Nam Định khó xử lý vi phạm về đê điều

Trên tuyến đê Hữu Đào thuộc địa bàn xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định hiện đã xuất hiện nhiều hộ dân tự ý sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình nhà ở, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Ngoài việc tuyên truyền để người dân tự phá dỡ các công trình, chính quyền địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.

Báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nam Định về vi phạm của gia đình ông Bùi Huy Lễ, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi

Báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nam Định về vi phạm của gia đình ông Bùi Huy Lễ, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi

Trên tuyến đê Hữu Đào thuộc địa bàn xóm Trại Nội, xã Thành Lợi, có 4 hộ dân đã, đang tập kết vật liệu, làm móng, xây nhà; phá dỡ, xây mới tường bao xung quanh nhà; xây dựng công trình phụ ngay sát chân đê. Điều khiến dư luận quan tâm là trong số các hộ vi phạm Luật Đê điều có gia đình ông Bùi Huy Lễ, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lợi.

Ông Bùi Huy Lễ lý giải, phần đất của gia đình ngay dưới chân đê Hữu Đào do ông cha để lại và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trong đó, ngôi nhà bếp cấp 4 được xây dựng từ lâu đã bị mục nát, hư hỏng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nên cuối năm 2019 gia đình phá đi xây lại trên nền móng cũ.

Ngày 30/12/2019, Hạt Quản lý đê Vụ Bản đã lập biên bản đối với các hộ dân vi phạm Luật Đê điều ở xã Thành Lợi. Gia đình ông Lễ đã dừng việc xây dựng công trình vi phạm.

Tuy nhiên, trên địa bàn xóm Trại Nội các hộ còn lại vẫn không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, cố tình xây dựng các hạng mục trong hành lang bảo vệ đê điều. Cụ thể, gia đình ông Bùi Huy Thịnh xây tường bao mới; gia đình các ông Đặng Văn Sơn và Nguyễn Lang Thanh làm móng nhà mới ngay dưới chân đê.

Theo ông Bùi Huy Thủy, Trưởng xóm Trại Nội, những diện tích đất của các hộ dân nằm cạnh đê Hữu Đào đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lâu. Do quá trình sử dụng, các công trình xuống cấp, cộng thêm áp lực gia tăng dân số nên các hộ dân trong thôn có nhu cầu nâng cấp, xây mới nhà ở và các công trình phụ trợ, song khi xây dựng lại vi phạm hành lang bảo vệ đê điều.

Từ thực tế đó, ông Thủy kiến nghị, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần có phương án xử lý hợp tình, hợp lý đối với vấn đề này. Nếu xác định, diện tích đất của các hộ dân nằm trong hành lang bảo vệ đê cần phải di chuyển thì cần tổ chức họp, thống nhất với dân, nhất là nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, bố trí quỹ đất để nếu cần sẽ di dời người dân đến nơi ở mới.

Ông Lê Văn Tuyền, Chủ tịch UBND xã Thành Lợi thông tin, trước đây, mặt đê Hữu Đào khá hẹp nhưng dần dần được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, gia cố nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống bão lũ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân được thực hiện trước thời điểm đê được mở rộng nên không vi phạm hành lang bảo vệ đê. Hiện, việc quản lý của chính quyền địa phương gặp khó khăn vì sự chồng chéo giữa Luật Đê điều và Luật Đất đai.

Đê Hữu Đào qua huyện Vụ Bản dài hơn 22km, qua các xã: Tân Thành, Thành Lợi, Đại Thắng; trong đó, khoảng 100 hộ nằm trong hành lang bảo vệ đê điều. Từ khi có Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh Nam Định về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Vụ Bản đã tiến hành giải tỏa 30 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê. Hiện nay, còn khoảng 70 hộ có nhà và các công trình khác nằm trong hành lang bảo vệ đê vẫn chưa được giải tỏa.

Ông Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản phân tích, các hộ dân đã sinh sống ổn định từ lâu đời, nguồn gốc đất được thừa kế của ông cha, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, khi cơ quan chức năng đề nghị tạm dừng xây dựng công trình mà chiếu theo Luật Đê điều (năm 2006), một số hộ không chấp hành vì cho rằng diện tích đất của gia đình có "sổ đỏ" nên có quyền sử dụng, không vi phạm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản mong muốn, cơ quan chức năng của tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể trong những trường hợp đã nêu trên giúp huyện có căn cứ thực hiện giải tỏa các hộ vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu phương án điều chỉnh Luật Đê điều cho phù hợp với yếu tố lịch sử của từng vùng, miền.

Ông Đặng Ngọc Thắng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nam Định cho hay, do có sự chồng chéo giữa Luật Đê điều và Luật Đất đai nên việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh Nam Định gặp nhiều khó khăn và chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Trong khi chờ hướng dẫn từ cấp trên, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, không xây dựng các công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê; đồng thời, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình xây dựng công trình mới trong phạm vi bảo vệ đê.

Công Luật

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/nam-dinh-kho-xu-ly-vi-pham-ve-de-dieu_t114c1143n162203