Nắm đất trên mộ liệt sỹ và câu chuyện tình thời chiến

Kỷ vật nắm đất trên mộ liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan - y tá Đội điều trị, Binh trạm 37, Đoàn 559 đang được trưng bày tại triển lãm 'Ký ức Trường Sơn' không chỉ mang lại sự xúc động về những người con gái đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước mà còn kể cho người xem một câu chuyện tình đặc biệt từ thời chiến…

Kỷ vật nắm đất trên mộ liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan (bên phải, được đặt trên tấm khăn màu đỏ)

Kỷ vật nắm đất trên mộ liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan (bên phải, được đặt trên tấm khăn màu đỏ)

“Hãy thay chị chăm sóc thương binh”

Có mặt từ rất sớm để tham dự lễ khai mạc triển lãm “Ký ức Trường Sơn” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Trần Thị Hảo (đồng đội với Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan) đã đứng rất lâu trước kỷ vật nắm đất và lặng lẽ khóc. Dù 50 năm đã trôi qua, nhưng bà không bao giờ quên người đồng đội cùng quê này. Nhớ lại những ngày đầu tham gia Đoàn 559, bà Hảo cho biết, bà và Liệt sĩ Tuyết Lan đã nhanh chóng thân nhau bởi cả 2 cùng quê, lại cùng chí hướng và sở thích. Hai người đã kết nghĩa chị em, chia ngọt sẻ bùi trong cả quãng thời gian chiến đấu.

Trong suốt chặng đường hành quân từ miền Bắc sang nước bạn Lào, câu chuyện của 2 người là nỗi nhớ nhà, là bóng dáng của người yêu. Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan khi còn sống cho biết đã có người yêu ở quê và đã dạm ngõ. Ra tiền tuyến, nếu chẳng may có chuyện chẳng lành, chị Hà Thị Tuyết Lan luôn mong muốn y tá Hảo sẽ là người thay thế chị gắn bó với người yêu nơi quê nhà và sẽ là người con trong gia đình chị.

Trong một lần làm nhiệm vụ, chị Hà Thị Tuyết Lan không may bị trúng bom và hy sinh. Trước khi mất, chị còn kịp dặn người đồng đội Trần Thị Hảo: “Em hãy thay chị chăm sóc cho các anh thương binh”. Lúc ấy, ôm người chị kết nghĩa trong những giây phút cuối cùng, chị Trần Thị Hảo đã khóc cạn nước mắt. Thi thể của Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan sau đó đã đưa về lán trại của đơn vị. Anh em thương binh đang điều trị tại binh trạm, người bệnh nặng đỡ người bệnh nhẹ, người tập tễnh dìu người bó chân… đều có mặt để đến nhìn mặt lần cuối người nữ ý tá tận tâm với công việc. Sau đó, đơn vị đã làm lễ mai táng Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan trên đất bạn Lào.

Ba ngày sau, chị Trần Thị Hảo đã lấy một nắm đất trên mộ của Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan cho vào bao diêm Thống Nhất và 9 chân hương bỏ vào lọ thuốc Penicillin rồi cất vào đáy ba lô. Khi được trở ra Bắc điều dưỡng, chị Hảo đã về quê Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan và trao nắm đất ấy cho gia đình. Riêng lọ Penicillin có chứa 9 chân hương, chị mang về nhà đặt lên bàn thờ suốt từ đó đến nay. Cho tới thời điểm hiện tại, mộ của Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan vẫn chưa được quy tập về quê nhà.

Nữ chiến sỹ Trường Sơn Trần Thị Hảo bên vòng tay tri ân của các thế hệ ngày hôm nay

Thực hiện tâm nguyện của liệt sỹ

Cũng từ đó, gia đình Liệt sỹ Hà Thị Tuyết Lan đã coi chị Hảo như một đứa con. Còn người yêu của Liệt sỹ cũng thường xuyên viết thư gửi ra tiền tuyến cho chị Hảo. Chị Hảo nhớ, có ngày chị nhận được tới 23 bức thư từ ngoài Bắc gửi vào, trong đó có 7 bức là do người yêu chị Hà Thị Tuyết Lan viết. Những bức thư ấy, chị Hảo đều đưa cho đồng chí Chính trị viên đọc. Sau đó, người thủ trưởng còn búng má chị bảo: “Em tồ quá, anh ấy muốn đề cập tới chuyện riêng tư”. Nhưng lúc đó, chị lại có mặc cảm vì mình ở Trường Sơn bị sốt rét, tóc rụng, da bệch bạc xấu xí vì ở trong hầm lâu ngày, không xứng với anh, một sinh viên đẹp trai của Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì thế, chị Hảo đã không trả lời bất cứ lá thư nào.

Nhưng 2 - 3 năm sau, chàng trai ấy vẫn kiên nhẫn gửi tiếp những lá thư từ hậu phương. Sự kiên trì ấy khiến chị Hảo cảm động và để thực hiện tâm nguyện của người chị kết nghĩa, một đám cưới giản dị đã được tổ chức ở quê nhà. Trong lễ cưới, chị Hảo mặc chiếc áo bộ đội, còn chú rể phải mượn chiếc áo trắng của anh rể. Ở nhà được 1 tuần, chị Hảo trở lại chiến trường và ít lâu sau chị biết mình có thai. Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, chị vẫn cố gắng vượt qua gian khổ để chăm sóc các thương bệnh binh.

Đến tháng thứ 5 thì chị được đơn vị cho ra Bắc để sinh nở và công tác tại Đoàn 231 (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Tại đây, chị nhận nhiệm vụ làm Bệnh xá trưởng Đoàn 231 với công việc đón tiếp và phân loại bệnh nhân từ các chiến trường. Thương binh nào bệnh nặng thì điều trị, thương binh nào bệnh nhẹ thì chuyển đi an dưỡng. Chiến tranh kết thúc, chị Hảo đã chuyển ngành làm y sỹ tại Bệnh viện Thanh Sơn (Phú Thọ), phụ trách khoa Nội khám cho đến lúc về hưu.

Bây giờ, cô y tá Trần Thị Hảo ngày nào đã lên chức cụ. Phần lớn các con của bà là các bác sỹ, đó là niềm hạnh phúc và tự hào của một chiến sỹ Trường Sơn. Bà Hảo nói, chiếc lọ Penicillin và các kỷ vật khác mang từ chiến trường về như lược chải tóc, thìa múc bột làm từ mảnh bom… luôn được bà lưu giữ dù trải qua nhiều lần chuyển nhà. Có niềm hạnh phúc của ngày hôm nay, bà càng nhớ về những đồng đội đã từng vào sinh ra tử.

Những cô gái tuổi đôi mươi đã mãi mãi nằm lại để đất nước được hồi sinh, để bà và các thế hệ ngày hôm nay được hưởng niềm vui trọn vẹn của một đất nước hòa bình. Bà Hảo may mắn khi trở về từ cuộc chiến, và ký ức những ngày sát cánh bên nhau, nằm gai nếm mật cùng đồng đội tại chiến trường mãi mãi không thể phai mờ. Vì thế bà đã dặn lại con cháu, nếu sau này bà nhắm mắt xuôi tay thì họ sẽ tiếp tục thay bà hương khói cho người đồng đội một như sự biết ơn của thế hệ sau.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/nam-dat-tren-mo-liet-sy-va-cau-chuyen-tinh-thoi-chien/810985.antd