Nam Định: Hàng nghìn xe tự chế vẫn nhan nhản trên đường

Xe tự chế vẫn nhan nhản trên đường phố và là vấn đề nan giải của Nam Định trong nhiều năm qua.

Xe tự chế hoạt động trên QL10, địa bàn Nam Định

Xe tự chế hoạt động trên QL10, địa bàn Nam Định

Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định có nhiều chỉ đạo Ban ATGT các huyện, thành phố trong việc quản lý, xử lý xe tự chế của người dân lưu thông gây mất ATGT. Tuy nhiên, đến nay xe tự chế vẫn nhan nhản trên đường.

Ở đâu cũng thấy xe tự chế

Trên tuyến QL10 đoạn qua địa phận huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, các phương tiện như xe lôi kéo, xe ba gác, xe máy gắn thùng, xe tự chế chạy rầm rập trên đường. Các xe chở hàng hóa, vật dụng như: Xi măng, sắt thép, gỗ, đồ thờ...

Điều đặc biệt là toàn bộ những phương tiện này là xe nhiều “không”: Không đèn pha, không gương chiếu hậu, không được kiểm định an toàn của cơ quan chức năng… Người điều khiển phương tiện là lao động phổ thông ở nông thôn, không có giấy phép lái xe.

“Riêng ở khu vực huyện Ý Yên có khi lên tới hàng trăm, hàng nghìn chiếc xe vì nhiều lắm không kể siết. Nào là xe chở lúa, xe chở sắt, xe chở cát…”, anh Nguyễn Văn Linh ở ngay cạnh QL10 (thuộc huyện Ý Yên) cho hay.

Riêng tại huyện Ý Yên, với đặc thù có nhiều làng nghề truyền thống như chế biến gỗ, cơ khí đúc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nên cũng có số lượng xe tự chế rất lớn.

Đơn cử như tại xã Yên Tiến, UBND xã này thống kê có khoảng 30 xe tự chế đang hoạt động. Trong đó có cả các loại xe 3, 4 bánh được sản xuất mới tại các cơ sở cơ khí trong tỉnh và cả loại xe kéo, xe lôi 3 bánh do người ngồi sau xe máy kéo bằng tay.

Tương tự trên tuyến QL21A, 21B và các tuyến tỉnh lộ qua địa phận các huyện như: Hải Hậu, Nam Trực, Xuân Trường… tình trạng xe tự chế, xe lôi kéo, xe ba gác cũng hoạt động hết sức rầm rộ, từ đường làng ra quốc lộ.

Qua thống kê sơ bộ từ Ban ATGT huyện Hải Hậu, huyện này còn tồn tại khoảng 200 xe tự chế với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau như: Xe công nông, xích lô gắn máy…

Trong đó có 60 phương tiện sản xuất tại Trung Quốc, trên 100 xe do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các làng nghề trong tỉnh sản xuất. Tương tự, ở huyện Nam Trực, cũng có khoảng 500 xe tự chế hoạt động chuyên chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng.

Việc bùng phát mua sắm, sử dụng xe tự chế đã và đang gây ra tăng nguy cơ TNGT. Gần đây nhất vào sáng sớm 3/4/2020, trên TL489 (tại trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định) đã xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa một xe ô tô con và xe ba bánh chở sắt, xi măng. Hậu quả 2 người trên xe ô tô cùng người điều khiển xe ba bánh bị thương nặng.

“Khó” xử lý?

Tình trạng xe tự chế 3 bánh, 4 bánh hoạt động trên địa bàn Nam Định diễn ra rất phức tạp

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Phương Đông, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Nam Định thừa nhận đây là vấn đề nan giải đã diễn ra trong nhiều năm.

“Xe tự chế nằm rải rác ở tất cả các huyện, năm nào cũng kiểm tra và xử phạt nhiều nhưng không xuể. Như huyện Ý Yên, Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu… có làng nghề thì những phương tiện xe tự chế 3-4 bánh rất nhiều, chủ yếu phục vụ chở sản phẩm của các làng nghề”, ông cho hay.

Theo ông Đông, tình trạng xe tự chế 3 bánh, 4 bánh trên địa bàn diễn ra rất phức tạp. Ban ATGT có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng, đưa ra nhiều giải pháp, tuyên truyền đến tận người dân, nhưng thực tế việc xử lý rất khó.

“Khó ở đây là chưa có phương tiện nào (hợp pháp) tương tự để thay thế vì đa phần ở Nam Định chủ yếu làm nông nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ mà người dân thì chỉ dùng các phương tiện này cho thuận tiện. Đường làng, ngõ xóm bé nên xe to không đi được thì buộc phải sử dụng những phương tiện này.

Có những đợt ra quân xử lý thì người dân bỏ đi, lấy máy rồi để lại xác xe. Những phương tiện này không có giấy tờ gì cả nên việc xử lý rất khó”, ông Đông nêu khó khăn.

Còn Trung tá Đỗ Đình Sơn, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nam Định cho biết, qua khảo sát thì trên địa bàn có hơn 1.500 chiếc xe tự chế, nằm rải rác ở các huyện. “Hàng năm chúng tôi đều phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, nhắc nhở bà con nhân dân không nên sử dụng các phương tiện xe tự chế lưu thông ra đường.

Vì đây là những chiếc xe gắn với bà con nhân dân và thiết thực trong cuộc sống hàng ngày nên cũng khó xử lý. Nếu xử lý xe này thì chỉ có tịch thu sau đó bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước”, Trung tá Sơn cho biết thêm.

Để xử lý dứt điểm tình trạng xe tự chế, Ban ATGT tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cấp, ngành, các đơn vị thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, chú trọng tuyên truyền về tác động tiêu cực của các loại phương tiện này.

Ban ATGT tỉnh Nam Định cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các ngành Công an, GTVT thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại các phương tiện và các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe cơ giới trên địa bàn.

Đồng thời, yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất, lắp ráp cam kết không tự chế, lắp ráp các loại xe cơ giới thuộc diện không được phép lưu thông, các trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Phúc Tuấn

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/nam-dinh-hang-nghin-xe-tu-che-van-nhan-nhan-tren-duong-d464676.html