Nam Caucasus - sân sau Nga đỏ lửa, Mỹ 'theo đóm ăn tàn'?

Bất cứ khi nào sân sau chiến lược của Nga đỏ lửa luôn là cơ hội của Mỹ, nên xung đột Armenia-Azerbaijan nổ ra cũng là cơ hội để Mỹ phá Nga...

Nam Caucasus - sân sau chiến lược của Nga đỏ lửa

Ngày 14/7, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các cuộc đụng độ ở biên giới giữa Azerbaijan và Armenia ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh ở khu vực Nam Caucasus, vì vậy Nga đã sẵn sàng cho việc hòa giải, theo TASS.

"Chúng tôi rất quan tâm đến các vụ xả súng xảy ra ở biên giới Armenia-Azerbaijan. Chúng tôi kêu gọi cả hai bên thực hiện kiềm chế và tôn trọng nghĩa vụ của họ như một phần của lệnh ngừng bắn.

Như chúng tôi đã nhiều lần nói thể hiện lập trường và quan điểm ở các cấp độ khác nhau, là Nga sẵn sàng cung cấp các nỗ lực hòa giải để giải quyết, với tư cách là đồng chủ tịch của OSCE trong định dạng Minsk".

Thư ký báo chí của tổng thống Nga cũng nhấn mạnh : "Như bạn đã biết, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Serge Lavrov, đã có những trao đổi rất cụ thể và chi tiết với các đối tác từ Baku và Yerevan".

Xung đột biên giới Armenia và Azerbaijan

Xung đột biên giới Armenia và Azerbaijan

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Zograb Mnatsakanyan và Bộ trưởng Ngoại giao Azerbaijan Elamr Mamedyarov, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Serge Lavrov đã kêu gọi các bên chấm dứt ngay lập tức chiến sự và cần kiềm chế.

Xin nhắc lại, hôm 12/7, một cuộc đụng độ đã diễn ra trên biên giới giữa vùng Tovuz của Azerbaijan với vùng Tavush của Armenia. Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố các vị trí của mình bị quân đội Armenia pháo kích.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Armenia lại cho biết rằng chính lực lượng bộ binh của quân đội Azerbaijan được sự hỗ trợ của pháo binh đã cố gắng để chiếm giữ cứ điểm phòng thủ của Armenia.

Theo chính quyền Baku, 3 binh sĩ Azerbaijan đã chết, quân đội Armenia cũng bị tổn thất. Ngược lại, phía chính quyền Yerevan tuyên bố Azerbaijan bị thiệt hại nặng nề về nhân mạng, nhưng Armenia thì không đáng kể.

Ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Azerbaijan Kerim Veliyev chính thức xác nhận Thiếu tướng quân đội Azerbaijan Polad Gashimov và Đại tá Ilgar Mirzoyev đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với Armenia.

"Thiếu tướng Polad Gashimov và đại tá Ilgar Mirzoyev đã chết hy sinh cách anh dũng trong các trận đánh buổi sáng", hãng thông tấn nhà nước Azerbaijan AzerTAc dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Kerim Veliyev.

Mặc dù Bộ Quốc phòng Armenia tuyên bố ngày 13/7 phía Azerbaijan vẫn tiếp tục pháo kích sang lãnh thổ nước này, song đến ngày 14/7 thì tình hình ở khu vực biên giới Armenia-Azerbaijan đã dần yên tĩnh trở lại.

"Tình hình ở khu vực phía đông bắc biên giới Armenia-Ailen đã khá bình tĩnh kể từ 18:00. Chỉ có vụ bắn lẻ tẻ, súng hạng nặng không được sử dụng", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Artsrun Ovannisyan cho biết.

Ông Artsrun Ovannisyan cho hay các lực lượng vũ trang Azerbaijan đã chọn các thị trấn và làng mạc của Armenia làm mục tiêu cho các cuộc pháo kích, gồm cả pháo phản lực và nhiều bệ phóng tên lửa Grad, song không có dân thường thương vong.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia Anna Nagdalyan cũng đã chính thức xác nhận là nước này mất 4 quân nhân thiệt mạng và người bị thương trong các cuộc đụng độ với Azerbaijan kể từ ngày 12/7.

