Nam Định: Nghệ thuật hát trống quân ở Thành Lợi

Xã Thành Lợi (Vụ Bản - Nam Định) là vùng đất cổ, giàu di sản văn hóa với các di tích lịch sử văn hóa, các phong tục tập quán, các hình thức trình diễn văn nghệ dân gian trong lễ hội. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa hiện nay, xã luôn quan tâm phát huy tiềm năng văn hóa văn nghệ dân gian để làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trong đó tiêu biểu là nghệ thuật hát trống quân.

Một buổi luyện hát trống quân của đội văn nghệ CLB Người cao tuổi miền Lê Lợi, xã Thành Lợi.

Theo các bậc cao niên, nghệ thuật hát trống quân ở xã Thành Lợi có từ thời Trần gắn liền với lễ hội Thái Bình xướng ca được tổ chức 3 năm 1 lần, bắt đầu từ mùng 9 đến 11-3 âm lịch (vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi). Hát trống quân là một hình thức nam nữ đối đáp, giao duyên được thể hiện theo kiểu ngẫu hứng phổ theo thơ lục bát. Bà Bùi Thúy Mùi (76 tuổi) là một trong những người còn lưu giữ được nhiều bài hát trống quân cổ ở địa phương cho biết: Gia đình bà có truyền thống nhiều đời hát trống quân. Năm 20 tuổi, bà đã biểu diễn thuần thục các bài hát trống quân trong các kỳ hội làng. Theo bà Mùi, các bài hát trống quân được xướng lên là dịp nam nữ bày tỏ tâm tư, tình cảm với nhau. Khi hát, phải tuân thủ đúng nguyên tắc chung là chào, mừng, chúc, hỏi với các kỹ thuật nhịp điệu nhanh, ngắt quãng theo thể lục bát. Trong quá trình đối ứng, các bên sẽ mở rộng ra các chủ đề như đi chơi, đi tìm, cầm kỳ thi họa… Để hát trống quân hay đòi hỏi người hát phải có giọng hát hay, lòng đam mê, khả năng ứng đối nhanh nhẹn. Các dụng cụ để hát trống quân ở xã Thành Lợi gắn liền với các nông cụ hằng ngày của người dân. Trống quân thực chất là thùng tát nước hình trụ được làm bằng chất liệu tôn. Trống đặt úp ở giữa chiếc thang tre, phần đáy trống quay ngược lên trên được đặt một thanh gỗ mỏng, sau đó một sợi dây thép dài nối từ đầu đến cuối thang đè qua thanh gỗ đặt trên phần đáy của trống. Người hát ngồi theo kiểu nam một bên, nữ một bên. Từng đôi một vào hát thì ngồi trên hai chiếc ghế cách nhau sợi dây trống. Người hát gõ vào đầu dây ở mỗi bên, dây bật vào đáy trống kêu thành tiếng “thùng thùng thùng”. Vì là hát đối đáp, nên người hát buộc phải hát rõ lời, không có nhấn nhá luyến láy nhiều. Trước đây lời hát trống quân ở lễ hội Thái Bình xướng ca không chép ra, mà tự thuộc, tự hát, tự ứng biến sáng tác đặt lời ứng đối trong lúc hát. Chẳng hạn câu hát đối: Người đố “Cái gì mà thấp, mà cao/ Cái gì sáng tỏ như sao trên trời?”. Người trả lời: “Đất thấp í mà trời cao/ Ngọn đèn sáng tỏ như sao trên trời”. Một canh hát trống quân không có thời hạn nhất định, đám hát có khi thâu đêm, nối từ hôm này sang hôm khác. Hiện nay, một bài hát trống quân ở làng Quả Linh biểu diễn trên sân khấu có thời lượng từ 10-20 phút. Trong lễ hội Thái Bình xướng ca, vào buổi tối ngày 9-3 âm lịch, các bài hát trống quân lại vang lên bởi những bậc cao niên trong làng. Nhiều bài hát trống quân có nội dung ca ngợi lễ hội Thái Bình xướng ca như: “Lệ làng hội mở tháng Ba/ Đình Đụn cao rộng hương hoa ngát lừng/ Hát mừng kiệu thánh Trung Hưng/ Mừng các kiệu tổ hai từng uy nghi…”. Qua lời ca của trống quân, mỗi người đều cảm nhận được đó là tiếng nói tâm tình, là ước vọng về một cuộc sống tươi đẹp, thể hiện trí tuệ của người lao động trước những hiện tượng của tự nhiên và xã hội. Nội dung các câu hát trống quân trong lễ hội Thái Bình xướng ca chủ yếu là đố hỏi đề cập đến những chủ đề ca ngợi non sông đất nước, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa, những điển tích lịch sử, địa danh làng xã, phong tục tập quán, sản vật quê hương. Bởi vậy nội dung các câu hát là tư liệu quý về lịch sử làng xã, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương từ đó nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản cha ông để lại.

