'Nắm đấm thép' chủ lực Type-10 của Lục quân Nhật Bản mạnh thế nào?

Xe tăng chiến đấu chủ lực Type-10 của Lục quân phòng vệ Nhật Bản được giới quân sự đánh giá là một trong những xe tăng hàng đầu thế giới, khi nó hội tụ các phẩm chất hàng đầu về công nghệ.

Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã chứng minh khả năng của xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ tư, tiên tiến nhất của họ, được gọi là Type-10, trong cuộc tập trận bắn đạn thật hàng năm tại trường bắn Higashi-Fuji, tỉnh Shizuoka.

Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã chứng minh khả năng của xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ tư, tiên tiến nhất của họ, được gọi là Type-10, trong cuộc tập trận bắn đạn thật hàng năm tại trường bắn Higashi-Fuji, tỉnh Shizuoka.

Type-10 là xe tăng chiến đấu chủ lực, được chế tạo bởi Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi cho Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF); Type-10 đã gia nhập biên chế của JGSDF từ năm 2012, để cùng phối hợp với xe tăng Type-90 và thay thế Type-74 đã dần hết niên hạn sử dụng trong JGSDF.

Type-10 là thế hệ xe tăng mới của Nhật Bản, với nhiều tính năng vượt trội so với xe tăng Type-90 trước đó trên cả 3 phương diện: Hỏa lực, khả năng bảo vệ và khả năng cơ động.

Theo trang web của JGSDF, đặc điểm đáng chú ý nhất của xe tăng Type-10 nằm ở chức năng C4I (chỉ huy, điều khiển, liên lạc, máy tính và trí thông minh). Trong chiến đấu, Type-10 có thể được tích hợp vào mạng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, cho phép chia sẻ thông tin giữa các xe tăng, cũng như kết nối với mạng máy tính của người chỉ huy binh chủng hợp thành từ cấp Tiểu đoàn trở lên.

Về hỏa lực, xe tăng chủ lực Type-10 được trang bị pháo nòng trơn 120mm L44, sử dụng hệ thống nạp tự động, có tốc độ nạp đạn và độ tin cậy cao. Vũ khí phụ của Type-10 bao gồm một súng máy đồng trục với pháo chính Type-64 có cỡ nòng 7,62mm; trên nóc tháp pháo là một súng máy M2 HB 12,7 mm, có thể ngắm bắn từ trong xe.

Type-10 có hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, cho phép tấn công những mục tiêu cố định hay đang di chuyển với độ chính xác cao. Nó còn có hệ thống quản lý chiến trường kỹ thuật số và hệ thống định vị cho phép nâng cao nhận thức tình huống cũng như hệ thống quan sát toàn cảnh chiến trường 2 D (mặt đất và trên không).

Về khả năng bảo vệ, Type-10 được trang bị lớp giáp tổng hợp bằng composite, có thể chống lại các loại đạn xuyên lõm như RPG, đạn xuyên vượt tốc và tên lửa chống tăng; các tấm giáp bổ trợ, dạng mô-đun có thể dễ dàng lắp đặt để tăng mức độ bảo vệ; ngoài ra, Type-10 được bảo vệ bởi một hệ thống cảnh báo, cho phép kíp xe biết rằng, họ đang bị đối phương dùng tên lửa chống tăng ngắm bắn băng laser.

Theo một số thông tin, giáp của Type-10 đã được cải tiến nhiều so với phiên bản Type-90 trước đó. Nhờ được làm bằng chất liệu gốm tổng hợp, nên trọng lượng xe chỉ 40 tấn, tức là chỉ bằng 60% M1 Abrams của Mỹ, nhưng mức độ bảo vệ được đánh giá là tương đương.

Về khả năng cơ động, có thể đánh giá đây là điểm mạnh vượt trội của Type-10, khi xe được trang bị động cơ diesel 4 thì, 8 xi-lanh, làm mát bằng nước, có công suất 1.200 mã lực, cho xe tốc độ tối đa 70km/h, và xe có bộ dẫn động đặc biệt cho phép xe cũng có tốc độ như vậy khi đi lùi.

Type 10 là một loại xe tăng được xếp vào hàng "mi-nhon" trong các top xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới; lý do là hệ thống đường xá ở Nhật Bản đều nhỏ; những vùng đồi núi thường có những cầu được giới hạn trọng tải. Luật pháp Nhật Bản cũng cấm xe tăng hạng nặng hoạt động trên các tuyến đường giao thông; như vậy với trọng lượng nhẹ và kích cỡ nhỏ, cho phép Type-10 có thể tự do di chuyển trên đường mà không phạm luật.

Một đặc tính nổi bật khác của Type-10 đó là hệ thống giảm xóc thủy lực, cho phép xe có thể di chuyển ổn định trên mọi địa hình, gia tăng độ chính xác khi bắn của vũ khí trên xe; ngoài ra giống như phiên bản Type-90, nhờ có hệ thống giảm sóc thủy khí, Type 10 có thể bắn ở tư thế "quỳ", khi giảm chiều cao của xe.

Type-10 được Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Kỹ thuật (TRDI), cơ quan chế tạo vũ khí trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản, bắt đầu phát triển từ năm 2002, hoàn thành nguyên mẫu vào cuối năm 2007, và tiến hành thử nghiệm cùng năm; các cuộc thử nghiệm đã kết thúc vào cuối năm 2009.

Theo Chương trình quốc phòng và ngân sách của Nhật Bản năm 2020 được xuất bản vào cuối tháng 3 vừa qua, Lục quân Nhật Bản đang yêu cầu mua thêm 12 xe tăng Type-10, nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của Lục quân nước này.

Video Xe tăng chủ lực mới của Nhật Bản - Nguồn: QPVN

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/nam-dam-thep-chu-luc-type-10-cua-luc-quan-nhat-ban-manh-the-nao-1390240.html