"Phía Armenia, 4 quân nhân thiệt mạng và 5 người bị thương, trong đó có 2 sĩ quan cảnh sát. Cho đến nay, không có thương vong nào trong dân thường được báo cáo, mặc dù phía Azerbaijan cố tình nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự và thường dân".

Cũng trong ngày 14/7, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gặp Bộ chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang để nghe báo cáo về các biện pháp mà Armenia đã sử để đối phó với hành động của quân đội Azerbaijan.

Nagorno-Karabakh đỏ lửa là cơ hội cho Mỹ khuấy động sân sau chiến lược của Nga

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh - vùng lãnh thổ từng là thuộc Azerbaijan trước khi Liên Xô tan rã, nhưng dân số chủ yếu là người Armenia, nổ ra năm 1988, sau khi chính quyền vùng này tuyên bố ly khai với Azerbaijan.

Vào những năm 1991-1994, cuộc xung đột đã bùng phát thành cuộc chiến với quy mô lớn giữa Armenia và Azerbaijan nhằm giành quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh và một số vùng lãnh thổ lân cận, buộc cộng đồng quốc tế phải can thiệp.

Các cuộc đàm phán nhằm xác định quy chế cho vùng tự trị Nagorno-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992, dưới định dạng Minsk/OSCE, gồm ba đồng chủ tịch là Nga, Pháp và Mỹ, cùng Belarus, Đức, Ý, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, không một cơ chế nào được đưa ra có thể giải quyết rốt ráo cuộc xung đột giữa hai nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ liên quan tới vùng cao nguyên Nagorno-Karabakh đầy gai góc này.

Mỹ sẽ theo đóm ăn tàn?

Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột bùng phát trở lại giữa Armenia và Azerbaijan là cơ hội cho Mỹ khuấy động Nam Caucasus - vốn được xem là sân sau chiến lược của Nga. Vì vậy, chắc chắn Mỹ sẽ "theo đóm ăn tàn". Tại sao nhận định như vậy?

Thứ nhất, Mỹ đã chính thức quay trở lại Nam Caucasus, sau một thời gian dài "ủy nhiệm" cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Ankara không mang lại kết quả như kỳ vọng của Washington.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 11/5/2017, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ là Daniel R. Coats đã công bố bản báo cáo có tiêu đề : "Đánh giá của Cộng đồng tình báo Mỹ (IC) đối với mối đe dọa toàn cầu”.

IC là sự phối hợp của 16 cơ quan chính phủ Mỹ cùng thực hiện các hoạt động tình báo được coi là cần thiết cho việc tiến hành các hoạt động quan hệ ngoại giao quốc tế của Mỹ và các hoạt động an ninh quốc gia của Mỹ trên thế giới.

Trong báo cáo của IC ngày 11/5/2017, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo về sự căng thẳng sẽ gia tăng giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

"Chúng tôi, Cộng đồng Tình báo Mỹ cam kết cung cấp thông tin tình báo đa ngành, đa dạng cho các nhà hoạch định chính sách và nhân viên thực thi pháp luật để phản ứng nhằm bảo vệ đất nước Mỹ và lợi ích của nước Mỹ ở bất cứ đâu trên thế giới".

Với nội dung bản báo cáo của Cộng đồng Tình báo Mỹ dù không được xem là mở đường cho sự can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy Washington đã chính thức "để mắt" đến khu vực này.

Ông Daniel R. Cost - người đánh giá xung đột giữa Armnenia và Azerbaijan sẽ gia tăng

Thứ hai, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược tại Nam Caucasus, mà trọng tâm là quyết lôi kéo Armenia - đồng minh chiến lược của Nga - từ đó cắm rễ sâu tại Nam Cacasus, thách thức Nga tại chính sân sau chiến lược của Nga.

Sau khi nhận diện mối quan hệ giữa Moscow và Yerevan ngày càng có nhiều sự lệch pha, Washington đã nhanh chóng sử dụng bộ đôi công cụ quen thuộc - củ cà rốt và cây gậy - để thực hiện chiến lược mới tại Nam Caucasus.

