp, các ngành liên tục yêu cầu, báo chí thường xuyên tuyên truyền phải thắt chặt kỷ luật lao động sau Tết Nguyên đán. Có thể thấy, nguyên nhân bắt nguồn từ việc chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nêu gương của tổ chức và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Rõ ràng, khi người đứng đầu, cán bộ chủ chốt không nêu gương tốt mà còn cố tình vi phạm kỷ luật, sẽ tạo môi trường xấu cho không ít cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng đến hoạt động của tập thể, gây mất niềm tin của nhân dân. Hơn nữa, khi cán bộ vi phạm mà công tác kiểm điểm, phê bình không nghiêm, không chỉ rõ trách nhiệm, những biểu hiện suy thoái và biện pháp khắc phục, sẽ dẫn đến làm mất tính nghiêm minh của kỷ luật đảng. Còn nhớ, tháng 7-2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nam Định thông báo kết luận giải quyết tố cáo đối với Bí thư Huyện ủy Mỹ Lộc: Vi phạm quy định về sử dụng xe ô-tô công. Cụ thể, trong thời gian từ tháng 10-2016 đến tháng 3-2017, xe ô-tô biển xanh của huyện đã nhiều lần đưa đón Bí thư Huyện ủy từ nhà đến trụ sở và nhiều lần đồng chí tự lái xe ô-tô của cơ quan tham gia giao thông. Vi phạm nêu trên chỉ được phát giác khi có đơn tố cáo.

Tuy vậy, báo cáo kiểm điểm năm 2017 của Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Lộc vẫn khẳng định: Từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy luôn tự tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu cao tính tổ chức kỷ luật, nói và làm theo nghị quyết của Đảng; thực hiện nghiêm Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh tự phê bình và phê bình với tinh thần đoàn kết, xây dựng, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương...

Riêng đồng chí Bí thư Huyện ủy, dù cố ý vi phạm công khai, kéo dài nhưng chỉ bị thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách, rồi được chuyển làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định. Việc này gây bất bình và thắc mắc trong dư luận nhân dân, cho rằng: Cán bộ lãnh đạo đứng đầu huyện đã có vi phạm như thế mà làm Phó Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy, liệu có phù hợp? Bởi ban tuyên giáo tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy về các mặt công tác tư tưởng - văn hóa, đòi hỏi phải có những cán bộ gương mẫu, đủ uy tín và có sức thuyết phục khi thực hiện những nhiệm vụ giáo dục chính trị cho cán bộ, định hướng dư luận quần chúng nhân dân...

Cũng ở huyện Mỹ Lộc, tháng 5-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nam Định ra quyết định khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra hồi tháng 2-2017, tại thôn Mỹ, xã Mỹ Thắng. Trong số sáu bị can, có ba bị can là Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã và Phó Chủ tịch UBND xã bị khởi tố thêm tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thế nhưng, theo kết quả đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2017, hầu hết đều hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như vậy, với những sai phạm của cấp dưới nêu trên, các đồng chí Thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách địa bàn, lĩnh vực không liên quan trách nhiệm?

Những trường hợp nêu trên cho thấy công tác kiểm điểm, phê bình chưa nghiêm, chưa chặt chẽ. Đây là nguồn gốc dẫn đến khó ngăn chặn hiệu quả biểu hiện suy thoái, để vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nam Định, năm 2017, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng (tăng 10 tổ chức so với năm 2016) và 429 đảng viên (tăng 98 đồng chí). Trong đó, kỷ luật bằng hình thức khiển trách là 343 trường hợp, cảnh cáo 66, cách chức 10 và khai trừ 10. Số đảng viên là cấp ủy viên phải thi hành kỷ luật chiếm 19,5%, gồm một tỉnh ủy viên, bảy huyện ủy viên, 27 đảng ủy viên và 49 chi ủy viên. Nội dung kỷ luật chủ yếu là vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm về phẩm chất, đạo đức, lối sống…

