Nam Định: Nét đẹp văn hóa dân gian trong lễ hội mùa xuân ở Nam Trực

Hàng năm, cứ vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ở huyện Nam Trực - Nam Định lại tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức các anh hùng dân tộc có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, các bậc tiền nhân đã truyền nghề, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Toàn huyện có hơn 20 lễ hội được tổ chức từ tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, tập trung ở các xã: Điền Xá, Hồng Quang, Nam Hùng, Tân Thịnh, Nam Dương, thị trấn Nam Giang… Các lễ hội diễn ra đa dạng, phong phú, là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Vật chầu Thánh trong lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang.

Về xóm Chiền, xã Nam Dương từ ngày mồng 8 đến 10 tháng Chạp, du khách được hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội Đền Gin. Lễ hội là dịp để người dân địa phương tri ân công đức đối với Tướng quân Kiều Công Hãn (thời Ngô Quyền). Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa như: rước kiệu, rước nước, hát chèo, tổ tôm điếm, chọi gà... Trong đó, nghi thức rước kiệu có sự tham gia của cả 19 xóm trong xã với hơn 40 cỗ kiệu. Đoàn rước kéo dài hơn 1km; hai bên đường các gia đình bày biện hương án, lễ vật trước cửa nhà để lễ vọng. Điểm độc đáo của lễ hội là tục “tế cá trắm” và thi cỗ dâng Thánh - những lễ tục đặc sắc mang ý nghĩa phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước. Tục thi cỗ gồm: thi làm bánh chưng, bánh dầy, giò; thi làm cỗ các, cỗ ngọc, cỗ tứ linh, cỗ đường, cỗ ngũ sắc. Tục tế thần bằng cá trắm tương truyền là tục lệ liên quan đến bữa ăn cuối cùng của Tướng quân Kiều Công Hãn trước khi ông qua đời. Vào ngày chính kị (mồng 10 tháng Chạp), cả 4 thôn: Bái Dương, Tang Trử, Hiệp Luật, Cổ Lũng tổ chức rước cá trắm về đền để tế lễ. Cá trắm dâng tế gồm 3 con thuộc giống trắm đen, nặng chừng hơn 10kg, nuôi thả tự nhiên được tuyển chọn kỹ lưỡng từ tháng 6 âm lịch. Nét đẹp văn hóa trong lễ hội Đền Gin được thể hiện đậm nét qua tục thi cỗ với những món ăn dân dã mang đặc trưng vùng, miền được người dân thể hiện tinh tế đã trở thành kỹ năng, bí quyết và chỉ truyền cho những người có uy tín của địa phương trong dịp lễ hội.

Lễ hội làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá tổ chức từ ngày 12 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm tưởng nhớ Thái úy Tô Trung Tự - cụ tổ có công truyền dạy nghề trồng hoa, cây cảnh cho dân làng vào thế kỷ XIII. Phần lễ gồm các nghi thức: dâng hương, dâng lễ vật, tế nam quan, tế nữ quan, rước và dâng cây cảnh. Trong đó, rước và dâng cây cảnh là nghi thức đặc biệt quan trọng có sự tham gia của 5 xóm: Cao Bình, Cống, Hoàng Đồng, Đình, Trại. Sản phẩm cây cảnh được tuyển chọn để dâng Thánh là 5 cây bon sai thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống bình an, sung túc, thịnh vượng như: sanh, tùng, lộc vừng, sung… Tất cả các cây đều là những “tác phẩm” độc đáo được các nghệ nhân uốn tỉa, tạo dáng công phu, đẹp mắt, hội tụ đủ 3 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ”. Ngoài phần lễ trang trọng, hội làng Vị Khê diễn ra các hoạt động: trưng bày, giới thiệu hoa, cây cảnh, biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian: cờ người, cờ tướng, tổ tôm điếm, chọi gà, kéo co… Xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội còn có cuộc thi tay nghề tạo thế hoa, cây cảnh với sự “góp mặt” của hàng trăm tác phẩm của các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh.

Xã Nghĩa An cũng là địa phương có nhiều lễ hội xuân, tiêu biểu như: lễ hội Đền Bái Hạ thờ Triệu Việt Vương tổ chức 2 năm 1 lần (vào các năm chẵn) ngày 15-3 âm lịch; lễ hội Đền An Lá thờ Thượng tướng quân Nguyễn Tấn (triều Đinh) tổ chức từ ngày mồng 9 đến 11-3 âm lịch; lễ hội Chùa Vân Đồn tổ chức vào ngày 10-2 âm lịch, lễ hội Đền Tây thờ Thủy hải Đại vương (thời Hùng Vương) tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch. Lễ hội Đền An Lá diễn ra trong 3 ngày, từ ngày mồng 9 đến 11-3 với các nghi lễ truyền thống như: tế thần, rước kiệu. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian phong phú như: múa sư - rồng, chọi gà, leo cầu kiều, cờ tướng... Lễ hội Đền An Lá là hoạt động mang tính cộng đồng, mở đầu cho nhiều lễ hội mùa xuân trên địa bàn xã. Chùa Vân Đồn là di tích thờ Phật, phối thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Công chúa Lê Thị Ngọc Tảo. Hàng năm, trong kỳ lễ hội chính ngày 10-2 âm lịch, dân làng tổ chức nghi thức dâng hương, tế lễ vào buổi sáng, rước kiệu vào buổi chiều. Kiệu Mẫu được rước bởi 16 thiếu nữ đồng trinh đi vòng quanh thôn sau đó ra sông lấy nước làm lễ rước nước Mộc dục - tắm tượng rồi rước về chùa.

