Nắm điểm yếu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ 'lật ngược thế cờ' thương vụ mua S-400

Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố có thể yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi căn cứ không quân Incirlik, nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt với Ankara liên quan tới thương vụ mua S-400

“Chúng tôi sẽ đánh giá tình huống xấu nhất và đưa ra quyết định. Nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề về căn cứ Incirlik và Kurecik sẽ được đưa lên bàn nghị sự”, Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.

Phi công Mỹ tới thăm cứ không quânIncirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AP)

Phi công Mỹ tới thăm cứ không quânIncirlik tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, một hệ thống radar cảnh báo sớm các cuộc tấn công bằng tên lửa vốn là một phần trong mạng lưới phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu, đã được triển khai tới vùng Kurecik thuộc tỉnh Malatya, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và đi vào hoạt động hồi đầu năm 2012. Hệ thống radar này được quân đội Mỹvận hành.

Bộ trưởng Cavusoglu cũng từng nhấn mạnh, Ankara sẽ hỗ trợ kế hoạch của NATO nhằm bảo vệ các nước Baltic, nếu như NATO chấp thuận với kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi những mối đe dọa “khủng bố”.

Hồi tháng 11, sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, Ankara có thể sẽ mua các hệ thống Patriot của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không từ bỏ thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nganhư yêu cầu từ phía Mỹ. Cũng theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện thương vụ mua S-400 là quyền chủ quyền của nước này.

Hoạt động chuyển giao hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng Bảy đã đẩy quan hệ giữa Washington và Ankara liên tiếp rơi vào sóng gió. Song theo ông Erdogan, hệ thống S-400 sẽ hoạt động đầy đủ chức năng vào tháng 4/2020.

Dù là hai quốc gia đồng minh trong khối quân sự NATO, song Mỹ nhiều lần lên tiếng đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ mua S-400 chiểu theo Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ bằng lệnh trừng phạt (CAATSA) .

Do Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.

Minh Thu (lược dịch)

Từ khóa: Nắm điểm yếu của Mỹ Thổ Nhĩ Kỳ lật ngược thế cờ thương vụ mua S-400 hệ thống phòng không S-400 căng thẳng mỹ thổ nhĩ kỳ đạo luật CAATSA căn cứ không quân Incirlik tên lửa Patriot mỹ loại thổ nhĩ kỳ khỏi chương trình F-35

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/nam-diem-yeu-cua-my-tho-nhi-ky-lat-nguoc-the-co-thuong-vu-mua-s400-post325032.info