Cần nâng cao hiệu quả kiểm tra, đánh giá cán bộ

Nhiều cán bộ, đảng viên và người dân ở tỉnh Nam Định khi được hỏi đều cho rằng, những biểu hiện suy thoái vẫn tiếp diễn, vi phạm còn phát sinh là do công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa thường xuyên và chặt chẽ. Đón Xuân mới 2018 với thành tích đạt chuẩn xã nông thôn mới, nhưng nhiều cán bộ, đảng viên và người dân xã Yên Lợi, huyện Ý Yên chưa vui vì một việc lẽ ra phải hoàn thành trong năm 2017 nhưng đã gần hết quý I - 2018 vẫn “án binh bất động”. Đó là xác minh làm rõ sai lệch về thông tin trên bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và lý lịch đảng viên của Chủ tịch UBND xã này. Khi chúng tôi đến Huyện ủy Ý Yên để tìm hiểu vì sao có được thông tin sự việc từ tháng 9-2017 (do phóng viên cung cấp), nhưng Huyện ủy chưa vào cuộc kiểm tra, đại diện lãnh đạo huyện khẳng định: Do một số lý do, Huyện ủy chưa thể tiến hành kiểm tra ngay, nhưng sau Tết Nguyên đán sẽ khẩn trương, nghiêm túc làm rõ việc này.

Việc chậm tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến cán bộ chủ chốt ở xã Yên Lợi nói lên một thực tế là một số đảng bộ, chi bộ của tỉnh Nam Định, trong công tác tự phê bình và phê bình, vẫn chưa mạnh dạn nhận diện những hạn chế, khuyết điểm của cá nhân, tập thể. Công tác tổ chức cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn bất cập. Nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, chưa tự giác, thiếu quyết tâm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, tính chiến đấu yếu, còn tư tưởng nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý” và mắc “bệnh thành tích”. Bên cạnh đó, công tác tự phê bình và phê bình chưa có sự gắn kết chặt chẽ với công tác kiểm tra, giám sát và các mặt khác của công tác xây dựng Đảng; chưa phát huy được vai trò giám sát của các đoàn thể và nhân dân đối với việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Nhận thức của một số cấp ủy, chi bộ về công tác kiểm tra, giám sát cũng chưa đầy đủ, chưa gắn chức năng lãnh đạo với chức năng kiểm tra, giám sát.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII trong thời gian tới, cùng với tiếp tục thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhóm giải pháp, Tỉnh ủy Nam Định xác định chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho cán bộ, đảng viên gắn với tăng cường tính chiến đấu trong công tác tự phê bình và phê bình. Coi việc nêu gương là trách nhiệm, là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu; đồng thời xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; tập trung kiểm tra, giám sát đảng viên diện cấp ủy cùng cấp quản lý và người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng tài sản công và việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống…

Đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định cho biết: Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quy định đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo thời điểm hằng năm và trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển. Theo quy định, tập thể, cá nhân có thẩm quyền quyết định đánh giá cán bộ phải chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá của mình.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp quyết định đánh giá và xếp loại cán bộ dựa vào các nội dung: cán bộ tự kiểm điểm, chấm điểm, xếp loại; lấy ý kiến chấm điểm đánh giá của các đảng viên trong chi bộ nơi cán bộ công tác và sinh hoạt đảng, của hội nghị cán bộ chủ chốt, của tập thể lãnh đạo (hoặc đồng chí lãnh đạo) cấp trên trực tiếp. Căn cứ quy định này, các địa phương, cơ quan, đơn vị của tỉnh xây dựng tiêu chí và tiến hành đánh giá cán bộ diện cấp mình quản lý. Đây là một trong những biện pháp cụ thể góp phần khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của tỉnh.

HOÀNG LÂM, TRẦN XUÂN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35733302-nam-dinh-phong-chong-bieu-hien-suy-thoai-chua-hieu-qua.html