Mỹ đã tiến hành viện trợ tài chính cho ngân sách của chính quyền Armenia, đồng thời nhanh chóng thực hiện các kế hoạch hợp tác-đầu tư thiết thực, nhằm giúp tìm cách tháo gỡ khó khăn cho kinh tế Armenia - vá những lỗ hổng của Nga tại đây.

Một năm sau bản báo cáo của IC, ngày 30/3/2018, một phái đoàn các Nghị sĩ Mỹ - chủ yếu nằm trong thành phần ủng hộ Armenia tại Quốc hội Mỹ - đã đến thăm khu vực Nagorno-Karabakh và gần như ngay lập tức đã có hành động.

Sau khi vội vã trở vể Washington, 37 Nghị sĩ đã kêu gọi giúp đỡ Armenia khoảng 60 triệu USD và gửi thêm 10 triệu USD cho chính quyền Armenia, để Yerevan tạo điều kiện cho Mỹ được cử quan chức đến giám sát ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh.

Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ, Nghị sĩ Brad Sherman đã lên tiếng : "Quý vị biết rằng Armenia bị Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan phong tỏa, vì vậy nước này xứng đáng với sự ủng hộ của chúng ta", theo ArmenPress.

Thứ ba, cuộc xung đột giữa Armenia với Azerbaijan là cơ hội để Washington "bày keo khác" với Moscow, sau khi không thể thắng trong keo đầu tiên - đó là "đi trước nhưng về sau" trong cuộc Cách mạng Nhung ở Armenia

Khi cuộc Cách mạng Nhung diễn ra tại Armenia, hầu hết dư luận cho rằng Moscow đã bị một vố đau của Washington, khi lực lực lượng làm cách mạng là những người chống chính quyền thân Nga, người lãnh đạo cuộc cách mạng lại là thủ lĩnh đối lập.

Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng quyền lực kết thúc thì cho thấy dường như người Mỹ mới là người thua đau trước người Nga ngay trong lần xuất chiêu đầu tiên tại Armenia - đồng minh của Nga tại sân sau chiến lược Nam Caucasus.

Từ đó đến nay, Mỹ luôn nung nấu ý tưởng "bày keo khác" tại Nam Caucasus, mà sự hợp tác và chuyển giao kỹ thuật quân sự cho Armenia được xem là trọng tâm của việc Washington lôi kéo Yerevan về phía mình.

Khi sự bảo trợ của Nga không giúp cho Armenia chiếm ưu thế trong các cuộc xung đột với Azerbaijan để giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh thì đây sẽ là cơ hội cho vũ khí và kỹ thuật quân sự Mỹ xuất hiện trên mặt trận của Armenia.

Thua đau trong cuộc Cách mạng Nhung khiến Washington luôn tìm cách phục hận

Hồi tháng 10/2019, khi thăm Armenia, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khi đó là John Bolton đã khẳng định với Yerevan rằng Moscow sẽ không giúp Armenia chiến thắng trước Azerbaijan, chỉ Washington mới làm được điều này, theo NEWS.am.

Nay cuộc xung đột nổ ra và khi Azerbaijan "sứt đầu" thì Armenia cũng "mẻ trán" thì có lẽ Washington sẽ không quên nhắc nhở Yerevan nhớ lời khuyên của John Bolton hôm nào và một chiến dịch "theo đóm ăn tàn" hoàn toàn có thể được Mỹ mở ra.

Thực ra, bất cứ khi nào sân sau chiến lược của Nga đỏ lửa, thì đó luôn là cơ hội của Mỹ, nên khi xung đột quân sự giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra thì đó cũng là cơ hội để Mỹ phá Nga.

Liệu Washington có hiện thực hóa cơ hội để rửa hận cho thất bại ngay lần xuất chiêu đầu tiên ở Nam Caucasus? Và liệu Tổng thống Putin có để cho Washington có thể rửa được hận? Chúng ta cùng chờ xem.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nam-caucasus--san-sau-nga-do-lua-my-theo-dom-an-tan-3413543/