Nam Định: Hải Hậu khai thác, phát huy hiệu quả hệ thống bảo tàng, nhà lưu niệm

Về huyện Hải Hậu những ngày đầu xuân mới, chúng tôi được chứng kiến nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020). Bảo tàng huyện Hải Hậu là một trong những 'địa chỉ đỏ' thu hút đông đảo học sinh đến tham quan, học tập và trải nghiệm.

Tại đây, các em được tận mắt chứng kiến hơn 3.500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh gắn liền với lịch sử quê hương Hải Hậu theo 5 chủ đề: Quá trình hình thành mảnh đất và con người Quần Anh; Hải Hậu - Quê hương văn hóa, anh hùng; Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Thời kỳ đổi mới và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Chị Vũ Thị Thủy, cán bộ phụ trách Bảo tàng huyện Hải Hậu cho biết: Năm 2017, Bảo tàng huyện được xây dựng mới trên nền móng cũ có từ năm 1976 với kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Từ khi khánh thành, đưa vào sử dụng đến nay, Bảo tàng Hải Hậu đã có nhiều đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động như: thành lập tổ phụ trách; hoàn thiện hệ thống trưng bày; sưu tầm, bổ sung hình ảnh, hiện vật; đầu tư phương tiện, trang thiết bị... Hơn 2 năm qua, Bảo tàng Hải Hậu đã thu hút trên 200 đoàn đến tham quan; trong đó hơn 80% đối tượng là học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn huyện đến tham quan, học tập. Bên cạnh đó, vào các dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam (30-4), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), nhiều đơn vị, tổ chức, đoàn thể và các đối tượng là học viên Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, sinh viên một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước, các cựu giáo chức, cựu học sinh, cựu chiến binh, cán bộ lão thành cách mạng của quê hương cũng đến tham quan, thực tế, nghiên cứu tại bảo tàng.

Học sinh Trường Tiểu học Yên Định tham quan, học tập tại Bảo tàng Hải Hậu.

So với các huyện, thành phố khác trong tỉnh, Hải Hậu là địa phương có hệ thống thiết chế nhà truyền thống, nhà lưu niệm quy mô lớn với 1 nhà lưu niệm, 14 phòng, nhà truyền thống ở các xã, thị trấn: Hải Anh, Hải Minh, Hải Phú, Hải Nam, Hải Hà, Hải Phúc, Hải Chính, Hải Đường, Hải Ninh, Hải Trung, Hải Long, Hải Phương, thị trấn Thịnh Long. Ngoài ra, huyện có hệ thống di tích - lịch sử văn hóa dày đặc, phân bổ rộng khắp ở 35 xã, thị trấn; trong đó có 41 di tích được Nhà nước xếp hạng. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức cho học sinh tham quan, học tập, trải nghiệm tại các bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà truyền thống, di tích trên địa bàn. Các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh xã hội hóa trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các công trình; vận động nhân dân sưu tầm, hiến tặng các tài liệu, hiện vật về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương. Nhà lưu niệm Vũ Văn Hiếu, xã Hải Anh, là nơi tưởng niệm, lưu giữ những tài liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Vũ Văn Hiếu - Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh. Trong đó tiêu biểu là bức trướng ghi lại lời nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về đồng chí Vũ Văn Hiếu: “Đồng chí Hiếu là một đồng chí sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của đồng chí Vũ Văn Hiếu, tập thể giáo viên và học sinh Trường Trung học phổ thông Vũ Văn Hiếu đều tổ chức các hoạt động tri ân như: thắp hương, dâng hoa, kể chuyện truyền thống. Nhà lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động chính trị - xã hội như: lễ phát động các phong trào thi đua yêu nước, lễ kết nạp đảng viên mới, sinh hoạt truyền thống Hội Cựu chiến binh xã… Vào dịp khai giảng năm học mới, các trường học trên địa bàn xã đều tổ chức phát động phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đồng thời phân công cho từng khối lớp dọn vệ sinh khuôn viên, phát quang đường dong, chăm sóc cây xanh tại khu vực nhà lưu niệm. Xã Hải Phúc có 2 phòng truyền thống và 4 di tích lịch sử - văn hóa. Thực hiện xây dựng nếp sống văn minh học đường, hàng năm, cả 3 trường học trong xã đều đảm nhận việc chăm sóc và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các di tích tại địa phương. Mỗi tháng học sinh Trường Tiểu học Hải Phúc đều thực hiện tổng vệ sinh di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Chùa Hà Lạn; nhà trường phân công giáo viên giới thiệu, hướng dẫn học sinh tìm hiểu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích. Hàng năm Trường Trung học cơ sở Hải Phúc tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là: Từ đường Thủy tổ Phạm Hương Lan và Từ đường Thủy tổ Trần Quốc Thể để các em nắm rõ về thân thế, sự nghiệp các vị Thủy tổ; tổ chức dâng hương cùng các dòng họ nhân ngày giỗ tổ… Xã Hải Nam là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hải Hậu, là nơi gắn liền với hình ảnh lá cờ đỏ búa liềm bay phấp phới trên cây gạo trước Đền Hội Khê vào tháng 7-1931. Từ nhiều năm qua, vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm truyền thống của đất nước, địa phương, các trường học ở xã đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Ban văn hóa xã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng cho học sinh tại đền. Cùng với các hoạt động ngoại khóa tại di tích, hàng năm, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

Tự hào và tiếp nối các giá trị lịch sử, văn hóa và cách mạng của cha ông, các thế hệ trẻ ở Hải Hậu hôm nay luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của quê hương thông qua các hoạt động “về nguồn” ý nghĩa, mang tính giáo dục sâu sắc; qua đó không chỉ nâng cao kiến thức về lịch sử mà còn bồi dưỡng lòng tự hào, ý thức, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của học sinh, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nam-dinh-hai-hau-khai-thac-phat-huy-hieu-qua-he-thong-bao-tang-nha-luu-niem-74381