Nam Định: Nhiều công trình thủy lợi phát huy hiệu quả

Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, hệ thống công trình thủy lợi địa bàn tỉnh từng bước được nâng cấp, tu sửa, đáp ứng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất.

Nam Định là một tỉnh thuần nông thuộc đồng bằng sông Hồng, có 4 con sông lớn chảy qua gồm sông Hồng, sông Đào, sông Đáy và sông Ninh Cơ.

Công nhân tra dầu luyn bảo dưỡng trục xoay, ốc vít,... ở các công trình thủy lợi. Ảnh: Văn Việt.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 hệ thống công trình thủy lợi với 69 lưu vực tưới tiêu do 8 công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) và các địa phương quản lý, khai thác, bảo vệ với số lượng công trình gồm 310 cống qua đê chính, đê bối, đê dự phòng; 851 trạm bơm điện; 1.427 máy, 1.163 đập điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng trên kênh cấp I, II.

Có 2.922 cống cấp II; 37.836 cống cấp III và cống khoảnh; 299 kênh cấp I, tổng chiều dài là 1.210 km; 3.287 kênh cấp II, tổng chiều dài là 3.915 km; 35.272 kênh cấp III, kênh khoảng, tổng chiều dài là 9.394 km. Đảm bảo phục vụ nước tưới, tiêu cho hơn 76.000ha lúa, hơn 12.000ha hoa màu.

Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, hệ thống thủy lợi của tỉnh Nam Định được chia thành 2 vùng: Phía Bắc sông Đào (tưới, tiêu bằng động lực gần 100%) do Công ty KTCTTL Mỹ Thành, Công ty KTCTTL Vụ Bản và Công ty KTCTTL Ý Yên khai thác, quản lý vận hành các công trình thủy lợi.

Phía Nam sông Đào (tưới, tiêu dựa theo thủy triều) do Công ty KTCTTL Nam Ninh, Công ty KTCTTL Xuân Thủy, Công ty KTCTTL Hải Hậu và Công ty KTCTTL Nghĩa Hưng khai thác, quản lý vận hành công trình thủy lợi.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Nam Định còn có Công ty TNHH MTV KTCTTL Bắc Nam Hà khai thác, quản lý, hoạt động một số công trình thủy lợi quy mô lớn nằm trên địa bàn tỉnh.

Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định đã và đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Văn Việt.

Theo ông Việt, hàng năm, hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh Nam Định được đầu tư, tu bổ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới; phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu trên các hệ thống công trình thủy lợi, ông Việt nhấn mạnh, Nam Định luôn xác định chiến dịch làm thủy nông nội đồng là 1 nhiệm vụ quan trọng và luôn bám sát kế hoạch tưới, tiêu của Trung ương.

Do đó, UBND tỉnh đã ra Chỉ thị về việc triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông và phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương tưới tiêu, cửa cống,…

Đắp bờ vùng, bờ thửa, khoanh vùng làm đầm, làm ải để chủ dộng điều tiết và chống lãng phí nguồn nước tưới tiêu. Giải tỏa vật cản trên mương như đăng, đó, vó bè, bào, bè mảng,… khơi thông dòng chảy, chống ách tắc.

Chú trọng vùng chuyên sản xuất giống, vùng chuyển đổi cơ cấu, vùng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết sản xuất, vùng cây vụ đông tập trung theo quy hoạch và những vùng trũng…

Xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể theo hệ thống thủy lợi của từng đơn vị. Phân công, quản lý, đảm bảo phát huy tối đa năng lực của công trình.

“Hiện nay, các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Nam Định tương đối ổn định và phát huy hiệu quả trong việc tưới, tiêu nguồn nước nội đồng. Chất lượng nguồn nước cung cấp cho các hệ thống thủy lợi đảm bảo, an toàn”, ông Việt thông tin.

Chất lượng nguồn nước cung cấp cho các hệ thống thủy lợi đảm bảo, an toàn. Ảnh: Văn Việt.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Trực Ninh, hệ thống thủy lợi trên địa bàn được xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống thủy lợi của tỉnh. Hàng năm, các công ty KTCTTL đều có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công trình nâng cao chất lượng cung ứng nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

Hiện, đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 380 công trình; nạo vét, đắp ấp trúc 1,5 triệu m3 kênh cấp I, cấp II. Các xã, thị trấn đầu tư kiên cố hóa 20,3km kênh cấp III; tập trung cải tạo, nâng cấp 5.365 công trình thủy lợi, nạo vét khoảng 2 triệu m3 kênh mương cấp 3 nội đồng…

Từ lâu, kinh tế của người dân xã Trực Chính (huyện Trực Ninh) phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm, xã này canh tác 2 vụ lúa. Nhờ hệ thống thủy lợi được tu sửa, nâng cấp, nguồn nước tưới tiêu đảm bảo nên quá trình chăm sóc cây lúa của bà con nông dân rất thuận lợi.

Ông Nguyễn Mạnh Chư, Chủ tịch HĐQT HTXNN Trực Chính (Trực Ninh) thổ lộ, nhiều hệ thống kênh, mương nội đồng của địa phương đã được kiên cố hóa, phát huy hiệu quả, giúp bà con nông dân thuận lợi trong việc sản xuất…

Mai Chiến - Văn Việt

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nam-dinh-nhieu-cong-trinh-thuy-loi-phat-huy-hieu-qua-post253574.html