Nằm cùng con cho đến khi con ngủ, thói quen không xấu như mọi người vẫn nghĩ

Không ít người lên án việc các bố mẹ có thói quen nằm với con, vỗ về cho đến khi con ngủ nhưng sự thật thì có vẻ lại không phải như vậy.

Bài viết dưới đây là những chia sẻ, tâm sự của Kristen Thompson – nhà báo của trang web nổi tiếng Today's Parent, đồng thời cũng là bà mẹ của hai cô con gái đáng yêu, rút ra từ chính kinh nghiệm của bản thân cô.

"Bây giờ đã là 8 giờ tối và chúng tôi đang chuyển dần từ một ngày bận rộn, hối hả đến phần nghỉ ngơi yên bình của thời gian ngủ của các con.

Dưới tầng là một núi bát đĩa, quần áo cần giặt và đồ chơi đang chờ được giải quyết. Trên tầng là những đứa trẻ đang nài nỉ được đọc truyện, một cốc nước hay một cái ôm.

Con gái hỏi tôi: "Mẹ ơi, mẹ sẽ nằm xuống cùng con chứ?". Và tôi thở dài bởi vì nó không thực sự có trong lịch trình tối nay, nhưng tôi cũng không muốn đi rửa bát. Thế là tôi chui vào chiếc chăn hồng trong ánh đèn dịu nhẹ trong phòng con và cô bé kéo mặt tôi lại gần. Con có mùi như xà phòng tắm và sữa ấm vậy, và con thủ thỉ "Chúng ta nói về ngày hôm nay của mình đi mẹ".

Con kéo mặt tôi lại gần và thủ thỉ "Chúng ta nói về ngày hôm nay của mình đi mẹ".

Đó là một thói quen mà chúng tôi đã bắt đầu từ khi con còn nhỏ, như là một phần của những khoảnh khắc cuối cùng chúng tôi ở với nhau mỗi tối. Chúng tôi nghĩ lại một ngày: có gì vui, có gì khó khăn, điều gì khiến chúng tôi hạnh phúc, điều gì khiến chúng tôi buồn. Chính là ở trên chiếc giường này tôi đã biết được nhiều thứ nhất về con, và con cũng biết được nhiều điều nhất về tôi. Dần dần con bé khép mắt lại, kéo tay tôi về phía con bé và cảm thấy an tâm khi biết rằng tôi ở ngay bên cạnh.

Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là một bà mẹ nằm bên cạnh các con chờ đến khi chúng ngủ cả. Trái lại, tôi luôn nghĩ trong đầu là lũ trẻ nên tự ngủ mà không cần đến sự vỗ về của bố mẹ. Không phải chỉ bởi vì chúng ta vẫn còn rất nhiều việc sau khi lũ trẻ đi ngủ, mà còn bởi vì tôi tin rằng việc tự đi ngủ mà không cần bố mẹ sẽ mang đến rất nhiều lợi ích cho trẻ.

Niềm tin đó của tôi đã thay đổi gần như 5 năm sau khi tôi làm mẹ. Con gái lớn của tôi luôn cần bố mẹ ở bên cạnh để có thể ngủ được. Chúng tôi bế và đung đưa ru con ngủ trong những tháng đầu đời, lớn hơn một tí thì ru ngủ và giai đoạn sau đó nữa thì xoa lưng. Thậm chí đến bây giờ cô bé vẫn cần chúng tôi ở bên khi đi ngủ. Liệu đây có phải là một thói quen tồi tệ mà chúng tôi đã tạo ra cho con không? Có thể. Nhưng xét cho cùng thì liệu điều đó có quan trọng không?

Sớm thôi con cũng sẽ tự học được cách tự ngủ một mình.

Sự thật là sớm thôi, cô bé cũng sẽ tự học được cách tự ngủ một mình. Chúng tôi cũng không thể nào cho con đi học đại học kèm với nhân bản của chúng tôi để lẻn vào nằm bên cạnh con trong kí túc xá được.

Ý tưởng của việc nằm cạnh con cho tới khi con ngủ, cùng với những phương pháp tập trung vào trẻ khác như cho con ăn khi con cần, địu con hay ngủ cùng con, tạo nên nền tảng của phương pháp nuôi dạy con gần gũi gắn bó (attachment parenting). Phương pháp này không phải là một bộ những hướng dẫn cố định nào cả mà thay vào đó, nó là một triết lý nuôi dạy con chung đề cao sự gần gũi và an ủi để mang lại cho trẻ cảm giác an toàn khi chúng cần.

Theo bà Susan Krauss Whitbourne, Giáo sư danh dự của Khoa Khoa học Não bộ và Tâm lý, Đại học Massachusetts Amherst, có bằng chứng cho thấy rằng phương pháp nuôi dạy con gần gũi gắn bó thực chất có thể giúp trẻ thành công sau này: "Nó là một phương pháp thông minh giúp tăng cường sức khỏe thể chất và cả tâm lý cho trẻ". Bà cũng từng nói trong một bài viết năm 2013 đăng trên quyển "Psychology Today" rằng những phụ huynh theo phương pháp này có thể là những người có cuộc sống hạnh phúc và ít mâu thuẫn hơn, họ cũng có xu hướng là những bố mẹ tốt hơn.

Tất cả những gì tôi biết là mỗi khi con cần, thì tôi sẽ luôn ở ngay bên cạnh con.

Một nghiên cứu được thực hiện năm 2010 bởi Patrice Marie Miller và Michael Lamport Commons tại trường Y Harvard cho biết: "Những lợi ích của phương pháp nuôi dạy con này bao gồm việc ít phải tiếp xúc với stress hơn, và điều này có lợi cho sự phát triển của não bộ và những phản ứng sau này đối với stress. Điều này cũng được chứng minh là làm giảm những vấn đề sức khỏe tinh thần sau này. Một lợi ích khác về mặt tâm lý nữa đó chính là trẻ sẽ biết cách tìm đến với bố mẹ khi gặp vấn đề, khi buồn để được an ủi và giúp đỡ, từ đó giúp trẻ tham gia hiệu quả hơn vào những nhiệm vụ phát triển như những mối quan hệ bạn bè hay học hành".

Tôi không biết được trong đầu con nghĩ gì khi con nằm xuống và chờ giấc ngủ đến mỗi đêm, tôi cũng không biết hết được những mối lo lắng hay stress của con, cũng không hiểu được sự hiện diện của tôi có thể giúp con xua tan được những mối lo lắng đó đến mức nào. Tất cả những gì tôi biết là mỗi khi con cần, thì tôi sẽ luôn ở ngay bên cạnh con. Cho con vòng tay của tôi khi con cần cảm thấy có tôi ở gần và cho con khoảng không gian khi con cần cảm thấy tự lập".

Theo helino.ttvn.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/nam-cung-con-cho-den-khi-con-ngu-thoi-quen-khong-xau-nhu-moi-nguoi-van-nghi/20181226015835623