Để bảo tồn nghệ thuật hát trống quân, xã Thành Lợi đã đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xóm. CLB người cao tuổi miền Lê Lợi thành lập từ năm 1997 gồm 280 hội viên sinh hoạt đa dạng các loại hình nghệ thuật như hát trống quân, hát chèo, hát văn, ngâm thơ… ông Nguyễn Văn Kim, chủ nhiệm CLB là một trong những người nặng lòng với nghệ thuật hát trống quân. Ông đã sáng tác lời cho nhiều bài hát trống quân dựa trên làn điệu cổ để các thành viên trong đội văn nghệ của CLB biểu diễn; tiêu biểu như các bài: “Hội Thái Bình xướng ca”, “Ngày của tháng mười”, “Quê ta Thành Lợi Quả Linh”, “Thời chiến người làng tôi”… CLB người cao tuổi miền Lê Lợi thường xuyên sinh hoạt vào ngày 30 hằng tháng. Đội văn nghệ của CLB với 20 thành viên là những người biểu diễn thành thục các bài hát trống quân; tiêu biểu là các bà: Bùi Thúy Mùi (76 tuổi) đội trưởng đội văn nghệ, Phạm Thị Vui (78 tuổi), Nguyễn Thị Năm (76 tuổi), Đỗ Thị Liên (73 tuổi), Bùi Thị Tự (64 tuổi), Vũ Hồng Vân (65 tuổi)… Bà Bùi Thị Tự trước đây từng học hát từ cụ Hợi - người nổi tiếng trong vùng nắm giữ nhiều bài hát trống quân cổ. Trong trí nhớ của bà Tự, để chuẩn bị cho mở đám hát ngày hội, cụ Hợi thường ra sân kho của làng để dạy lớp thanh niên các bài hát trống quân theo kiểu đối đáp. Học theo kiểu truyền miệng nên bà dễ nhập lòng các bài hát trống quân. Bà Vũ Hồng Vân quê gốc ở tỉnh Ninh Bình, năm 23 tuổi lấy chồng ở làng Quả Linh nên tự học hát trống quân. Đến nay, bà là một trong những hạt nhân quan trọng của đội văn nghệ. Hiện nay, hát trống quân ở xã Thành Lợi không chỉ diễn ra vào dịp lễ hội tháng 3 mà còn vào dịp Tết Trung thu hằng năm hoặc vào dịp địa phương tổ chức chương trình văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Thực tế việc bảo tồn loại hình nghệ thuật trống quân ở xã Thành Lợi hiện gặp nhiều khó khăn vì những người biết hát trống quân đều đã cao tuổi. Mong rằng, với sự cố gắng của những người giữ lửa nghệ thuật truyền thống, thế hệ trẻ hôm nay sẽ nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn làn điệu dân gian. Và hơn hết cần có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-nghe-thuat-hat-trong-quan-o-thanh-loi-64531