Nam bộ, Tây nguyên lại đón đợt nắng nóng mới

Ranh mặn 1‰ vào sâu 50 - 60 km ở cửa sông Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng

Không khí lạnh gần cuối mùa tiếp tục tăng cường xuống miền Bắc nước ta với cường độ trung bình và yếu, đồng thời di chuyển lệch ra phía đông nên chỉ đủ gây thời tiết lạnh về đêm và sáng, ban ngày có nắng ấm, một số tỉnh vùng núi đông bắc trời còn rét nhẹ. Từ giữa đến cuối tuần sau, vùng núi phía bắc có mưa giông, khả năng xảy ra sấm sét, lốc xoáy và gió giật. Các tỉnh đồng bằng và vùng ven biển có mưa phùn, sương mù khá nhiều do gió đông nam ẩm từ biển vào. Thời tiết đang trong giai đoạn cuối đông, nhìn chung miền Bắc không có những hiện tượng cực đoan và khá thuận lợi cho vụ lúa xuân.

Miền Trung mưa cũng chỉ xuất hiện cuối tuần này ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, chủ yếu là mưa nhỏ mưa phùn, ngày nắng yếu đêm trời lạnh. Càng xuống phía nam thời tiết thuận lợi, nắng ấm và ít mưa.

Trong khi đó từ Ninh Thuận đến Nam bộ và các tỉnh Tây nguyên tiếp tục khô hạn do không mưa, nắng gắt và lượng bốc hơi tăng nhanh. Cuối tuần (23 - 24.2) do ảnh hưởng không khí lạnh khuếch tán xuống làm nhiệt độ có xu hướng giảm nhẹ, đêm về sáng trời mát, miền Đông có nơi se se lạnh, nắng nóng tạm thời dịu bớt, chỉ xảy ra cục bộ ở Bình Phước, Biên Hòa, TP.HCM. Qua tuần sau, khả năng áp thấp nóng từ phía tây lấn sang có thể bắt đầu một đợt nắng nóng mới cũng khá gay gắt ở miền Đông Nam bộ, với nhiệt độ cao nhất 35 - 36oC hoặc hơn, vùng gần biên giới tây nam 34 - 35oC.

Do độ ẩm có xu hướng giảm bởi trời quang mây và thời gian nắng kéo dài với cường độ mạnh, khô hạn ngày càng thêm gay gắt và bắt đầu ảnh hưởng đến cây trồng, nhất là ở miền Đông Nam bộ và Tây nguyên, nguy cơ cháy rừng rất cao. Vì vậy, cần chủ động các biện pháp tưới tiêu, trữ nước ngọt nhằm giảm thiệt hại trong mùa khô còn kéo dài ít nhất trong 2 - 3 tháng tới. Đề phòng giông sét, mưa đá, gió giật có thể xảy ra bất thường sau những đợt nóng bức kéo dài.

Vấn đề đáng quan tâm nữa là tình hình xâm nhập mặn bởi triều cường kết hợp với gió chướng ngày càng nghiêm trọng hơn. Hiện nay ở các tỉnh ven biển Nam bộ, mặn đã xâm nhập sâu vào các cửa sông và đồng ruộng, trong 7 ngày tới nước ròng nhưng cũng không chủ quan khi lấy nước vào ruộng lúa hoặc thả tôm cá giống, vì độ mặn có thể tăng đột ngột bất thường, cần theo dõi. Tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng ranh mặn 1‰ có thể vào sâu cửa sông từ 50 - 60 km. Như vậy mùa khô năm nay xâm nhập mặn trên các sông Nam bộ được dự báo tương đương như năm 2015 và hơi thấp hơn năm 2016 (năm hạn mặn kỷ lục).

Theo dự báo trong 7 ngày tới, diễn biến sâu bệnh chưa có khả năng gây hại nặng ở miền Bắc và miền Trung, riêng đối với Nam bộ do điều kiện thời tiết ngày nóng, đêm lạnh làm cho biên độ nhiệt lớn và có mù khô, sương nên thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát triển và gây hại trên trà lúa đông xuân.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nam-bo-tay-nguyen-lai-don-dot-nang-nong-moi-1054175.html