Nam Định: Để nói được không với ma túy và bạo lực học đường

Tỉnh Nam Định có có 764 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó có 29 trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Xác định bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục là một yêu cầu quan trọng, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Mô hình 'An toàn trường học' được triển khai đã đạt được những kết quả nổi bật.

Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho các cá nhân tích cực của phong trào

Bộ GD&ĐT tặng bằng khen cho các cá nhân tích cực của phong trào

Trường học không ma túy

Sau 15 năm thực hiện mô hình "An toàn trường học" (2003-2018) và triển khai mô hình "Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường", tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Xác định tầm quan trọng về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các cơ sở giáo dục, năm 2002, UBND tỉnh đã chỉ đạo hai ngành Công an, Giáo dục và Ðào tạo xây dựng Kế hoạch liên ngành số 07 triển khai mô hình "An toàn trường học" thực hiện thí điểm ở thành phố Nam Ðịnh và nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh từ năm 2003.

Bộ Công an tặng bằng khen cho các cá nhân và tập thể

Các nội dung chính cần thực hiện của mô hình được đẩy mạnh thông qua tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia giữ gìn an ninh trật tự; đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức tự quản trong nhà trường; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường, góp phần xây dựng trường học an toàn.

Quá trình tổ chức triển khai mô hình đã xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần phòng ngừa, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội. Phong trào đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành Công an, GD-ĐT.

Xác lập quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội ngày càng chặt chẽ, thống nhất nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ học sinh, sinh viên, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Qua mô hình, đã phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo động lực mới cho phong trào thi đua "Hai tốt" ở các trường học. Mô hình "Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường" đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Trần Lê Ðoài, cho rằng: Mô hình "An toàn trường học" đã phản ánh bức tranh sinh động, sự sáng tạo của các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Mô hình triển khai thành công là hoạt động quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tương tác hiệu quả với phong trào thi đua "Dạy tốt - Học tốt" góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường; xác lập quy trình, quy chế quản lý học sinh, sinh viên. Hai ngành Công an, GD&ĐT đã cùng chung tay tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội.

Những bài học kinh nghiệm

Theo ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định: Sau 15 năm thực hiện mô hình "An toàn trường học" nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực đã được rút ra. Để phong trào “An toàn trường học” thực sự có chiều sâu, hiệu quả. Ông Hùng cho rằng cần phải có sự đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền và người dân. Trong đó sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, sự tham gia tích cực của người dân là rất quan trọng.

Các nhà trường ở huyện Hải Hậu thực hiện tốt mô hình ATTH

Là các cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ thực hiện và cũng là trách nhiệm của mình, ngành giáo dục – Công an đã thực sự làm nòng cốt trong việc tham mưu, triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên để để xây dựng, triển khai mô hình phong trào. Cùng với đó là việc tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng công an các cấp với các cơ sở giáo dục, nhà trường, các ban, ngành đoàn thể, các tôn giáo trong tỉnh để phát động, duy trì mô hình.

Các bên liên quan đã cùng coi trọng công tác phối hợp. Trong đó, mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong việc quản lý, giáo dục con em, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bạo lực học đường được đề cao. Đồng thời xây dựng, triển khai quy chế phối hợp, liên kết giữa nhà trường – công an phường sở tại – gia đình để chia sẻ thông tin, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh ANTT không để tội phạm, tai, tệ nạn xâm nhập học đường.

Ông Hùng đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết phải xây dựng lực lượng nòng cốt trong phong trào “An toàn trường học”, gồm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm; bảo vệ nhà trường; phát huy vai trò tích cực của Bí thư Đoàn, Tổng phụ trách Đội, các tổ chức tự quản, lớp trưởng và học sinh, sinh viên tiêu biểu để duy trì phong trào và trật tự, kỷ cương nhà trường.

Nam Định cũng chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo vệ; tranh thủ các nguồn lực xã hội để cải tạo cơ sở giáo dục, tạo môi trường giáo dục văn minh, hiện đại; phù hợp với xu thế phát triển xã hội, duy trì, nuôi dưỡng phong trào.

Song song với đó là kịp thời bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, nội dung các tiêu chí của mô hình phù hợp đặc điểm, tình hình từng giai đoạn. Kịp thời phát hiện, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. - Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/nam-dinh-de-noi-duoc-khong-voi-ma-tuy-va-bao-luc-hoc-duong-4036144-v.html