'Năm đại hội' của văn học, nghệ thuật Việt Nam

Năm 2020 được giới văn nghệ sĩ gọi vui là 'năm đại hội' của các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật Việt Nam. Từ giữa tháng 11-2019 đến cuối tháng 11-2020, đã có 10 Hội văn học, nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành ở Trung ương tổ chức thành công đại hội; lần lượt là: Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Ðiện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam.

Năm 2020 được giới văn nghệ sĩ gọi vui là "năm đại hội" của các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật Việt Nam. Từ giữa tháng 11-2019 đến cuối tháng 11-2020, đã có 10 Hội văn học, nghệ thuật (VHNT) chuyên ngành ở Trung ương tổ chức thành công đại hội; lần lượt là: Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Ðiện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam.

Tham dự các đại hội có gần 4.700 đại biểu đại diện cho gần 20 nghìn hội viên là văn nghệ sĩ trên cả nước. Lãnh đạo Ðảng và Nhà nước đã tham dự tất cả các đại hội và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Trong 5 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã sưu tầm, biên soạn, dịch thuật gần 4.000 công trình về văn hóa, văn nghệ dân gian (trong đó 2.500 công trình, tác phẩm đã xuất bản), đóng góp thiết thực vào phát triển văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần và vật chất ở nhiều địa phương. Hội Mỹ thuật Việt Nam mở 101 trại sáng tác, tổ chức 265 triển lãm, trưng bày hơn 20 nghìn tác phẩm. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức 13 trại sáng tác, hơn 20 liên hoan các loại hình nghệ thuật sân khấu. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đầu tư nâng cao chất lượng hội viên và giá trị tác phẩm nhiếp ảnh. Các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam thu hút khá nhiều tác giả từ nhiều quốc gia; các tác giả trong nước thường xuyên có tỷ lệ ảnh tham gia triển lãm cao và giành một nửa số giải so với các tác giả nước ngoài.

Hội Ðiện ảnh Việt Nam mở nhiều trại sáng tác, đầu tư cho 1.313 kịch bản ở các thể loại; mỗi năm, nước ta có trên dưới 40 phim Việt được sản xuất và phát hành, so với giai đoạn trước, đây là bước nhảy vọt ấn tượng về mặt số lượng. Phim Việt đã kéo được khán giả trở lại rạp, trong đó những bộ phim đạt doanh thu phòng vé hàng trăm tỷ đồng.

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 15 trại sáng tác, cuộc thi tiểu thuyết 2015 - 2019 có 176 tác phẩm tham dự. Lần đầu tiên Hội tổ chức "Hội nghị nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc", tập hợp các nhà văn Việt Nam đang sống ở nước ngoài và người sáng tác trước năm 1975 ở miền nam, tạo tiếng nói đồng thuận gắn kết các nhà văn hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước. Hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế thu hút nhiều đại biểu đến từ 51 quốc gia trên thế giới, nâng cao vị thế của văn học Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động văn học, nghệ thuật thời gian 5 năm vừa qua vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí yếu kém. Công tác quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, quy hoạch cán bộ chủ chốt đứng đầu các hội còn nhiều bất cập. Vai trò dự báo, tham mưu, tư vấn phản biện xã hội chưa được phát huy. Các vấn đề quan trọng của đời sống xã hội, các nhân vật trung tâm và vấn đề trung tâm còn mờ nhạt, thiếu vắng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, để cho xu hướng giải trí, thị trường, câu khách lấn át. Ðiều mà bạn đọc mong đợi là những tác phẩm thật sự hay, có tầm vóc, phản ánh sinh động, sâu sắc những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua, cũng như lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, lại chưa có nhiều.

Chỉ thị 31-CT/TW ngày 22-1-2019 của Ban Bí thư về đại hội các hội VHNT và Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam yêu cầu, việc tổ chức đại hội lần này phải là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa và nghề nghiệp quan trọng của hội viên và đông đảo văn nghệ sĩ; đánh giá đúng tình hình hoạt động của các hội và liên hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động; nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả hoạt động chuyên môn; góp phần chăm lo đời sống và tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm có giá trị. Việc lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành (BCH) khóa mới cần trên cơ sở kế thừa và phát triển theo hướng trẻ hóa cán bộ; bầu đủ số lượng BCH gồm những người thật sự tiêu biểu về phẩm chất, năng lực, có uy tín, có khả năng đoàn kết, tập hợp văn nghệ sĩ. Tiếp theo là Kết luận 58-KL/TW ngày 12-9-2019 của Ban Bí thư về độ tuổi tham gia công tác hội chỉ ra cụ thể: Tuổi giới thiệu lần đầu hoặc tái cử tham gia lãnh đạo các hội (Chủ tịch và Phó Chủ tịch hội) không quá 65 tuổi; trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhưng chỉ áp dụng đối với Chủ tịch hội. Ðây là những Chỉ thị và Kết luận quan trọng để đổi mới căn bản hoạt động của các hội trong tình hình mới.

