Năm bộ ngành xây dựng quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp

Lĩnh vực giám định tư pháp đã có Luật Giám định tư pháp và 38 văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Bộ tư pháp, khâu thực hiện 'có vấn đề', nên cần có quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp.

Chiều 13/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp ban soạn thảo liên ngành về dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc họp.

Bộ Tư pháp họp ban soạn thảo liên ngành về dự thảo Quy chế phối hợp trong công tác giám định tư pháp

Theo dự thảo quy chế phối hợp công tác giám định tư pháp, việc phối hợp sẽ diễn ra giữa 5 đơn vị: Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Mục đích của việc phối hợp là tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và phối hợp giữa các cơ quan liên quan về giám định tư pháp.

Theo đó, việc phối hợp sẽ diễn ra ở các lĩnh vực: Xây dựng văn bản về giám định tư pháp; giải quyết khó khăn, vướng mắc về giám định tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; phối hợp thống kê và cung cấp thông tin, số liệu thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; phối hợp trong thanh, kiểm tra về giám định tư pháp; tổ chức họp giao ban liên ngành về giám định tư pháp; phối hợp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp; phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ họp, hội nghị…

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, không nên mở rộng phạm vi quá rộng, khi cần thiết có thể mời các cơ quan liên quan tham gia giám định.

Về thời hạn, đại diện Bộ Công an cho biết, có những vụ án Bộ Công an trưng cầu giám định 3,5 tháng, mà chưa được trả lời, có những vụ án công tác giám định kéo dài. Vì vậy, xây dựng quy chế phối hợp giám định tưu pháp là cần thiết và ần có quy chế thực hiện rõ ràng.

Hữu Vinh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/nam-bo-nganh-xay-dung-quy-che-phoi-hop-trong-cong-tac-giam-dinh-tu-phap-20171213160211058.htm