Nam Định: Kè biển bị sập tan hoang

Trước khi công trình kè biển bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông gặp sự cố nghiêm trọng, Công ty Cổ phần Sông Đà-Hà Nội đã triển khai hoạt động khai thác cát khu vực ven biển, gần công trình kè.

Từ một, hai điểm đến sập cả kilomet kè biển

Đại Đoàn Kết Online ngày 8/3/2019 đăng bài “Tan hoang khu du lịch sinh thái Rạng Đông”, phản ánh ở thời điểm đầu năm 2019, công trình kè bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông (Nghĩa Hưng-Nam Định) bị sập hai đoạn (cùng nằm ở đầu phía Đông công trình).

Đoạn thứ nhất, tính từ đầu Đông công trình, chiều dài kè bị sập khoảng hơn 10 m, tổng diện tích bị sập khoảng 60m². Đoạn thứ 2 (cách đoạn thứ nhất khoảng hơn 100m về phía Tây) chiều dài kè bị sập khoảng 5-60 m, tổng diện tích bị sập khoảng 600m². Cụ thể, tường chắn sóng tại đỉnh kè bị sập, gẫy. Đất, đá phần thân kè bị sóng ngoạm, moi, lôi ra biển; tạo thành một cái hố dài, với những chiếc “hàm ếch” sâu hoắm. Toàn bộ phần vỉa hè đường chạy dọc kè và rừng phi lao phòng hộ đoạn chạy qua đây cũng bị sóng đánh sạt, sụt gần hết.

Chìeu dài đoạn kè bị sập khoảng 1 km

Chìeu dài đoạn kè bị sập khoảng 1 km

Được biết, sau khi sự cố sập kè trên xảy ra, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cùng đoàn công tác của tỉnh đã về kiểm tra thực tế. Một trong những chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tại cuộc kiểm tra này là các sở NN&PTNT, TN-MT phải xác định nguyên nhân gây sập kè; yêu cầu huyện Nghĩa Hưng phải khẩn trương xử lý ngay tình trạng sạt sập trên.

Vậy nhưng, đến thời điểm 1,5 năm sau, cụ thể là vào những ngày đầu tháng 9/2020 này, có mặt tại công trình kè trên, PV Đại Đoàn Kết Online ghi nhận tại đây chưa có bất cứ biện pháp khắc phục sự cố kè bị sập được triển khai. Thay vào đó, chiều dài và diện tích kè bị sập kéo dài và mở rộng hơn gấp nhiều lần so với thời điểm đầu năm 2019 PV chứng kiến.

Cụ thể, thay bằng chỉ có 2 điểm bị sập như trước đây, hiện tại toàn bộ đầu phía Đông của công trình kè bị sập hoàn toàn, tổng chiều dài khoảng 1km. Đáng nói là, không chỉ đánh sập đỉnh, thân kè, sóng đã “tiến sâu”, đánh sập toàn bộ phần đường chạy dọc kè, đánh đứt gẫy đường ống bê tông thoát nước nằm phía bên kia đường, tiến sát vào rừng phi lao phòng hộ, tạo nên cảnh tượng vô cùng tan hoang.

Yên ổn cho đến khi có doanh nghiệp về khai thác cát

Liên quan đến sự cố sập kè trên, thời điểm đầu năm 2019, thông tin với PV Đại Đoàn Kết Online, ông Sái Hồng Thanh, khi đó là Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết, công trình kè biển bảo vệ khu du lịch sinh thái Rạng Đông do UBND huyện Nghĩa Hưng làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng hơn 100 tỷ đồng, được nhà thầu Công ty CP Xuân Trường Nam Định, hoàn thành, bàn giao cho huyện quản lý từ năm 2014.

“Mấy năm qua, kể từ khi được bàn giao, kè không gặp vấn đề gì. Nhưng từ năm 2018 kè bắt đầu gặp sự cố, bị sóng đánh sập một số đoạn. Huyện đã một lần chi ra 2 tỷ đồng để khắc phục. Tuy nhiên vừa tu bổ xong lại bị sóng đánh sập tiếp”, ông Sái Hồng Thanh cho biết.

Cũng theo ông Sái Hồng Thanh: “Huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nam Định, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Nếu chưa rõ nguyên nhân mà đầu tư khắc phục thì không hiệu quả, mặt khác huyện cũng không có tiền để khắc phục”.

Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết Online, thời điểm kè bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông bắt đầu gặp sự cố cũng là thời điểm phía ngoài biển, cách bờ kè không xa, Công ty Cổ phần Sông Đà-Hà Nội bắt đầu triển khai các hoạt động khai thác cát sau khi được Sở TN-MT tỉnh Nam Định cấp phép.

Cụ thể, ngày 10/11/2017 doanh nghiệp này được Sở TN-MT tỉnh Nam Định cấp phép khai thác cát tại các mỏ cát lô số 1A (thời hạn đến tháng 3/2023), mỏ cát lô số 1B (thời hạn đến tháng 11/2022), cùng thuộc khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng, cùng mục đích khai thác cát san lấp.

Tàu hút cát hoạt động không quá xa bờ kè

Tại cuộc kiểm tra thực tế đầu năm 2019, ngoài việc yêu cầu các sở liên quan xác định nguyên nhân, yêu cầu huyện Nghĩa Hưng phải khẩn trương xử lý ngay tình trạng sạt sập kè bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông (thời điểm mới chỉ có 2 điểm bị sập), ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở TN-MT tỉnh rà soát, kiểm tra lại hồ sơ, quá trình cấp phép khai thác cát cho Công ty cổ phần Sông Đà-Hà Nội, nếu phát hiện vị trí cấp phép không hợp lý phải khẩn trương điều chỉnh; trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thát cát phục vụ việc xác định nguyên nhân gây vỡ kè. Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Sông Đà-Hà Nội báo cáo đầy đủ hồ sơ từ khi khai thác mỏ đến thời điểm có biến cố vỡ kè...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, theo phản ánh của người dân địa phương, việc khai thác cát được Công ty Cổ phần Sông Đà-Hà Nội triển khai, duy trì liên tục từ khi được cấp phép đến nay.

Vào chiều ngày 3/9, thời điểm PV ghi nhận việc kè bị sập tại hiện trường, phía ngoài biển, ngay trước mặt đoạn kè bị sập vẫn có 2 tàu hút cát đang hoạt động. Trong khi 5-6 con tàu khác khai thác phía gần đầu Tây công trình kè.

Một số hình ảnh kè biển bảo vệ Khu du lịch sinh thái Rạng Đông bị sập tan hoang, PV Đại Đoàn Kết Online mới ghi lại:

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nam-dinh-ca-kilomet-ke-bien-bi-sap-tan-hoang-506513.html