Năm điểm nhấn trong họp báo tổng kết 2018 của Ngoại trưởng Lavrov

Sputnik ngày 16-1 đưa tin, trong buổi họp báo tổng kết năm 2018, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề cập đến các kết quả ngoại giao mà Moscow đạt được trong năm vừa qua, từ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ đến quan hệ với EU, NATO và cả cuộc khủng hoảng tại Syria.

1. Quan hệ với Mỹ, EU và NATO

Ngoại trưởng Lavrov trong buổi họp báo tổng kết kéo dài hơn hai giờ đồng hồ tại Moscow. Nguồn: AAWSAT.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố rằng Nga muốn khôi phục quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dựa trên bình đẳng và hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, Moscow có thể sẽ đáp trả những hoạt động quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sát vách Nga.

Theo ông Lavrov, Moscow đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các hoạt động của NATO gần biên giới của Nga, bởi việc này rõ ràng gây nguy hiểm cho an ninh của Nga, đồng thời vi phạm Đạo luật Sáng lập NATO - Nga về việc các nước thành viên NATO sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các thành viên mới.

Khi được yêu cầu bình luận về việc thỏa thuận Brexit bị Hạ viện Anh bác bỏ, ông Lavrov cho biết đây là vấn đề nội bộ nước Anh và luôn mong muốn nhìn thấy một EU nên mạnh mẽ và đoàn kết.

2. Tình hình chống khủng bố tại Syria

Ảnh minh họa. Nguồn: Altahrir.

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh rằng "cần phải hất cẳng nốt những kẻ khủng bố còn lại ở Syria, đặc biệt là các vùng lân cận tỉnh Idlib, bởi những kẻ này tiếp tục tấn công căn cứ quân sự Hmeymin của Nga tại tỉnh ven biển Latakia".

Ông cũng cho hay, vấn đề trên sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Mỹ đưa ra quyết định rút quân đội nước này khỏi Syria hồi giữa tháng 12-2018, với lý do đã chiến thắng hoàn toàn trước lực lượng Daesh.

3. Các hiệp ước vũ khí chiến lược

Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ quan điểm rằng Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ để "cứu vãn" Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). Mặc dù có nhiều bất đồng, ông Lavrov hy vọng Washington sẽ có cách tiếp cận trách nhiệm hơn đối với các hiệp ước vũ khí chiến lược.

Hơn nữa, ông Lavrov kêu gọi các lãnh đạo châu Âu sẽ góp tiếng nói vào việc "cứu vãn" hiệp ước quan trọng này, thay vì thể hiện sự nhượng bộ đối với Mỹ.

Trước đó, Washington đã đe dọa rút khỏi INF ký kết năm 1987 với cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước về việc triển khai các tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu. Đáp lại, phía Nga bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư đảng Cộng sản kiêm Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết INF năm 1987.

Ngoài ra, Nga cũng quan tâm đến việc kéo dài Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3). Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Nhiều nước lo ngại rằng chính quyền Mỹ có kế hoạch hủy bỏ Hiệp ước START-3. Chúng tôi hy vọng vấn đề không phải như vậy… chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để loại bỏ mọi tác nhân kích thích có thể xảy ra đối với hiệp ước này và quan tâm đến việc gia hạn nó.”

Hiệp ước START-3 được Nga và Mỹ ký năm 2010, có hiệu lực từ ngày 5-2-2011. Hiệp ước quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm, số lượng các loại vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn.

Tuy nhiên, Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu Tổng thống của hai nước không muốn gia hạn thêm 5 năm nữa.

4. Thượng đỉnh Trump - Putin

Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin tại thượng đỉnh Nga-Mỹ hồi 16-7-2018, tại Hensinki (Phần Lan). Ảnh: Sputnik.

Khi được phóng viên đặt câu hỏi về sự kiện này, ông Lavrov cho biết, có những cuộc đàm phán không thể tiết lộ chi tiết nội dung và Hội nghị Thượng đỉnh Trump - Putin tại Hensinki cũng có những nguyên tắc riêng.

Việc một số tờ báo dựa vào chi tiết này nói rằng Tổng thống Trump là một đặc vụ của Kremlin đã làm suy yếu các tiêu chuẩn báo chí tại Mỹ. Ông Lavrov gọi đây là hành động vi hiến và vi phạm pháp luật.

Liên quan đến cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, ông Lavrov cho hay, kể từ khi tuyên bố đó được đưa ra thì chưa có bất kỳ một bằng chứng nào chứng minh được điều đó.

5. Mỹ điều tàu chiến đến Bắc Cực

Tàu quân sự của Nga hiện diện tại Bắc Cực. Ảnh: TASS.

Hồi tuần trước, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer ra một tuyên bố rằng Washington đã lên kế hoạch điều một tàu chiến đến Bắc Cực vào mùa hè này. Về vấn đề nêu trên, ông Lavrov khẳng định "không thấy có bất kỳ vấn đề gì", miễn là mọi hành động được thực hiện theo luật pháp quốc tế.

Hải quân Nga gần đây thực hiện kế hoạch tăng cường hoạt động tại Bắc Cực, khi sử dụng nhiều tàu phá băng để hộ tống các tàu thương mại trên tuyến này. Các tàu nước ngoài muốn qua tuyến Biển Bắc phải trả tiền thuê tàu phá băng Nga nhằm đảm bảo an toàn.

Sau đó, phía Mỹ đã lên tiếng và cho rằng nước này cũng nên góp mặt ở đó để thực hiện các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cũng như hỗ trợ cho một số hoạt động khác.

Linh Đan

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tu-lieu-quoc-te/ngoai-truong-nga-hop-bao-tong-ket-2018-529499/