Thị trấn Nam Giang có nhiều lễ hội tổ chức vào dịp đầu xuân như: lễ hội Chùa Đại Bi, lễ hội Đền Đông, lễ hội Đền Am... Lễ hội Chùa Đại Bi tổ chức từ ngày từ 20 đến 24 tháng Giêng hàng năm. Trong thời điểm diễn ra lễ hội, nhiều nghi lễ của Phật giáo được tổ chức như: rước thỉnh kinh, rước kiệu. Bên cạnh đó nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian cũng được tổ chức gắn với nhân vật thờ tự; tiêu biểu như: vật chầu Thánh, hát rối đầu gỗ chầu Thánh… Vào các buổi tối, tại sân chùa biểu diễn hát chèo, hát rối đầu gỗ (Ổi Lỗi). Xuất phát từ một nghi lễ thờ cúng, nghệ thuật hát rối đầu gỗ Chùa Đại Bi mang ý nghĩa răn dạy con người những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người…

Ở Nam Trực, những năm gần đây nhiều hội làng đã và đang khôi phục được nhiều loại hình diễn xướng, tục lệ, trò chơi dân gian như: múa rối nước trong lễ hội làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang; kéo chữ trong lễ hội làng Đồng Côi, thị trấn Nam Giang; chơi đu trong lễ hội làng Thanh Khê, xã Nam Cường; thổi cơm thi trong lễ hội Đền Đông, Đền Đá, xã Tân Thịnh… Lễ hội làng Bàn Thạch tổ chức 5 năm 1 lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thần hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Trong lễ hội, ngoài các tiết mục múa rối nước đặc sắc với hơn 40 tích trò do các nghệ nhân của thôn biểu diễn còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như: hát chèo, đấu gậy, múa sư tử, cờ người… Lễ hội làng Thanh Khê, xã Nam Cường tổ chức vào ngày 9-3 âm lịch. Không gian lễ hội bao phủ ở khắp các đình, đền, chùa, phủ với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Đặc sắc nhất là tục chơi đu tại khu vực bãi đất trống trong làng. Cội nguồn của ý tưởng chơi đu là tục cầu thần Mặt trời, Mặt trăng trong lễ hội phồn thực của cư dân nông nghiệp. Vào đêm Giao thừa, dân làng Thanh Khê tề tựu trước sân đình làm lễ đưa đu, sau đó chủ tế đọc văn tế và một cao niên còn đủ sức khỏe được dân làng tiến cử bước lên cây đu mở màn. Chơi đu được người dân địa phương duy trì đến hết tháng Giêng với mong muốn vạn vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội Đền Đá, xã Tân Thịnh được tổ chức vào ngày 3-3 âm lịch hàng năm với nhiều cuộc thi như: làm oản, làm bánh dày, thi làm cỗ dâng Thánh, chọn cau lễ... và nhiều trò vui như: múa gậy, múa rồng, trò kéo cõi (kéo dây), đấu vật... phản ánh tinh thần thượng võ của dân tộc và cũng là hình thức rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Lễ hội Đền Đông, xã Tân Thịnh được tổ chức vào 21-3 âm lịch hàng năm kỷ niệm ngày mất của Tiến sĩ Đặng Phi Hiển. Hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao ở lễ hội là tục thổi cơm thi với sự tham gia của cả 6 phe giáp trong làng. Giáp nào cơm chín trước là thắng cuộc và được chọn làm cỗ tế trong lễ hội. Đây là một tập tục truyền thống được nhân dân trong làng gìn giữ từ bao đời nay chứa đựng khát vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng, gia đình hạnh phúc.

Về Nam Trực dự lễ hội nhân dịp đầu năm mới, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của các di tích lịch sử - văn hóa mà còn được thỏa mãn ước nguyện cầu lộc, cầu tài, cầu may, hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống, qua đó góp phần củng cố tình đoàn kết, lòng tự hào dân tộc.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-net-dep-van-hoa-dan-gian-trong-le-hoi-mua-xuan-o-nam-truc-74030