Bám sát chỉ đạo của Trung ương cũng như tình hình thực tiễn của các hội chuyên ngành, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan đã được thực hiện nhịp nhàng để kịp thời đưa ra các thông báo, hướng dẫn các Hội VHNT thực hiện các yêu cầu đề ra. Việc thay đổi nhân sự chủ chốt của các hội liên quan đến từng con người cụ thể, có uy tín trong giới và có nhiều đóng góp trong hoạt động hội một thời gian dài, nên khó tránh khỏi những khúc mắc, tâm tư riêng do chưa nhận thức đúng hoặc vẫn còn ít nhiều vương vấn với "vị trí đứng đầu". Bên cạnh đó, tìm người thay thế có đủ phẩm chất, uy tín, nhiệt huyết với hoạt động hội cũng là việc không dễ. Trước đại hội, ở một số hội như Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã xuất hiện những vụ việc phức tạp liên quan đến công tác nhân sự.

Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được Ban Chỉ đạo đại hội đặc biệt quan tâm, các cơ quan chức năng xử lý đúng nguyên tắc, có lý, có tình. Các quy định, kết luận của Trung ương về công tác nhân sự đã được các hội phối hợp với Ban Chỉ đạo đại hội thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tính dân chủ, khách quan; thường xuyên trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc trong công tác tổ chức, nội dung, nhân sự. Việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các hội được tiến hành thận trọng, có đổi mới, có kế thừa nên đã nhận được sự đồng thuận cao, tạo nên bầu không khí phấn chấn, hy vọng vào một giai đoạn phát triển mới của văn học, nghệ thuật nước nhà. Nhiều gương mặt mới là ủy viên BCH ở lứa tuổi 7x, 8x bảo đảm cơ cấu về lứa tuổi, giới, chuyên môn và vùng, miền.

Hầu hết các đại hội đều bầu đủ số lượng ủy viên BCH theo dự kiến, trong đó phải kể đến Hội Nhà văn Việt Nam lần đầu sau nhiều năm bầu đủ 11 ủy viên theo quyết nghị của đại hội ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Chỉ có hai Chủ tịch Hội tái cử, đó là nhạc sĩ Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bảy hội khác đều có Chủ tịch Hội mới và nhiều thành viên BCH lần đầu tham gia. Ngoại trừ Hội Ðiện ảnh Việt Nam lần đầu tiên trong chín kỳ đại hội chưa bầu được nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch. Vì vậy kỳ đại hội lần này còn được gọi là đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo các hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp mạnh mẽ, được nhiều văn nghệ sĩ và dư luận xã hội đánh giá tích cực.

Tuy nhiên, trong suốt một năm với 10 đại hội thì vẫn còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Dễ thấy, việc bầu cử là hoạt động chủ yếu ở các đại hội. Với cấp cơ sở là bầu đại biểu đi dự đại hội cấp Trung ương; còn ở đại hội cấp Trung ương là bầu BCH hội. Có những đại hội, ngay sau phần diễn văn khai mạc là tiến hành ngay công tác bầu cử. Một số đại hội việc bầu cử thực hiện thiếu chuyên nghiệp, đôi chỗ có hiện tượng "vận động ngầm", lúc bỏ phiếu khá lộn xộn.

Về nội dung, báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 5 năm của các hội tương đối toàn diện và sâu sắc, đề cập đến những vấn đề lớn của văn học, nghệ thuật nước nhà nhưng lại chưa tạo được sự quan tâm của đại biểu, ít có sự trao đổi, thảo luận, đóng góp vào văn kiện, điều lệ hoạt động cũng như những vấn đề nghề nghiệp, sáng tác, lý luận phê bình, trao giải thưởng, kết nạp hội viên mới; ít có các đề xuất, kiến nghị cụ thể chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho hội viên phát huy tài năng, sáng tạo tác phẩm có giá trị.

Công tác truyền thông tại nhiều đại hội chưa được quan tâm đúng mức, mới dừng ở mức đưa tin thông tấn. Một số đại hội gần như "đóng cửa" với báo giới, khiến người quan tâm phải theo dõi diễn biến qua… mạng xã hội, không khỏi dẫn đến cái nhìn lệch lạc trong dư luận về giới văn nghệ sĩ.

Nhìn lại đến thời điểm này, có thể khẳng định các đại hội VHNT đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Nhưng nghĩ cho cùng thì công việc xuyên suốt và quan trọng nhất của văn nghệ sĩ là sáng tạo nên tác phẩm. Nếu không có tác phẩm thì tên gọi đó chỉ còn là danh xưng. Tuy tác phẩm là sáng tạo của cá nhân hoặc một nhóm tác giả, nhưng nhìn vào số lượng và chất lượng của nó có thể thấy được phần nào hiệu quả hoạt động của các hội nghề nghiệp. Ðứng trước cơ hội mới luôn là những thách thức mới đòi hỏi sự nỗ lực của các tổ chức hội và giới văn nghệ sĩ, để có một giai đoạn sáng tạo mới, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, là những "chiến sĩ trên mặt trận văn hóa" đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

HỮU VIỆT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/di-san/-nam-dai-hoi-cua-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-627739/