Nam Bộ tập trung ứng phó khô hạn, xâm nhập mặn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 9-3, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông; sau đó mở rộng ra các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ đêm nay 10-3, Bắc Bộ trời chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất là 15°C.

Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, trong những tháng nửa đầu năm 2020, nhiệt độ trung bình cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, phổ biến từ 0,5°C đến 1,5°C. Cùng với đó là nguồn nước trên các sông suối khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục suy giảm, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 35 đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 80%.

Dung tích các hồ thủy lợi từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế thiếu hụt từ 10 đến 30% so với dung tích thiết kế. Các hồ từ Đà Nẵng đến Bình Thuận thiếu hụt từ 11 đến 47% so với dung tích thiết kế. Các hồ ở khu vực Tây Nguyên thiếu hụt từ 2 đến 10% so với dung tích thiết kế.

Các hồ thủy điện vừa và lớn khu vực Bắc Trung Bộ thiếu hụt từ 17 đến 25% so với dung tích thiết kế. Các hồ Trung Trung Bộ thiếu hụt từ 10 đến 66% so với dung tích thiết kế. Các hồ Nam Trung Bộ thiếu hụt 12 đến 55% so với dung tích thiết kế. Các hồ ở Tây Nguyên thiếu hụt từ 10 đến 25% so với dung tích thiết kế.

* Đến tháng 3, toàn tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa, trong đó có 321 hồ, chủ yếu ở khu vực miền núi, trung du có mực nước thấp hơn thiết kế từ 1 đến 5 m. Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi tỉnh, vụ chiêm xuân năm nay, có 4.000 đến hơn 5.500 ha có khả năng xảy ra thiếu nước, khô hạn...

* Hiện, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) có chín công trình thủy lợi đang hoạt động, trong đó có bảy công trình phục vụ nước sản xuất nông nghiệp. Theo đó, có khoảng 34% trong tổng số 48 nghìn héc-ta diện tích cây trồng được bảo đảm nguồn nước tưới. Diện tích còn lại chủ yếu đang phải sử dụng nước giếng khoan và bơm điện.

* Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, hết tháng 1, hơn 20 hồ chứa thủy lợi của tỉnh còn 170 triệu mét khối nước. Sẽ có hơn 34 nghìn héc-ta gieo trồng được cấp đủ nước từ các hồ chứa. Những diện tích sản xuất ngoài kế hoạch sẽ không đủ nước tưới.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Cần Thơ, từ nay đến ngày 15-3, xâm nhập mặn sẽ tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 âm lịch. Phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn là 4‰ trên sông Hậu (tại cửa Định An, Trần Đề) và ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70 km, sâu hơn trung bình nhiều năm là 29 km, sâu hơn ngày 12-2 khoảng 5 km.

* Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã huy động khoảng 35,5 tỷ đồng thi công các công trình phòng, chống hạn, mặn, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trong mùa khô 2019 - 2020. Trong đó, nạo vét 42 công trình kênh mương, sửa chữa 12 công trình cống, thi công thêm 28 cống mới, đắp 24 công trình đập ngăn mặn bảo vệ các vùng chuyên canh cây ăn trái phía nam và vùng trồng lúa năng suất cao phía bắc quốc lộ 1...

* Hạn mặn đã ảnh hưởng trực tiếp khoảng 30 đến 40% diện tích lúa của huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Diện tích còn lại dự báo cũng không còn khả năng thu hoạch. Ngành chức năng đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân; quan tâm chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi mùa hạn, mặn...

* Cục Kiểm lâm cảnh báo nhiều khu vực của các địa phương nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh, có nguy cơ xảy ra cháy rừng. Cấp cực kỳ nguy hiểm gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Cấp rất nguy hiểm gồm: Bình Phước, Bình Dương. Cục Kiểm lâm đề nghị chủ rừng thuộc các địa phương trên thực hiện ngay biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Chiều 9-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, trong tổng số hơn 43.500 ha rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh, đã có gần 80% (hơn 34.700 ha) dự báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngành chức năng đã lên phương án phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “bốn tại chỗ”, phòng tình huống bất ngờ xảy ra.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43546302-nam-bo-tap-trung-ung-pho-kho-han-xam-nhap-man.html